Tin Môi Trường- Tin nhanh về môi trường Việt Nam
Hotline: 091.5203050 - 091.5203070
Email: tinmoitruong@tinmoitruong.com
Website: tinmoitruong.com.vn
Khai thác rừng ở Quảng Tri - Ảnh: WWF
Dự án được Hội đồng châu Âu và SIDA tài trợ, hỗ trợ cho chính phủ, các doanh nghiệp chế biến gỗ vừa và nhỏ, các tổ chức dân sự xã hội và các cộng đồng sống gần rừng ở các tỉnh biên giới với Lào hiểu biết và tuân thủ Quy định về gỗ của EU có hiệu lực từ 3/3/2013. Theo Quy định này, mọi sản phẩm gỗ xuất khẩu vào thị trường EU đều phải chứng minh được có nguồn gốc hợp pháp.
Việt Nam hiện đang là một nước nhập khẩu khoảng 40% nguyên liệu cho chế biến xuất khẩu từ nhiều nước trên thế giới. Việc kiểm soát gỗ nhập khẩu, đảm bảo đó là gỗ hợp pháp được khai thác hợp pháp theo quy định của nước xuất khẩu, là một yếu tố quan trọng trong hệ thống đảm bảo gỗ hợp pháp của Viêt Nam. Dự án có hợp phần tăng cường đối thoại chính sách với Lào, tăng cường các biện pháp kiểm soát từ khâu khai thác đến vận chuyển và buôn bán gỗ qua đường bên giới. Đây là những hoạt động rất cần thiết trong bối cảnh cả 2 nước đều đang đàm phán Hiệp định Đối tác Tự nguyện và đã ký Biên bản ghi nhớ Hợp tác Song phương về Lâm nghiệp.
“Việt Nam hiện có hàng triệu hộ nông dân tham gia trồng rừng nguyên liệu, hơn 3.500 doanh nghiệp chủ yếu là doanh nghiệp nhỏ và vừa tham gia chế biến và xuất khẩu. Để tránh cho các lô hàng đồ gỗ của Việt Nam xuất khẩu vào EU không phải khai báo nguồn gốc gỗ, Chính phủ Việt Nam phải cam kết thiết lập và vận hành được hệ thống kiểm soát, xác minh và cấp phép FLEGT một cách hiệu quả và tin cậy,” ông Nguyễn Bá Ngãi, Phó Tổng Cục trưởng Cục Lâm nghiệp được dẫn lời.
“Dự án có một ý nghĩa quan trọng trong bối cảnh đàm phán Hiệp định VPA giữa Việt Nam với EU đang đi vào giai đoạn cuối để kết thúc trong vào cuối năm nay,” ông Ngãi nhấn mạnh.
Thời gian qua, chính phủ Việt Nam đã rất quan tâm đến hoạt động tuyên truyền, tham vấn các bên liên quan về Hiệp định, nhưng quá trình này vẫn chưa đạt kết quả mong muốn do thiếu nguồn lực thực hiện.
Ông Nguyễn Việt Dũng, Phó giám đốc PanNature cho biết: “Các tổ chức xã hội đã được nhìn nhận là một bên liên quan quan trọng của tiến trình đàm phán VPA/FLEGT giữa EU và các quốc gia liên quan. Ở Việt Nam, PanNature, với vai trò là thành viên sáng lập và điều hành mạng lưới VNGO-FLEGT, khẳng định sự quan tâm, tham gia và đóng góp tích cực ngày càng tăng của các tổ chức xã hội/NGOs đối với các hoạt động đàm phán và thực hiện VPA/FLEGT nói riêng và quản trị rừng ở Việt Nam nói chung. PanNature tin rằng dự án này sẽ cung cấp các kết quả và bài học tốt về tiếp cận cộng đồng cho thực hiện, giám sát thực thi lâm luật, quản trị rừng và thương mại lâm sản ở Việt Nam và đóng góp vào quá trình hoàn thiện chính sách lâm nghiệp của nhà nước.”
“Thông qua dự án, WWF sẽ thúc đẩy sự tham gia đầy đủ của các bên liên quan vào việc xây dựng, thực hiện và giám sát Hiệp định Đối tác Tự nguyện, đảm bảo Hiệp định khi được ký kết sẽ hoạt động hiệu quả, khả thi và phù hợp với các yêu cầu của hiệp định về tính minh bạch, công bằng, bền vững và trách nhiệm xã hội.” ông Lê Công Uẩn, cán bộ phụ trách dự án FLEGT, WWF-Việt Nam nói.
Hiệp định VPA/FLEGT là Hiệp định thương mại cấp Chính phủ giữa Việt Nam và Liên minh Châu Âu nhằm giải quyết các trở ngại trong việc sản xuất và xuất nhập khẩu các sản phẩm gỗ vào thị trường EU.
Việt Nam bắt đầu tiến trình đàm phán Hiệp định này từ năm 2010, và cho đến thời điểm này đã đàm phán xong các nội dung cơ bản, bao gồm Khuôn khổ định nghĩa Gỗ hợp pháp, Chuỗi cung ứng, Hệ thống Đảm bảo Gỗ Hợp pháp, hệ thống cấp phép FLEGT, và giám sát, đánh giá độc lập.
Dự án kéo dài 4 năm, từ năm 2014 đến 2018, và sẽ được thực hiện ở Việt Nam và Lào, có sự tham gia của các bên liên quan khác nhau, từ các cộng đồng phụ thuộc vào rừng, các nhóm xã hội dân sự, các doanh nghiệp trong ngành chế biến và các cơ quan chính phủ.