Tin môi trường - Cổng thông tin về môi trường Việt Nam

Tin Môi Trường- Tin nhanh về môi trường Việt Nam
Hotline: 091.5203050 - 091.5203070
Email: tinmoitruong@tinmoitruong.com
Website: tinmoitruong.com.vn

Đắk Lắk cần ngăn chặn không để cây mai dương lan rộng gây hại đất

(08:49:05 AM 10/08/2014)
(Tin Môi Trường) - Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Đắk Lắk, hiện nay, ở tỉnh Đắk Lắk, cây mai dương (cây trinh nữ trâu, trinh nữ tây, móc mèo mỹ) đang tăng nhanh lên đến trên 700 ha, bình quân mỗi năm tăng 100 ha, gây ảnh hưởng xấu đến hệ sinh thái, sản xuất nông, lâm nghiệp trên địa bàn nhất là làm cho đất nhanh nghèo dinh dưỡng.

Ảnh IE

 

Cây mai dương xâm chiếm, lan rộng tập trung nhiều nhất ở các huyện Krông Ana, Lắk, Ea Súp, Ea Kar, Krông Pắk. Trong vài năm trở lại đây, tỉnh Đắk Lắk đã đầu tư hàng tỷ đồng phát động phong trào quần chúng thực hiện các biện pháp ngăn chặn cây mai dương bằng các phương pháp thủ công kết hợp với sử dụng các loại thuốc diệt cỏ để tiêu diệt cây mai dương. Từ các mô hình thí điểm mang lại hiệu quả cao, Trạm Bảo vệ thực vật tỉnh đã khuyến cáo đồng bào các dân tộc sử dụng thuốc diệt cỏ Roundup 480 SC cộng với thuốc Anco 72 DD, pha tỷ lệ 4-1để phun vào lúc cây phát triển mạnh có chiều cao từ 2 đến 2,5 mét, cây chưa ra hoa, ra quả và tiến hành phun lúc trời dịu mát thì cây mai dương khô héo, chết dần sau đó cày xới thu nhặt cành, rễ không cho cây mai dương tái sinh. Tỉnh Đắk Lắk cũng hướng dẫn đồng bào các dân tộc kỹ thuật chặt, đào thu nhặt hết thân, cành, quả phơi khô đốt ngăn chặn không cho lây lan, tái sinh...


Tuy nhiên, do các địa phương trên địa bàn tỉnh còn buông lỏng, chưa quan tâm đến công tác tiêu diệt cây mai dương, ngăn chặn không thường xuyên nên cây mai dương có điều kiện lan rộng. Trong khi đó, theo các nhà chuyên môn, mai dương là một trong những loài cây cỏ dại nguy hiểm nhất đối với những vùng đất ngập nước nhiệt đới, nhất là các lòng hồ thủy lợi, kênh mương dẫn nước, bãi đất trống. Loài cây này phát tán nhanh qua hạt, có khả năng tái sinh bằng thân, gốc rất lớn. Một cây có thể sản sinh từ 9.000 hạt đến 12.000 hạt/ m2 tán lá/năm, hạt dễ phát tán theo gió hay trôi theo dòng nước và có thể giữ sức nảy mầm trên 20 năm.


Tỉnh Đắk Lắk cần sớm có giải pháp ngăn chặn hữu hiệu nhằm không để cây mai dương xâm chiếm gây hại hệ thực vật, động vật và làm nghèo chất dinh dưỡng trong đất trên địa bàn.

Quang Huy