(Tin Môi Trường) - Đây là phương án được Hội đồng Tiền lương Quốc gia chốt sau buổi làm việc sáng 6/8 và sẽ được trình lên Thủ tướng cân nhắc, quyết định áp dụng từ năm sau.
Ông Mai Đức Chính, Phó chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cho biết, Hội đồng Tiền lương Quốc gia sáng nay vừa bỏ phiếu thông qua phương án tăng lương tối thiểu vùng cho năm 2015. Phương án đạt 9 trong tổng số 14 lá phiếu đã được lựa chọn.
Theo đó, lương tối thiểu tại vùng I sẽ tăng 400.000 đồng so với 2014 lên 3,1 triệu đồng một tháng, các vùng khác, mức lương tăng từ 300.000-350.000 đồng.
Đề xuất mức lương tối thiểu vùng năm 2015:
Đơn vị: triệu đồng/tháng
Ông Chính cho biết, đây là phương án được đại diện giới chủ doanh nghiệp đề xuất. Với mức này, lương tối thiểu ở mỗi vùng đều thấp hơn 100.000 đồng so với phương án được Tổng liên đoàn đưa ra trong buổi sáng nay.
Theo ông Chính, phương án này sẽ được Hội đồng Tiền lương Quốc gia báo cáo trình Chính phủ quyết định. Do vậy, trong thời gian tới, Tổng Liên đoàn sẽ tiếp tục có đề xuất trình Thủ tướng với hi vọng đạt được mức lương tối thiểu như cơ quan này đã đưa ra trước đó.
Ông Chính cũng cho biết lộ trình là đến năm 2017, mức lương tối thiểu khu vực doanh nghiệp sẽ đạt mức nhu cầu thấp nhất. Do đó, nếu năm nay mức lương tăng thấp hơn dự kiến thì những năm sau, doanh nghiệp sẽ phải "nặng gánh" hơn.
Theo quy định hiện hành, các doanh nghiệp và cơ quan, tổ chức thuộc khu vực ngoài ngân sách nhà nước phải trả lương cho người lao động không thấp hơn lương tối thiểu vùng. Đây cũng thường là căn cứ để các đơn vị tính toán mức đóng bảo hiểm xã hội cho người lao động.
Nửa đầu năm nay, Viện Công nhân và Công đoàn, Tổng Liên đoàn Lao động đã khảo sát về vấn đề tiền lương, mức sống tối thiểu với 1.500 công nhân, lao động tại 60 doanh nghiệp ở 12 tỉnh, thành. Kết quả cho thấy, mức lương hiện chỉ đáp ứng 69-77% mức sống tối thiểu theo vùng. Do đó, Tổng Liên đoàn từng đề ra phương án tăng lương tối thiểu vùng I lên mức 3,4 triệu đồng.
Tuy nhiên cộng đồng doanh nghiệp cho rằng mức tăng 23% ngay trong năm 2015 là quá cao khi tình hình sản xuất, kinh doanh chưa hết khó khăn. Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Vũ Tiến Lộc cho rằng chỉ nên tăng khoảng 14% để đảm bảo đời sống người lao động đồng thời hỗ trợ doanh nghiệp.
Trao đổi với báo chiều 6/8, bà Vi Thị Hồng Minh, Phó giám đốc Văn phòng giới sử dụng lao động thuộc VCCI cho rằng cơ quan này buộc phải tôn trọng kết quả bỏ phiếu của Hội đồng Tiền lương Quốc gia, song đứng ở phía đại diện cộng đồng doanh nghiệp, phương án tăng trên 14% chưa thỏa đáng.
"Căn cứ trên tỷ lệ lạm phát, mức tăng năng suất lao động và một số phần trăm nhất định để lương tối thiểu đáp ứng được mức sống của người lao động, VCCI cho rằng mức tăng 14% sẽ phù hợp hơn với điều kiện hiện nay", bà Minh cho hay.
Theo bà, 14% đủ bù cho mức tăng của giá cả sinh hoạt (dự kiến tăng 5%), 3% cho mức tăng năng suất và 6% để rút ngắn khoảng cách giữa lương tối thiểu với mức sống tối thiểu.
7 tháng đầu năm, số lao động đăng ký thất nghiệp đã tăng 8,5% so với cùng kỳ năm ngoái, lượng doanh nghiệp giải thể, tạm ngừng hoạt động vẫn tăng lên. “Với số doanh nghiệp còn tồn tại đang khá chật vật, nếu tăng lương quá cao sẽ rất khó cho họ có cơ hội trụ lại thị trường, cũng như các doanh nghiệp muốn tham gia”, vị này nhận xét.
Kết quả trưng cầu ý kiến độc giả trong ngày 6/8 cho thấy, 60% người tham gia cho biết lương tối thiểu là nguồn sống chính của họ hiện nay. 29% cho rằng mức lương này chỉ có ý nghĩa với việc đóng bảo hiểm, tính lương hưu. 11% độc giả cho biết không quan tâm tới lương tối thiểu.
Đại diện VCCI cũng nhận định người lao động chưa chắc đã được hưởng lợi lớn khi lương tối thiểu tăng. Bởi với mức lương tối thiểu tăng 14,8% theo phương án đã được Hội đồng tiền lương thông qua, cộng với các khoản Bảo hiểm xã hội, bảo hiểm Y tế, phí công đoàn..., chi phí thực tế mà chủ doanh nghiệp phải trả cho người lao động sẽ tăng trên 20%. Trong bối cảnh hơn 70% doanh nghiệp tại Việt Nam là vừa và nhỏ, việc chi phí tiền lương tăng trên 20% sẽ ảnh hưởng rất lớn tới chi phí đầu vào, dẫn đến không thể tiếp tục tồn tại và người lao động có thể mất việc làm. Thậm chí, một số chủ doanh nghiệp sẵn sàng cắt giảm các khoản lương mềm để giảm chi phí.
Về ý kiến của Tổng Liên đoàn Lao động cho rằng mức lương tối thiểu vùng hiện nay chỉ đáp ứng 75% mức sống tối thiểu, bà Minh cho biết đây chỉ là đánh giá riêng của một cơ quan, còn hiện nay Việt Nam chưa có một nghiên cứu nào ở tầm quốc gia để chứng minh mức lương hiện tại đáp ứng bao nhiêu mức sống tối thiểu. Do vậy, hiện nay vẫn chưa có phương án chốt đến năm 2017 hay 2018 mức lương tối thiểu sẽ phải tăng bằng 100% mức sống tối thiểu.
"Phương án của Hội đồng tiền lương mới là khuyến nghị dựa trên ý kiến của đa số để trình lên Chính phủ, do vậy đây không phải là con số cuối cùng để quyết định mức tăng lương cho năm 2015. Sau khi trình lên, Chính phủ sẽ phải lấy ý kiến rộng rãi ở các doanh nghiệp, người lao động và tổ chức có liên quan", một thành viên trong Hội đồng Tiền lương nêu.