Tin Môi Trường- Tin nhanh về môi trường Việt Nam
Hotline: 091.5203050 - 091.5203070
Email: tinmoitruong@tinmoitruong.com
Website: tinmoitruong.com.vn
Một lượng rác sẽ được đưa về Khu Liên hiệp xử lý chất thải rắn Đa Phước xử lý sau khi đóng cửa bãi rác ở Phước Hiệp
Dân hết sống trong ô nhiễm
Nhiều năm nay người dân ở hai ấp Trại Đèn và Mũi Cồn Tiểu thuộc xã Phước Hiệp, huyện Củ Chi ngập trong ô nhiễm bởi mùi hôi thối và ruồi muỗi phát ra từ bãi rác Phước Hiệp. Bà Nguyễn Thị Dung, ở ấp Mũi Cồn Tiểu cho biết đã 30 năm sinh sống ở đây nhưng bây giờ khu này quy hoạch nên vẫn chưa biết đi nơi đâu.
Theo bà Dung mới đây nghe tin đóng cửa bãi rác Phước Hiệp cả xóm ai cũng mừng. “Từ nay không còn chịu cảnh mùi hôi phát ra từ bãi rác nữa”- bà Dung nói. Còn hộ bà Đào ở khu này cho biết, ở đây không chỉ bị mùi hôi tra tấn mà muỗi và ruồi ở khu này cũng rất nhiều. “Có những đợt chúng tôi ăn cơm phải móc màn vì ruồi quá nhiều”- bà Đào kể.
Ấp Mũi Cồn Tiểu có 490 hộ ở cách bãi rác từ vài trăm mét đến hơn 1km nhưng dù có ở xa thì mùi thối từ bãi rác vẫn theo gió tỏa khắp. Từ 5 năm nay, các hộ dân ở ấp này và hơn 300 hộ ở ấp Trại Đèn đã quen với cảnh ruồi và mùi hôi từ bãi rác. “Mỗi lần chúng tôi phản ánh về sự xuất hiện dày đặc của ruồi muỗi thì họ cho xịt thuốc nhưng sau đó đâu lại vào đấy”- ông Di ở ấp Trại Đèn nói.
Không chỉ ở ấp này, người dân chưa di dời ở ấp Mỹ Khánh A, xã Thái Mỹ của huyện Củ Chi cũng chịu chung số phận khi gió đẩy cả mùi hôi sang tận đây dù cách khu bãi rác vài cây số. “Trước đây người dân còn nuôi cá ở các hồ và kênh nhưng nay nguồn nước cũng bị ô nhiễm nên không thể nuôi được”- một hộ dân ở khu vực này nói.
Mặc dù bức xúc vì sống chung với ô nhiễm từ nhiều năm nay, nhưng trong những ngày này các hộ dân ở huyện Củ Chi rất hớn hở vì thành phố đã lên phương án đóng cửa một phần của bãi rác này do ô nhiễm. Bà Nguyễn Thị Ánh ở ấp Trại Đèn cho biết khi nghe tin lãnh đạo TPHCM phát biểu đóng cửa bãi rác, dân ở đây ai cũng mừng. “Lâu nay sống trong ô nhiễm, nhiều lúc mắc màn để ăn cơm vì ruồi và muỗi nên rất khổ. Sợ nhất là bệnh tật”- bà Ánh chia sẻ.
Đóng cửa là chủ trương đúng đắn!
Trước câu hỏi của đại biểu Võ Văn Tân tại kỳ họp HĐND TPHCM ngày 10/7 vừa qua về việc thời gian gần đây bãi rác Phước Hiệp thường bốc mùi hôi rất dữ dội, ảnh hưởng không nhỏ tới đời sống người dân khu vực xung quanh. TP có biện pháp nào có thể khắc phục không, ông Đào Anh Kiệt cho hay, bãi rác này ngay từ đầu nó đã không được đầu tư một cách đồng bộ, bài bản nên đã để xảy ra sự cố lún sụt, rồi gây ô nhiễm cho khu vực xung quanh.
“Hiện nay UBND TPHCM đã chỉ đạo cho chúng tôi xem xét có lộ trình để chuyển rác về Khu Liên hiệp xử lý chất thải Đa Phước và về Long An trong những năm 2020. Tuy nhiên, mọi giai đoạn phải có lộ trình” - ông Kiệt trả lời. Nhiều đại biểu và người dân đều đồng tình với chủ trương này và xem đây là việc làm thể hiện sự quan tâm của TP đến người dân sau hơn 10 năm bị tra tấn bởi mùi hôi và ruồi muỗi vì ô nhiễm.
