Tin Môi Trường- Tin nhanh về môi trường Việt Nam
Hotline: 091.5203050 - 091.5203070
Email: tinmoitruong@tinmoitruong.com
Website: tinmoitruong.com.vn
Ảnh: TL
Ông Vũ Văn Tú, Chánh Văn phòng Ban chỉ đạo Phòng chống lụt bão Trung ương cho biết: Những năm gần đây, tình hình thiên tai ở các tỉnh miền núi Việt Nam ngày càng diễn ra phức tạp. Hiện tượng trượt lở đất, đá, lũ, lũ quét xảy ra thường xuyên gây tổn thất nghiêm trọng về người, tài sản và môi trường sinh thái. Theo số liệu thống kê, từ năm 2000 đến 2014 đã xảy ra 250 đợt lũ quét, sạt lở ảnh hưởng tới các vùng dân cư, làm chết và mất tích 646 người, bị thương gần 351 người; hơn 9.700 căn nhà bị đổ trôi; hơn 100.000 căn nhà bị ngập, hư hại nặng; hơn 75.000 ha lúa và hoa màu bị ngập; hàng trăm ha đất canh tác bị vùi lấp; nhiều công trình giao thông, thuỷ lợi, dân sinh kinh tế bị hư hỏng nặng nề, tổng thiệt hại ước tính trên 3.300 tỷ đồng. Các tỉnh thường xuyên xảy ra lũ quét, sạt lở đất nhất gồm: Lào Cai, Hà Giang, Lai Châu, Sơn La, Cao Bằng, Bắc Cạn, Yên Bái, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Nam, Kon Tum, Gia Lai, Đắc Lắc, Bình Thuận.
Các đại biểu cho rằng, công tác chỉ đạo đối phó và khắc phục hậu quả lũ quét, sạt lở đất đã được Chính phủ, các Bộ, ngành và chính quyền địa phương quan tâm và đạt được nhiều kết quả. Song vẫn còn một số tồn tại như: tình trạng người chết do lũ quét, sạt lở đất và lũ xảy ra sau bão ở nhiều địa phương do chủ quan, bất cẩn của một bộ phận người dân, cũng như công tác tuyên truyền vận động, kiểm tra giám sát của chính quyền các cấp nhất là ở cơ sở chưa quyết liệt; Công tác thống kê, di dời dân sống ở khu vực dễ bị ảnh hưởng trực tiếp của lũ quét, thiên tai còn gặp nhiều khó khăn, đặc biệt là thiếu quỹ đất tại các khu vực vùng núi cao; ngoài ra, tập quán và điều kiện sinh sống ở nơi ở mới không phù hợp nên nhiều hộ dân không chịu di chuyển…
Theo ông Lê Trọng Quảng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lai Châu, ý thức của người dân về phòng chống thiên tai vẫn còn thấp nên thiệt hại do qua sông, suối, ngầm, vớt củi và bất cẩn trong khi có lũ vẫn còn cao. Vì vậy, công tác tuyên truyền là giải pháp quan trọng trong việc đối phó với lũ, lũ quét và sạt lở đất tại khu vực miền núi.
Ông Nguyễn Minh Tiến, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Giang đề nghị, sớm tập trung nghiên cứu tổng thể các hệ thống cảnh báo, các trạm đo lũ, đo mưa và các thiết bị giám sát lũ quét, sạt lở đất đối với toàn vùng Tây Bắc. Trong quá trình nghiên cứu không nên tách rời mà phải đưa vào nghiên cứu tổng thể của các Bộ ngành: Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Khoa học và Công nghệ.
Một số đại biểu đề xuất, bên cạnh đầu tư các trạm quan trắc dự báo, cảnh báo sớm nguy cơ lũ ống, lũ quét, sạt lở đất cần có kế hoạch di dời người dân sinh sống ở những khu vực có nguy cơ cao về lũ ống, lũ quét, để hạn chế thiệt hại về người và tài sản. Trong đó chú trọng trồng rừng và bảo vệ rừng đầu nguồn.
Kết luận hội nghị, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải ghi nhận những nỗ lực của các Bộ, ngành địa phương trong công tác phòng chống các loại hình thiên tai trong thời gian qua. Phó Thủ tướng nêu rõ, mục tiêu quan trọng nhất trong phòng chống thiên tai nói chung và các loại hình thiên tai như: lũ, lũ quét và sạt lở đất nói riêng là phải đảm bảo an toàn tính mạng của người dân trước, trong và sau khi thiên tai xảy ra.
“Đẩy mạnh công tác tuyên truyền là một trong những giải pháp quan trọng nhất để hạn chế thiệt hại do lũ, lũ quét, sạt lở đất tại khu vực miền núi. Với đặc thù ở miền núi là có nhiều dân tộc sinh sống, địa hình phức tạp nên các địa phương cần có những giải pháp tuyên truyền về phòng chống thiên tai hiệu quả nhất. Tuyên truyền nâng cao nhận thức của người dân là không bao giờ thừa, không bao giờ đủ”, Phó Thủ tướng nhấn mạnh.
Phó Thủ tướng lưu ý, các địa phương cần rà soát những điểm có nguy cơ cao về lũ ống, lũ quét và sạt lở đất, trên cơ sở này xây dựng “bản đồ vùng nguy hiểm” và triển khai kế hoạch ứng phó như: tổ chức di dời người dân vùng nguy hiểm; đầu tư các trạm quan trắc, cảnh báo sớm về thiên tai cho nhân dân. Ngoài ra, cần quan tâm đến việc đảm bảo giảm thiểu tác động do lũ, lũ quét, sạt lở đất đối với quy hoạch dân cư, quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội; Đẩy mạnh hoạt động nghiên cứu khoa học trong lĩnh vực cảnh báo lũ, lũ quét, sạt lở đất và nhất là áp dụng các kết quả nghiên cứu vào thực tiễn; Tiếp tục trồng và bảo vệ rừng; Tổ chức tốt lực lượng xung kích tại chỗ và trang bị tìm kiếm cứu nạn để xử lý kịp thời khi có tình huống xấu xảy ra.