(Tin Môi Trường) - Những bức ảnh phần nào nói lên sự ảnh hưởng đáng sợ của biến đổi khí hậu tới cuộc sống trên Trái đất.
Chúng ta đều biết rằng, tình hình biến đổi khí hậu đang diễn biến ngày một phức tạp. Các nhà khoa học cho biết, chính con người là một trong những nhân tố lớn thúc đẩy sự nóng lên toàn cầu, gây ra hiệu ứng nhà kính.
Biểu hiện rõ nhất về sự nóng lên của Trái đất là băng tan chảy nhiều hơn, nước biển dâng cao, một loạt các hiện tượng thời tiết bất thường như bão lũ, sóng thần, động đất, hạn hán, giá rét kéo dài… dẫn đến tình trạng thiếu lương thực, thực phẩm và xuất hiện hàng loạt dịch bệnh trên người, gia súc…
Những bức ảnh dưới đây sẽ phần nào khiến người xem nhận thấy sự biến đổi khí hậu đã và đang gây ra nhiều tác động trực tiếp - gián tiếp đến các khu vực trên toàn thế giới.
Đây là hình ảnh Vườn quốc gia Rocky Mountain trước đây - những cây thông mạnh mẽ, vươn cao, trải dài hàng chục triệu m2 ở vùng Tây Bắc Hoa Kỳ và phía Tây Canada.
Còn đây là hình ảnh Vườn quốc gia Rocky Mountain ngày nay - một bên sườn đồi thông đã chết do bị sâu bọ xâm hại, cây cối cũng trở nên xác xơ hơn. Theo các nhà khoa học, chính vì nền nhiệt ấm lên đã khiến cho côn trùng phát triển mạnh, chúng tấn công và ra sức tàn phá rừng thông nơi đây.
Rạn san hô Great Barrier tuyệt đẹp trải dài 2.600km ngoài khơi bờ biển của Australia trước đây được coi là một trong những vùng sinh quyển đa dạng nhất thế giới. Nó được tạo thành từ khoảng 3.000 rạn san hô, hàng tỷ sinh vật sống nhỏ và 900 hòn đảo.
Tuy nhiên, Di sản Thiên nhiên thế giới này đang bị suy thoái nghiêm trọng bởi sự nóng lên của Trái đất. Môi trường axit hóa đại dương và nhiệt độ tăng cao do biến đổi khí hậu là mối đe dọa lớn nhất với các rạn san hô nơi đây.
Hình ảnh trên cho thấy rạn san hô Great Barrier đang ngày bị mai một dần. Một nửa số san hô ở Great Barrier đã biến mất trong 3 thập kỷ qua. Sự axit hóa đại dương cũng khiến cho san hô bị tẩy trắng hàng loạt. Khi san hô chuyển màu trắng, chúng trở nên nhạy cảm và dễ chết hơn. Điều này khiến cho môi trường sinh thái dưới đại dương bị ảnh hưởng trầm trọng.
Hình ảnh trên là một khúc của dòng sông Danube - dòng sông dài thứ hai châu Âu, bắt nguồn từ Đức chảy theo hướng Đông đến Biển Đen ở Romani. Đây là một trong những cửa ngõ quan trọng trong việc giao thương, công nghiệp tàu biển...
Nhưng ít ai biết rằng, dưới sự biến đổi khí hậu, một đợt hạn hán kéo dài xảy ra vào năm 2011 - 2012 đã khiến mực nước sông Danube xuống thấp kỷ lục. Điều này khiến cho tàu thuyền ở đây bị mắc cạn và khu vực đường thủy vốn đông đúc trở nên tê liệt.
Hình ảnh trên ghi lại Matterhorn - một trong những đỉnh núi cao nhất châu Âu, thuộc dãy núi Alps nằm trên biên giới Ý và Thụy Sĩ. Bức ảnh chụp lại hình ảnh một khối băng tuyết lớn vào ngày 16/8/1960.
