Tin môi trường - Cổng thông tin về môi trường Việt Nam

Tin Môi Trường- Tin nhanh về môi trường Việt Nam
Hotline: 091.5203050 - 091.5203070
Email: tinmoitruong@tinmoitruong.com
Website: tinmoitruong.com.vn

Sài Gòn... “cầu tõm” Tin ảnh

(18:31:58 PM 19/08/2014)
(Tin Môi Trường) - Ngay tại Sài Gòn hiện vẫn còn rất nhiều “cầu tõm”, nhà vệ sinh tạm bợ trên kênh, rạch... Chất thải ấy cùng với rác không chỉ gây ô nhiễm môi trường mà còn làm lây lan dịch bệnh, nhất là bệnh tiêu chảy cấp.

 

Hình ảnh cầu tỏm ở miền Tây lại có nhiều ở Sài Gòn - Ảnh minh hoạ IE

 

Dọc hai bên bờ kênh Đôi, Q.8, những căn nhà tạm bợ lụp xụp chen chúc và cùng với đó là những “cầu tõm” dày đặc trên dòng kênh này. Một người dân ở đây thản nhiên nói: “Ở khu này, nhà xí nhà ai chẳng xả thẳng xuống kênh. Đất cất nhà không có lấy đâu làm nhà vệ sinh tự hoại”.

Còn bà D. - chủ một căn nhà trên rạch Ruột Ngựa, đường Nguyễn Ngọc Cung, Q.8 - cho biết dù gia đình bà đã có nhà vệ sinh nhưng vẫn dẫn ống xả thải thẳng ra con rạch. Các hoạt động ăn uống, ngủ nghỉ của người dân ngay trên mặt nước đen ngòm ấy vẫn diễn ra hằng ngày. “Tụi tui cũng thấy ghê lắm chứ, ai cũng muốn có cái nhà vệ sinh tự hoại đảm bảo vệ sinh cho môi trường nhưng nhà cửa ở đây đều thuộc diện giải tỏa nên đành sinh hoạt theo kiểu tạm bợ thôi” - bà D. thừa nhận.

Theo bà D., gia đình bà và những người xung quanh đều lo lắng khi sắp đến mùa nước dâng cao (tháng 8 âm lịch - PV). Nước bẩn tràn vào nhà mang theo rác, dịch bệnh rất dễ lây lan. “Khu vực dọc bờ kênh chẳng có ai làm nhà vệ sinh tự hoại cả. Riêng khu phố 5 đã có hơn 40 nhà trên kênh, mọi chất thải đều xả thẳng ra kênh” - bà Nguyễn Thị Tho, tổ trưởng khu phố 5, phường 16, Q.8, cho biết.

Nằm ngay dưới chân cầu Kênh A (ngã ba Trần Đại Nghĩa - Lê Đĩnh Chi, xã Lê Minh Xuân, huyện Bình Chánh), nhà vệ sinh của gia đình ông N. được xây tạm bằng những viên gạch vẫn chưa được trát ximăng, không có cửa. Kế bên là nơi tắm giặt, bếp và... chuồng nuôi gà. “Nhà vệ sinh dùng ống dẫn thẳng ra con kênh này. Lâu lâu tui cũng có mua thuốc về đổ vô bồn cầu để khử trùng thôi” - ông N. nói.

Nhiều hộ dân ở xã Lê Minh Xuân còn làm “cầu tõm” ngay trên ao nhà và “tận dụng” để nuôi cá. Rác đều được quăng xuống ao. Ở góc ao là bến nước làm từ vài thanh gỗ. Rồi người dân lại sử dụng chính nguồn nước này để vệ sinh, tắm giặt...

“Các nhà vệ sinh trên kênh, rạch tại Q.8 hiện vẫn còn nhiều, nhất là khu vực ở hai bờ kênh Đôi. Việc tồn tại các nhà vệ sinh như vậy rất mất mỹ quan đô thị, lượng phân thải xuống kênh, rạch sẽ tạo bùn lắng, cản trở dòng chảy. Kết quả kiểm nghiệm mẫu nước ở một vài vị trí của các kênh, rạch trong địa bàn quận trong năm 2013 có lượng coliform cao hơn mức quy chuẩn. Tiếp xúc nguồn nước này sẽ dễ mắc các bệnh đường ruột” - ông Nguyễn Hoàng Chương, chuyên viên Phòng tài nguyên môi trường Q.8, nói.

Ông Đào Đông Hà - trưởng Phòng kinh tế huyện Bình Chánh - cho biết huyện đã hỗ trợ người dân các xã vay tiền xây nhà vệ sinh tự hủy với số tiền hơn 7 tỉ đồng. Tuy nhiên, tại xã Lê Minh Xuân có hơn 100 hộ dân thuê đất nông trường để canh tác. “Đây là vùng đất quy hoạch thuộc dự án, các hộ dân cũng không có hộ khẩu nên không thể hỗ trợ vay tiền xây dựng nhà vệ sinh tự hoại”.

Minh Phượng- Hà Phượng (TTO)