Tin Môi Trường- Tin nhanh về môi trường Việt Nam
Hotline: 091.5203050 - 091.5203070
Email: tinmoitruong@tinmoitruong.com
Website: tinmoitruong.com.vn
Thu gom, xử lý rác thải còn nhiều bất cập
Theo báo cáo của Công ty URENCO, đơn vị đảm trách chính việc thu gom và xử lý chất thải rắn (CTR) sinh hoạt tại Hà Nội, trên địa bàn TP hiện có khoảng 30 DN đang thực hiện công tác thu gom, xử lý chất thải sinh hoạt.
Khối lượng chất thải phát sinh trên địa bàn vào khoảng 6.200 tấn/ngày. Việc xử lý, tiêu hủy, tái chế CTR hiện chủ yếu vẫn dựa vào chôn lấp tại bãi rác Nam Sơn (Sóc Sơn), Xuân Sơn (Sơn Tây), Núi Thoong (Chương Mỹ) và nhà máy xử lý rác ở Cầu Diễn, Seraphin Sơn Tây.
Xử lý rác thải tại Khu liên hợp xử lý rác thải Nam Sơn, Sóc Sơn. Ảnh: Phương An
Ước tính, tỷ lệ thu gom chất thải sinh hoạt ở các quận nội thành đạt khoảng 95%, các huyện ngoại thành chỉ đạt 60%; lượng CTR công nghiệp được thu gom đạt 85-90% và chất thải nguy hại mới chỉ đạt khoảng 60-70%.
Phần lớn rác từ các hộ dân được thu gom gián tiếp qua xe gom, thùng rác, bể rác rồi vận chuyển thẳng lên bãi xử lý cuối cùng. Tuy nhiên, cự ly vận chuyển rác đến địa điểm xử lý khá xa (trung bình trên 50km), lại chưa có trạm trung chuyển nên dẫn đến nhiều bất cập.
Một số ý kiến cho rằng, xử lý CTR, chất thải sinh hoạt đang là vấn đề cấp bách và bức xúc đối với Hà Nội. Hiện tại, hầu hết bãi rác của TP đều sử dụng biện pháp chôn lấp. Tuy nhiên, có tới 85-90% các bãi chôn lấp không hợp vệ sinh, có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường cao.
Trong khi đó, tốc độ tăng trưởng GDP hằng năm của Hà Nội là 12%, đặc biệt từ khi được mở rộng, vấn đề phát triển công nghiệp đi đôi với đô thị hóa đã gây áp lực đối với môi trường Thủ đô. Với khối lượng rác tăng trung bình 15%/năm như hiện nay, đến năm 2012, các bãi chứa rác của Hà Nội sẽ đầy ứ và không còn năng lực để xử lý.
Cần cân nhắc kỹ lưỡng khi lựa chọn công nghệ
Giải pháp nào cho vấn đề thu gom, xử lý rác thải? Ông Phạm Văn Đức, Giám đốc Công ty CP Kỹ nghệ môi trường (URENCO 12) cho rằng: cần sớm quy hoạch và đầu tư xây dựng các hạng mục công trình ưu tiên cho xử lý CTR. Hà Nội cần nghiên cứu xây dựng các trạm trung chuyển rác thải tại mỗi quận.
Từ thực tế tại quận Long Biên (với trạm trung chuyển rác tại phường Bồ Đề) cho thấy, trạm trung chuyển này có nhiệm vụ ép rác chảy hết nước. Trước khi chuyển lên bãi rác tập trung của TP, khối lượng rác chỉ còn khoảng 50%. Như vậy, việc vận chuyển vừa thuận lợi, lại đỡ tốn diện tích chôn lấp.
Tại hội thảo, các chuyên gia cũng giới thiệu một số công nghệ xử lý rác thải của các nước tiên tiến đang áp dụng như công nghệ nhiệt phân, công nghệ khí hóa, công nghệ đốt… Tuy nhiên, có ý kiến cho rằng, chi phí đầu tư và vận hành một số công nghệ tiên tiến nói trên còn cao, chưa phù hợp với điều kiện của Việt Nam. Các chuyên gia khuyến cáo, Hà Nội đang rất mong mỏi có được các giải pháp công nghệ để xử lý CTR phù hợp nhưng phải lưu ý tới các tiêu chí khi lựa chọn công nghệ.
Thứ nhất là quỹ đất. Đây là tiêu chí rất quan trọng quyết định đến công nghệ xử lý chất thải. Quỹ đất ít thì phải sử dụng công nghệ tiên tiến, giảm tỷ lệ chôn lấp. Thứ hai là thu nhập quốc nội-GDP.
Rất nhiều nhà đầu tư sẵn sàng tham gia xã hội hóa đầu tư nhưng nếu chính quyền địa phương chỉ quan tâm đến việc không phải đầu tư ban đầu mà không không tính toán đến chi phí duy trì (do ngân sách chi trả) thì sau này sẽ dẫn đến nhiều bất cập.
Với điều kiện như hiện nay, ông Phạm Văn Đức kiến nghị, với các khu vực nội thành (có khoảng cách đến nơi xử lý khoảng 50km) tổ chức thu gom trực tiếp từ các hộ dân bằng xe tải trọng nhỏ rồi chuyển tới trạm trung chuyển. Từ trạm trung chuyển thực hiện ép rác rồi dùng xe tải lớn chuyển tới nơi xử lý cuối cùng.
Với khu vực từ vành đai 3 trở ra và các thị tứ, thị trấn có khoảng cách trên 50km thu trực tiếp từ các hộ dân lên xe ô tô chuyên dùng vận chuyển thẳng tới nơi xử lý. Tổ chức thực hiện phân loại rác ngay từ nguồn đối với những khu vực có đủ điều kiện.
Tại 3 khu xử lý chất thải tập trung kết hợp từ 2-3 loại hình công nghệ xử lý trên nguyên tắc bổ sung lẫn nhau, trong đó chôn lấp hợp vệ sinh được coi như công nghệ cuối cùng. Đến năm 2015, TP cần đầu tư xây dựng 1 nhà máy xử lý chất thải theo công nghệ tiên tiến cho khu vực trung tâm Hà Nội. Đồng thời khuyến khích một số địa phương đầu tư xây dựng các nhà máy xử lý chất thải theo hướng tái chế (đặc biệt là các làng nghề).
Ông Lê Văn Dục, Phó Giám đốc Sở Xây dựng cho biết: Hà Nội đặt mục tiêu phấn đấu đến năm 2025, tất cả các loại CTR phát sinh đều được thu gom, tái chế và xử lý triệt để bằng những công nghệ tiên tiến, thân thiện với môi trường. TP đang tập trung nghiên cứu, áp dụng các công nghệ xử lý CTR theo hướng giảm chôn lấp (lượng chôn lấp chỉ vào khoảng 40%). Khối lượng còn lại sẽ được xử lý theo các phương pháp khác như đốt, tái chế, tái sử dụng hoặc sản xuất phân bón hữu cơ.