Theo lãnh đạo UBND TPHCM, thời kỳ TP xây dựng bãi rác này không đồng bộ, công nghệ lạc hậu nên giờ mới bộc lộ ra khuyết điểm, có tác động đến môi trường và phản ánh của người dân là chính xác. “Tôi lên đó kiểm tra. Có những vấn đề mà chúng ta khắc phục được nhưng chỉ là tức thời và tình thế. Sau một thời gian thì lại xảy ra ô nhiễm lại”- lãnh đạo TP cho biết.
Theo UBND TPHCM, để giải quyết căn cơ, cuối năm nay TPHCM sẽ tính toán đóng cửa bãi rác Phước Hiệp, chuyển rác về Khu Liên hiệp xử lý chất thải rắn Đa Phước ở huyện Bình Chánh. Hiện TP đã giao cho Sở Tài nguyên và Môi trường TPHCM thực hiện lộ trình để đến cuối năm 2014 chấm dứt hoạt động ở bãi rác này. Đồng thời giao rác về cho Đa Phước xử lý. Bởi, vì đây là Khu Liên hiệp đảm bảo các tiêu chuẩn xử lý rác cao nhất ở VN hiện nay mà Thủ tướng, các Phó thủ tướng và lãnh đạo TPHCM cũng như các bộ ngành đã khảo sát và đều đánh giá cao.
Làm việc với UBND TPHCM và Long An mới đây, lãnh đạo Chính phủ cũng yêu cầu TPHCM nhanh chóng giao rác thêm cho Công ty xử lý chất thải rắn Việt Nam- VWS. Bởi theo thiết kế của nhà máy ban đầu xử lý 10 nghìn tấn rác/ngày nhưng hiện mới chỉ có 3 nghìn tấn/ngày nên sẽ khó khăn cho doanh nghiệp khi đầu tư vào lĩnh vực này. Để giảm tải cho các bãi rác có công nghệ lạc hậu, ô nhiễm môi trường, Chính phủ chỉ đạo UBND TPHCM nhanh chóng giao thêm việc cho VWS, nâng công suất xử lý rác từ 3 nghìn tấn/ngày lên 7 nghìn tấn/ngày trong thời gian tới.
Về lo ngại việc đóng cửa bãi rác Phước Hiệp vì gây ô nhiễm nghiêm trọng sẽ làm cho khoảng 300 lao động nơi đây khó khăn trong việc làm, nhưng theo lãnh đạo UBND TPHCM thì việc đóng cửa bãi rác là chủ trương cần phải làm để đảm bảo môi trường và sức khỏe cho người dân.
Theo chỉ đạo của UBND TPHCM, hiện đã giao cho Công ty TNHH Một thành viên Môi trường đô thị TPHCM lập đề án chuyển đổi lao động và một số vấn đề khác có liên quan để nhanh chóng xử lý dứt điểm ổ ô nhiễm này. Trong khi đó, phía VWS cho biết nếu lãnh đạo TPHCM có chủ trương họ cam kết sẵn sàng tiếp nhận số lao động này về làm việc tại Khu Liên hiệp xử lý chất thải rắn Đa Phước.
Trong khi đó, nhiều người lo ngại về ùn tắc giao thông khi vận chuyển rác từ Phước Hiệp về Đa Phước, lãnh đạo TP cho biết đã giao Sở Giao thông vận tải TPHCM tổ chức phân luồng giao thông, nghiên cứu khả năng tận dụng giao thông thủy để vận chuyển rác về Đa Phước, chứ không phải duy nhất chỉ là đường bộ. Mới đây, Phó chủ tịch UBND TPHCM Tất Thành Cang cũng đã cùng các sở ngành khảo sát tuyến đường thủy vận chuyển rác từ Phước Hiệp về Đa Phước.
Ông Đỗ Minh Tuấn- Phó chủ tịch UBND xã Phước Hiệp cho biết những phản ánh về tình trạng ô nhiễm của người dân là có thật. “Người dân ở gần bãi rác hay phản ánh về ô nhiễm do ruồi muỗi, chúng tôi nhận phản ánh và kết hợp với Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Củ Chi đã tìm hiểu và xử lý”- ông Tuấn cho hay.