Tin môi trường - Cổng thông tin về môi trường Việt Nam

Tin Môi Trường- Tin nhanh về môi trường Việt Nam
Hotline: 091.5203050 - 091.5203070
Email: tinmoitruong@tinmoitruong.com
Website: tinmoitruong.com.vn

Thách thức của nông nghiệp hữu cơ Việt Nam hiện nay là gì?

(13:04:39 PM 19/08/2014)
(Tin Môi Trường) - Hiện nay ở nước ta vẫn chưa có tổ chức nào cấp giấy chứng nhận cho sản phẩm hữu cơ, ngoại trừ việc triển khai áp dụng PGS mới được khởi đầu từ dự án ADDA cùng với sự tham gia của người sản xuất, người tiêu dùng, thương nhân, NGOs, VNFU, nhà nghiên cứu…các sản phẩm xuất khẩu được chứng nhận hữu cơ lại dựa vào tổ chức của nước ngoài như IMO, JAS, Control Union, liên hiệp kiểm soát (SKAL), ICEA, ACT…vì IMO và liên hiệp kiểm soát có các văn phòng tại tp Hồ Chí Minh.

Hỏi: Xin TMT cho biết, những thuận lợi, khó khăn và thách thức của nông nghiệp hữu cơ Việt Nam hiện nay là gì? (Phan Hoài Nam, Suối Cát, Xuân Lộc, Đồng Nai)

 

Ảnh: TL

 

Đáp: Là đất nước đi lên từ nông nghiệp, Việt Nam có những thuận lợi nhất định cho sự phát triển nền nông nghiệp hữu cơ


Nông nghiệp nước ta đã trải qua một thời gian dài sản xuất tự cung tự cấp nên người nông dân biết tận dụng những gì có sẵn ngoài tự nhiên để phục vụ cho nông nghiệp.


Nước ta nằm trong khí hậu nhiệt đới gió mùa, nóng ẩm, mưa nhiều nên việc sản xuất ra các loại sinh khối phục vụ cho sản xuất nông nghiệp được thực hiện khá nhanh, các chu trình chuyển hóa vật chất diễn ra với tốc độ cao, các chất hữu cơ cao phân tử sau một thời gian xử lý đã nhanh chóng trở thành các chất khoáng đơn giản cung cấp cho cây trồng.


Nguồn nguyên liệu chế biến phân bón khá phong phú, hiện diện trên mặt đất, Việt Nam còn nhiều nguồn tài nguyên nằm dưới lòng đất, chứa hàm lượng các chất khoáng tự nhiên cao, dồi dào.


Hiện nay công nghệ sinh học được ứng dụng rỗng rãi trong sản xuất nông nghiệp như sản xuất phân bón hữu cơ sinh học, phân bón hữu cơ vi sinh chức năng, các chế phẩm xử lý môi trường đất, nước nông nghiệp và hàng loạt các chế phẩm vi sinh trong bảo vệ thực vật.


Nguồn lao động dồi dào và có nhiều kinh nghiệm trong sản xuất nông nghiệp.


Bên cạnh những thuận lợi có được thì cũng không ít khó khăn và thách thức được đặt ra khi nước ta thực hiện phương thức canh tác hữu cơ.


Khó khăn:


Trồng cây hữu cơ, người sản xuất chỉ được phép sử dụng phân bón hữu cơ, phòng trừ dịch hại bằng các biện pháp thủ công hoặc thuốc sinh học nên mất nhiều công sức và khó thực hiện trên diện rộng.


Với những cây trồng sản xuất hữu cơ, trước đây đã trồng cây lâu năm và đã sử dụng nhiều phân bón hóa học và hóa chất bảo vệ thực vật nên cây trồng mới sản xuất hữu cơ thường sinh trưởng khó khăn trong những năm đầu, cây còi cọc và nhiều sâu bệnh.


Phân hữu cơ và các chế phẩm sinh học có tác dụng chậm hơn so với nhiều phân bón hóa học và hóa chất bảo vệ thực vật nên nguồn dinh dưỡng khoáng cung cấp cho cây trồng ở giai đoạn đầu rất chậm và không đầy đủ, sản xuất bằng biện pháp thủ công nên công sức lao động nhiều dẫn đến giá thành sản phẩm hữu cơ cao gấp 2-3 lần bình thường nên việc sản xuất, tiêu thụ sản phẩm hữu cơ gặp nhiều khó khăn vì người tiêu dùng không nhận biết đâu là sản phẩm hữu cơ, đâu là sản phẩm thường.


Phần lớn các hộ nông dân Việt Nam sản xuất với quy mô hộ gia đình, nhỏ, manh mún nên khó trong việc gom diện tích để lập đội, nhóm sản xuất hữu cơ.


Thách thức:


Hiện nay ở nước ta vẫn chưa có tổ chức nào cấp giấy chứng nhận cho sản phẩm hữu cơ, ngoại trừ việc triển khai áp dụng PGS mới được khởi đầu từ dự án ADDA cùng với sự tham gia của người sản xuất, người tiêu dùng, thương nhân, NGOs, VNFU, nhà nghiên cứu…các sản phẩm xuất khẩu được chứng nhận hữu cơ lại dựa vào tổ chức của nước ngoài như IMO, JAS, Control Union, liên hiệp kiểm soát (SKAL), ICEA, ACT…vì IMO và liên hiệp kiểm soát có các văn phòng tại tp Hồ Chí Minh.


Chính sách mới của Chính phủ về đất đai có liên quan đến chương trình nông thôn mới, nên việc quy hoạch và mở rộng quy mô sản xuất bị trì hoãn và nông dân sản xuất vẫn còn chờ đợi một vùng đất mới ổn định để sản xuất hữu cơ.


Chính sách hỗ trợ cho sản xuất nông nghiệp hữu cơ vẫn chưa có, tháng 1/2012, Thủ Tướng Chính phủ ban hành quyết định (01/2012/QĐ-TTg) về chính sách hỗ trợ việc áp dụng các thực hành nông nghiệp tốt bao gồm cả hữu cơ, nhưng hầu hết chỉ hỗ trợ cho sản xuất thực phẩm an toàn/GAP.


Việc phát triển thị trường tiêu thụ sản phẩm hữu cơ ở các địa phương còn rất hạn chế, tháng 12/2006, Bộ nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã ban hành các tiêu chuẩn cơ bản cho sản xuất và chế biến hữu cơ nhưng tình trạng vẫn chưa rõ ràng.


Do không dùng hóa chất nên năng suất cây trồng hữu cơ thấp, sản phẩm hữu cơ nhỏ, hình thức chưa đẹp, năng suất thấp…


Đời sống người dân Việt Nam còn thấp và dân trí chưa cao, do vậy việc sản xuất nông nghiệp hữu cơ cũng gặp nhiều khó khăn và thách thức, lớn nhất vẫn là nâng cao nhận thức cho cả cộng đồng về giá trị của nông nghiệp hữu cơ.

DƯƠNG THI OANH (Thực hiện)