(Tin Môi Trường) - Theo Sở Giáo dục - Đào tạo Bạc Liêu, đến thời điểm này, cơ sở vật chất của các trường học trong tỉnh đều đã được nâng cấp, sửa chữa, các trang thiết bị đồ dùng dạy học cũng được bổ sung kịp thời để sẵn sàng để chào đón "Ngày toàn dân đưa trẻ đến trường".
Khi năm học 2013 - 2014 vừa kết thúc, nhiều đơn vị trường học đã lên kế hoạch sửa chữa, nâng cấp cơ sở vật chất, mua sắm các trang thiết bị dạy và học trình lên cấp trên để được bố trí vốn thực hiện. Ngay sau khi được phê duyệt kế hoạch, các đơn vị trường học đã nhanh chóng bắt tay vào các công việc như: nâng cấp sân trường, xây mới hàng rào, nhà vệ sinh, mua sắm bàn ghế mới…
Theo báo cáo của ngành Giáo dục huyện Hòa Bình và Phước Long, chuẩn bị cho năm học mới 2014 - 2015, các huyện đã đầu tư 16,6 tỷ đồng để xây dựng, nâng cấp, sửa chữa cơ sở vật chất trường lớp, đáp ứng nhu cầu dạy và học trên địa bàn. Trong đó, đầu tư 5,2 tỷ đồng xây dựng mới 10 phòng học, phòng chức năng, nhà vệ sinh, hàng rào khép kín tại Trường tiểu học Vĩnh Thịnh C xã Vĩnh Thịnh; đầu tư 3,5 tỷ đồng xây dựng mới 10 phòng học của Trường tiểu học Hòa Bình A (thị trấn Hòa Bình), đầu tư 4,5 tỷ đồng sửa chữa, nâng cấp 10 công trình tại 10 trường học các cấp trên địa bàn và mua sắm gần 500 bộ bàn ghế mới…
Còn tại huyện Phước Long, bên cạnh cải tạo, nâng cấp, sửa chữa cơ sở vật chất các trường, huyện sẽ hoàn thành thêm 30 phòng học mới và 2 khu làm việc với tổng vốn đầu tư trên 30 tỷ đồng. Huyện ưu tiên tập trung đầu tư nâng cấp, sửa chữa cơ sở vật chất của các trường được chọn xây dựng đạt chuẩn quốc gia trong năm 2014. Trong quá trình thực hiện, huyện đã vận động xã hội hóa được gần 800 triệu đồng. Đây là tín hiệu đáng mừng khi hiện nay các doanh nghiệp và người dân ngày càng quan tâm đến công tác xây dựng trường lớp để học sinh trong huyện có điều kiện học tập tốt hơn.
Đặc biệt, năm học mới 2014-2015, ngành Giáo dục Bạc Liêu sẽ triển khai nhân rộng mô hình giáo dục chất lượng cao trên phạm vi toàn tỉnh sau 3 năm thực hiện thí điểm trên địa bàn thành phố Bạc Liêu mang lại hiệu quả cao. Theo đó, mỗi huyện đều có 1 trường được chọn triển khai cho khối tiểu học và 1 trường cho khối trung học cơ sở.
Sở Giáo dục - Đào tạo sẽ chuyển giao nội dung chương trình 3 năm học: 2015 - 2016, 2016 - 2017 và 2017 - 2018 cho các huyện theo hai cấp học trên. Chương trình này chỉ dành cho các lớp chất lượng cao. Mỗi huyện sẽ tuyển 1 lớp cho khối tiểu học, mỗi lớp không quá 30 em và 1 lớp cho khối trung học cơ sở, mỗi lớp 35 em. Khối tiểu học bắt đầu từ lớp 3 và trung học cơ sở bắt đầu từ lớp 6. Điều kiện để được thi vào lớp này phải là học sinh giỏi. Hình thức tuyển thông qua thi tuyển do Sở Giáo dục - Đào tạo ra đề, chọn thí sinh có điểm số từ cao xuống thấp.
Theo ông Trác Văn Đây, Phó Giám đốc Sở Giáo dục - Đào tạo Bạc Liêu, sách giáo khoa đại trà vẫn được sử dụng cho lớp chất lượng cao. Phần chương trình nâng cao sẽ do Sở Giáo dục -Đào tạo biên soạn, giao cho nhà trường phát riêng cho lớp chất lượng cao. Chương trình học không làm quá tải cho học sinh mà phần nâng cao, mở rộng chủ yếu dựa trên nền tảng kỹ năng và kiến thức mà học sinh đã được học. Nội dung chương trình phù hợp với lịch học 2 buổi/ngày, kiến thức và kỹ năng tính toán đa dạng, học sinh tiếp cận được nhiều phương pháp luận giải hơn. Với thời lượng chương trình và kiến thức như vậy, các em sẽ phát huy tốt năng khiếu của mình, có khả năng đậu cao ở các kỳ thi học sinh giỏi, kể cả thi đại học. Ở các lớp chất lượng cao, học sinh được miễn học phí.