Nhưng bức ảnh chụp ngày 18/8/2005 này cho thấy, "nóc nhà của Thụy Sĩ" đang bị xói mòn. Hệ quả này là do những khối băng lớn ngày một tan chảy nhiều hơn.
Đây là một bức ảnh chụp sông băng Muir Glacier ở Alaska vào cuối thế kỷ XIX. Bạn hẳn nhận thấy, có nhiều tảng băng ở phía trước - một số tảng rộng đến gần 2,1m.
Nhưng ít ai ngờ, sông băng Muir Glacier ngày nay đã trở nên như thế này. Bức ảnh chụp ở cùng một vị trí như bức ảnh trên nhưng dòng sông băng này đã gần như biến mất khỏi tầm nhìn. Thay vào đó là một thảm thực vật phát triển phong phú, các bờ biển được bao phủ bởi sỏi - được tạo nên từ trầm tích lắng đọng khi băng tan chảy trên mặt đất.
Bức ảnh hồ Chad ở châu Phi này được chụp vào thập niên 1930. Đây từng là hồ lớn thứ sáu trên thế giới, cung cấp nước cho ít nhất 20 triệu người ở Nigeria, Chad, Cameroon, và Niger.
Ngày nay, hồ Chad đã mất khoảng 80% diện tích bề mặt. Đây là hệ quả của sự tác động kết hợp từ hệ thống thủy lợi, xây đập trên các dòng sông và sự nóng lên toàn cầu.
Các đảo San Blas ở Panama là quê hương của người Guna. Những túp lều mái tranh lụp xụp, cuộc sống của người dân mưu sinh, cư trú trên các ngôi nhà nổi đang bị đe dọa bởi sự biến đổi khí hậu.
Ngày nay, cộng đồng những người sinh sống ở vùng đảo trên đang chịu cảnh ngập lụt kéo dài mỗi khi mùa mưa đến. Đây là kết quả của việc mực nước biển dâng cao khi Trái đất nóng lên.
Bức hình này ghi lại những rạn san hô tại Dibba. Vào năm 2004, dải san hô nằm trên bờ biển phía Đông của các tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất (UAE) rực rỡ sắc màu.
Ngày nay, các rạn san hô đã bị tàn phá bởi loại tảo có hại có tên là thủy triều đỏ. Loại tảo này có khả năng liên kết với nhau làm tăng khí nhà kính, tăng nhiệt độ đại dương và giết nhiều sinh vật biển bằng cách giảm lượng oxy hòa tan trong nước.
Trước đây, thị trấn Whitby Harbor ở miền Bắc nước Anh từng là một thị trấn đông vui, tấp nập với nghề đánh bắt cá, tàu thuyền, người mua bán và khách du lịch.
Nhưng ngày nay, khu cảng này vô cùng yên tĩnh, hoang vu, lưới và thuyền đánh cá bỏ không. Nguyên nhân của sự hoang tàn này là do các loài cá đã di cư ra các vùng khác. Giờ đây, chỉ còn khoảng 200 ngư dân còn bám trụ lại Whitby mà thôi.
Bức ảnh ghi lại nồng độ CO2 trong khí quyển trên Trái đất vào năm 2003. Khu vực màu đỏ cho thấy nồng độ khí CO2 ở mức 380ppm (đơn vị đo lường để diễn đạt nồng độ theo khối lượng, tính theo phần triệu).
Bức ảnh sau chụp lại vào năm 2007 cho thấy, nồng độ khí quyển trên Trái đất đang tăng lên. Mật độ khu vực màu đỏ gia tăng mạnh mẽ, thể hiện nhiều vùng trên Trái đất đang thải ra nhiều khí CO2 - kết quả của việc đốt cháy nhiên liệu và đốt rừng. CO2 là khí nhà kính, làm tăng tính hiệu ứng nhà kính của khí quyển và do đó dẫn đến sự nóng lên của Trái đất.