(Tin Môi Trường) - Đất đai vốn là tư liệu sản xuất không thể thiếu, là tài sản lớn đối với người dân, nhất là dân vùng nông thôn. Tuy nhiên, với người dân nghèo ở xã Phước Sơn, huyện Ninh Phước (tỉnh Ninh Thuận), được chung tay góp sức hiến đất làm công trình phúc lợi, xây dựng công trình phòng, chống lũ là niềm vui lớn. Việc hiến đất nơi đây, đang dần trở thành phong trào, được đông đảo người dân ủng hộ, hưởng ứng tích cực. Đây chính là điểm sáng của vùng quê nghèo Phước Sơn.
Là một vùng quê thuần nông của huyện Ninh Phước, đời sống người dân xã Phước Sơn chủ yếu phụ thuộc vào sản xuất nông nghiệp. Hàng năm cứ mùa mưa lũ đến, người dân Phước Sơn lại đối mặt với nhiều khó khăn, vất vả do sống ở vùng "rốn lũ". Sẻ chia khó khăn với người dân, tỉnh Ninh Thuận quyết định đầu tư xây dựng công trình đê kè chống sạt lở, đoạn nối từ thôn Ninh Quý kéo dài hết khu dân cư xóm Cồn có chiều dài tuyến hơn 570 m, với tổng vốn đầu tư gần 6 tỷ đồng. Để thực hiện công trình này, cần khoản kinh phí không nhỏ nhằm đền bù, giải phóng mặt bằng. Nhưng mọi việc rất thuận lợi khi người dân địa phương đã hiến đất để công trình sớm thi công.
Ảnh minh họa
Ông Nguyễn Văn Bình, Trưởng thôn Ninh Quý 2, xã Phước Sơn, phấn khởi cho biết: Trước đây khi mùa mưa lũ đến gây ngập lụt, người dân Phước Sơn nói chung và gần 50 hộ dân ở xóm Cồn nói riêng rất cơ cực. Được Đảng, Nhà nước quan tâm đầu tư xây dựng đê kè, người dân rất vui mừng, đây là mơ ước lớn của người dân địa phương mà mãi bây giờ mới thành hiện thực. Để công trình sớm triển khai, Đảng ủy, chính quyền và các ban ngành, đoàn thể địa phương đã làm công tác vận động người dân tạo điều kiện thuận lợi nhất để công trình bước vào thi công. Chỉ trong 10 ngày, công tác vận động người dân hiến đất đã mang lại hiệu quả thiết thực, được người dân đồng tình, ủng hộ cao.
Ngay sau khi có chủ trương vận động hiến đất làm đê kè, mặc dù diện tích đất nông nghiệp của gia đình không nhiều, nhưng ông Lê Ngọc Thuận ở thôn Ninh Quý 2 đã không đắn đo suy nghĩ, tự nguyện hiến 400 mét vuông đất cho dự án xây dựng. Với ông Thuận, mong muốn lớn nhất là làm sao sớm có được đê kè chắn lũ để khỏi thấp thỏm lo âu sống với lũ như các năm trước. Không chỉ ông Thuận, nhiều hộ khác cũng vui mừng khi dự án xây dựng đê kè triển khai.
Vì sự phát triển của địa phương và vì lợi ích của chính gia đình và nhân dân, ông Trần Văn Sơn và nhiều hộ khác cũng tích cực hiến đất để làm đê kè. Ông Sơn bộc bạch: Lợi ích riêng thì ai cũng cần nhưng đây là công trình phúc lợi, Nhà nước đầu tư làm, chúng tôi vui lắm. Vì thế người dân nguyện chung tay đóng góp, ai có đất nhiều hiến nhiều, ít thì hiến ít, không đòi hỏi gì, chỉ mong công trình sớm hoàn thành để người dân yên tâm sản xuất, ổn định cuộc sống.
Ông Nguyễn Văn Duy, Chủ tịch UBND xã Phước Sơn cho biết: Việc xây dựng đê kè Sông Dinh được người dân đồng tình hưởng ứng cao. Thấy được lợi ích mang lại từ việc xây dựng công trình, 29 hộ dân đã tự nguyện cùng hiến hơn 7.000 mét vuông đất; trong đó, có 21 hộ hiến đất xây đê kè với diện tích trên 2.000 mét vuông, số hộ còn lại hiến đất làm đường đi để phục vụ duy tu bảo dưỡng kè, vận chuyển vật tư thi công. Hiện công trình đang triển khai thi công rất thuận lợi, tiến độ đạt trên 50%.
Theo Chi cục Thủy lợi tỉnh Ninh Thuận – chủ đầu tư dự án, dự án kè chống sạt lở các đoạn bờ hữu sông Cái Phan Rang gồm 3 đoạn, có tổng chiều dài hơn 2.000 m, với tổng vốn đầu tư hơn 37 tỷ đồng; trong đó, đoạn kè nối từ Ninh Quý kéo dài đến hết khu dân cư đang được khẩn trương thi công, hoàn thành trước mùa mưa bão đến. Công trình này khi hoàn thành sẽ mang lại lợi ích rất lớn cho người dân địa phương, bảo vệ tính mạng người dân vùng "rốn lũ", hạn chế tình trạng thất thoát diện tích đất sản xuất ở khu vực ven sông Dinh do sạt lở, làm tăng năng suất cây trồng do không còn tình trạng ngập úng gây thiệt hại hoa màu, đồng thời góp phần thuận lợi cho việc vận chuyển hàng hóa và việc đi lại của người dân.
Về Phước Sơn hôm nay, dễ dàng nhận thấy niềm vui hiện trên nét mặt của người dân nơi đây. Trong tương lai, sự thay da, đổi thịt ở vùng nông thôn nói riêng và cả tỉnh nói chung rất cần có sự đồng tình, chung tay đóng góp của người có tâm huyết như những cá nhân gương mẫu ở Phước Sơn.