Tin Môi Trường- Tin nhanh về môi trường Việt Nam
Hotline: 091.5203050 - 091.5203070
Email: tinmoitruong@tinmoitruong.com
Website: tinmoitruong.com.vn
Quang cảnh lễ tổng kết Chương trình Hỗ trợ Quản lý Rừng bền vững,Thương mại và Tiếp thị Lâm sản chính GIZ/MARD sáng 19/8/2014
Chương trình lâm nghiệp Việt - Đức có khung thời gian 9 năm từ 9/2005 - 9/2014 nhằm mục tiêu tăng cường hiệu quả và tính bền vững của công tác quản lý rừng và ngành công nghiệp rừng tại Việt Nam với 3 hợp phần chính: (i) quản lý rừng bền vững rừng tự nhiên; (ii) chế biến, thương mại và tiếp thị lâm sản chính; và (iii) tư vấn chính sách. Các hợp phần này cũng chính là 3 trong 5 Chương trình của Chiến lược Lâm nghiệp Việt Nam 2006-2020.
Trong khuôn khổ hoạt động, Chương trình Lâm nghiệp Việt – Đức đã hỗ trợ thành công Công ty TNHH một thành viên lâm trường Dakto và Lâm trường Trường Sơn thuộc Công ty TNHH MTV Lâm Công Nghiệp Long Đại tại các tỉnh Kon Tum và Quảng Bình đạt được chứng chỉ toàn phần FSC/FM/CoC của Hội đồng Quản trị Rừng quốc tế (FSC). Lễ trao chứng chỉ diễn ra vào ngày 20/6/2014 tại Hà Nội. Đây chính là bài học kinh nghiệm để tiếp tục quản lý rừng bền vững gắn với chế biến gỗ và lâm sản ở Việt Nam. Theo ý kiến của ông Nguyễn Bá Ngãi, Phó Tổng cục trưởng, Tổng cục Lâm nghiệp, Giám đốc Chương trình Lâm nghiệp Việt – Đức: “Thành công lớn nhất của Chương trình Lâm nghiệp Việt Đức là đã tư vấn, hỗ trợ 2 công ty Lâm nghiệp xây dựng, thực hiện phương án quản lý rừng bền vững theo tiêu chuẩn FSC quốc tế và giúp họ đạt được chứng chỉ quản lý rừng tự nhiên bền vững FSC FM/CoC toàn phần. Đây cũng là 2 công ty Lâm nghiệp đầu tiên của Việt Nam đạt chứng chỉ FSC FM/CoC quốc tế trong quản lý rừng tự nhiên. Đó cũng là thành công của toàn ngành Lâm nghiệp Việt Nam".
Bên cạnh thành tựu đó, Chương trình cũng đã phối hợp chặt chẽ giữa công tác tư vấn chính sách và hỗ trợ thể chế, quản lý bền vững nguồn tài nguyên, cải cách tổ chức, phát triển kinh tế và xây dựng năng lực. Chương trình đã góp phần tạo nên những điều kiện khung của Ngành thông qua cải thiện khung pháp lý, xây dựng các nguồn tài chính mới và điều phối hỗ trợ quốc tế. Thông qua Chương trình Lâm nghiệp Việt-Đức, GIZ được biết đến như một trong những tổ chức quốc tế khởi xướng, hỗ trợ Chính phủ Việt Nam trong toàn bộ quá trình nghiên cứu, xây dựng, thí điểm và nhân rộng mô hình chi trả dịch vụ môi trường rừng.
Đến nay, chương trình đã tích cực góp phần vào hỗ trợ hiệu quả hóa sự trao đổi thông tin hai chiều giữa cấp hoạch định chính sách và cấp thực thi. Các thực tiễn tối ưu nhất trên thực địa đã được phản hồi lại cho quá trình xây dựng chính sách và ngược lại để đảm bảo rằng các thực tiễn đó sẽ được nhân rộng trên toàn quốc. Ông Ngãi nhấn mạnh: “Chương trình đã thực hiện thành công được như vậy là do có được sự cam kết và hướng dẫn của các cấp có thẩm quyền như Tổng cục Lâm nghiệp, UBND tỉnh, Sở NNPTNT cũng như sự cam kết mạnh mẽ của các bên tham gia. Ngoài ra, hỗ trợ kỹ thuật, trang thiết bị, đào tạo và nhiệt huyết của các chuyên gia và cán bộ GIZ là nhân tố không thể thiếu để làm nên thành công của ngày hôm nay“.
Lãnh đạo Tổng cục Lâm nghiệp cũng đưa ra 3 khuyến nghị, cụ thể là: (i) mong muốn các công ty tiếp tục duy trì hoạt động QLRBV và chứng chỉ rừng FSC FM/CoC sau khi Chương trình kết thúc; (ii) mở rộng và chuyển giao mô hình QLRBV cho những công ty lâm nghiệp có tiềm năng; và (iii) lồng ghép thành quả của Chương trình vào Chương trình mới “Bảo tồn, sử dụng bền vững đa dạng sinh học và các dịch vụ hệ sinh thái rừng tại Việt Nam” – dự kiến khởi động vào Quý IV năm 2014, của Bộ NN-PTNT và GIZ để tiếp tục phát huy, phổ biến và nhân rộng.