(Tin Môi Trường) - Đến thời điểm này, Hậu Giang đã có 3 xã hoàn thành xây dựng nông thôn mới.
Đến thời điểm này, Hậu Giang đã có 3 xã hoàn thành xây dựng nông thôn mới. Tỉnh đặt ra mục tiêu đến cuối năm 2014, có thêm ít nhất 3 xã tiếp tục được công nhận. Đạt được thành quả này có sự tiếp sức không nhỏ của các Chiến dịch giao thông nông thôn - thủy lợi và trồng cây thực hiện trong các năm qua, nhất là chiến dịch được phát động trong năm nay.
Ngay từ đầu năm 2014, Ban Chỉ huy Chiến dịch giao thông nông thôn - thủy lợi và trồng cây năm 2014 đã xác định mục tiêu thực hiện chiến dịch là phát triển cơ sở hạ tầng kỹ thuật giao thông theo quy hoạch xây dựng xã nông thôn mới trên lĩnh vực giao thông, gắn liền với thực hiện thủy lợi nội đồng góp phần làm đổi mới bộ mặt nông thôn và phục vụ sản xuất, cây trồng, vật nuôi. Chiến dịch năm 2014 góp phần hoàn thành các tiêu chí về giao thông, thủy lợi và môi trường ở 11 xã điểm xây dựng nông thôn mới của tỉnh; trong đó, giao thông nông thôn tập trung vào thực hiện đường bê tông, đường nhựa và đường đá cấp phối đảm bảo xe hai bánh lưu thông trong cả hai mùa mưa, nắng ở các ấp nghèo khu vực xã xây dựng nông thôn mới, mở rộng các tuyến đường trở thành 2,5 m và 3,5 m, sửa chữa, xây mới các cầu đảm bảo xe 5 tấn qua lại được. Tất cả các mục tiêu này đều đáp ứng tiêu chí về giao thông trong xây dựng nông thôn mới. Chiến dịch giao thông nông thôn năm 2014 đã thực hiện tại 100 tuyến đường với chiều dài hơn 160 km, tạo điều kiện cho người dân ở các ấp, xã đi lại thuận lợi, nhất là trong các tháng mưa lũ.
Thay vì giao chỉ tiêu cho các địa phương thực hiện công trình thủy lợi theo khối lượng đào đắp như các năm trước, năm 2014, Ban Chỉ huy chiến dịch tiến hành giao chỉ tiêu thực hiện công trình thủy lợi dựa trên diện tích khép kín theo tiêu chí 3.2 về thủy lợi trong Bộ Tiêu chí Quốc gia về xây dựng nông thôn mới. Ngoài việc tập trung nâng cấp, sửa chữa hệ thống đê bao, cống đập chủ động tưới tiêu, phòng chống ngập lụt nhằm phục vụ sản xuất, công tác thủy lợi còn chú trọng thực hiện hệ thống đê bao gắn với giao thông nông thôn với chiều cao 1,5 m tính từ mặt ruộng và rộng 3 m để người dân đi lại. Hệ thống đê bao thực hiện năm 2014 đã khép kín được 24.000 ha đất nông nghiệp, góp phần bảo vệ được diện tích lúa và cây ăn trái chủ lực của tỉnh trong mùa mưa.
Chiến dịch trồng cây năm 2014 được tập trung thực hiện với mục tiêu góp phần hoàn thành tiêu chí về môi trường ở các xã xây dựng nông thôn mới, trong đó chú trọng đến việc trồng cây ở các tuyến đường giao thông nông thôn xã. Ngoài các loại cây như cau cảnh, hoàng hậu, bằng lăng, các tuyến đường giao thông nông thôn còn được phủ xanh bằng một số loại cây ăn trái, bờ sông, kênh rạch được trồng các loại cây chịu ngập như đước, bần, cà na để chắc sóng và bảo vệ đê bao, đường giao thông. Việc tổ chức ra quân trồng cây diễn ra ở hầu hết các huyện và xã trong năm 2014 đã trồng mới được gần 300.000 cây xanh và tạo được ý thức của người dân nông thôn trong việc trồng và bảo vệ xây xanh ở các tuyến đường giao thông.
Chính nhờ mục tiêu gắn liền vơi xây dựng nông thôn mới mà Chiến dịch giao thông nông thôn - thủy lợi và trồng cây năm 2014 đã góp phần giúp 11 xã điểm xây dựng nông thôn mới ở tỉnh Hậu Giang hoàn thành tiêu chí về giao thông, thủy lợi và môi trường; trong đó, có xã Vị Thanh và Tân Tiến được công nhận hoàn thành xây dựng nông thôn mới trong những tháng đầu năm. Ban Chỉ huy Chiến dịch giao thông nông thôn - thủy lợi và trồng cây tỉnh Hậu Giang cũng đã xác định mục tiêu thực hiện trong những tháng cuối năm 2014 và năm 2015, sẽ tiếp tục tập trung vào các xã điểm xây dựng nông thôn mới cấp tỉnh và cấp huyện; trong đó, chú trọng vào việc thực hiện các công trình thủy lợi nhằm phục vụ sản xuất nông nghiệp, ngăn chặn ngập lụt ruộng lúa và vườn cây trong mùa mưa lũ.