Tin môi trường - Cổng thông tin về môi trường Việt Nam

Tin Môi Trường- Tin nhanh về môi trường Việt Nam
Hotline: 091.5203050 - 091.5203070
Email: tinmoitruong@tinmoitruong.com
Website: tinmoitruong.com.vn

Đào mỏ vàng kêu lỗ: Thu hồi giấy phép nếu...

(17:33:32 PM 06/08/2014)
(Tin Môi Trường) - Nếu làm ăn hiệu quả nhưng cố ý không hợp tác thì cần thiết phải xem xét, đối chiếu với luật hiện hành nếu không đúng luật phải thu hồi giấy phép.

Ông Trần Xuân Vinh – Phó trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Nam nêu quan điểm về việc 2 Công ty vàng Phước Sơn và Bồng Miêu (Tập đoàn Besra) đã được nhận quyết định hủy truy thu 250 tỷ đồng thuế xuất khẩu vàng sau đó lại tiếp tục “chây ỳ”, thông báo tạm ngừng hoạt động sản xuất, đề nghị miễn thuế, phí các loại với số tiền hơn 300 tỷ đồng mà các công ty này nợ đọng trong những năm qua.

 


Trong vòng 4 năm (2008 - 2012), tổng lượng vàng tại hai nhà máy khai thác vàng lớn nhất nước đã đào được hơn 4,430 tấn vàng - Ảnh TTO

 

Không bình đẳng

 

PV: - Mới đây, Bộ Tài chính, Tổng Cục thuế đã hủy quyết định truy thu 250 tỷ đồng tiền thuế xuất khẩu vàng đối với hai Công ty Vàng Phước Sơn và Bồng Miêu (Quảng Nam) song thay vì khôi phục sản xuất kinh doanh và đóng các khoản thuế, phí khác phải nộp cho chính quyền địa phương đơn vị này lại tiếp tục “chây ỳ”, thông báo tạm ngừng hoạt động sản xuất, đề nghị miễn thuế, phí các loại với số tiền hơn 300 tỷ đồng mà các công ty này nợ đọng trong những năm qua.

 

Ông bình luận như thế nào về những ưu đãi cho doanh nghiệp này và cách hành xử của doanh nghiệp? Việc ưu đãi như trên đối với doanh nghiệp nước ngoài trong lĩnh vực khai thác tài nguyên, khoáng sản đã có tiền lệ hay chưa?

 

Ông Trần Xuân Vinh: - Trên cơ sở các quy định của pháp luật của Việt Nam về đầu tư, thu hút đầu tư nước ngoài để thực hiện việc miễn truy thu thuế, tuy nhiên, do chưa được tiếp cận văn bản của Bộ Tài chính, Tổng Cục Hải quan, Tổng cục Thuế về việc hủy quyết định truy thu thuế xuất khẩu vàng của 2 công ty vàng Phước Sơn và Bồng Miêu nên việc khẳng định đúng hay không đúng sẽ rất khó. Tuy nhiên cũng phải đặt câu hỏi tại sao trước đây lại truy thu bây giờ lại thôi, cơ sở và điều kiện cụ thể ràng buộc với doanh nghiệp là gì…

 

Còn việc chia sẻ khó khăn trước mắt đối của doanh nghiệp từ phía Bộ Tài chính đã hủy truy thu. Về phía địa phương cũng đã tạo điều kiện, Cục thuế Quảng Nam đã có những động thái ủng hộ doanh nghiệp vì vậy với trách nhiệm của mình doanh nghiệp cần sơms  tổ chức triển khai hoạt động nhưng doanh nghiệp lại cố tình không chịu nộp thuế tồn đọng trước đây thì việc Cục thuế Quảng Nam đề nghị công ty trả thuế tồn đọng nếu không sẽ dùng các biện pháp cưỡng chế là có cơ sở và phù hợp với quy định của pháp luật.

 

Doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh tại Việt Nam phải thực hiện đúng quy định pháp luật của Nhà nước Việt Nam đi liền với cơ chế thông thoáng của chính quyền sở tại là trách nhiệm của doanh nghiệp phải thực hiện tốt nếu không sẽ tạo sức ép cho chính quyền sở tại phải xem xét.

 

Việc này sẽ thành tiền lệ, các doanh nghiệp báo cáo thua lỗ, xin ưu đãi ...sẽ làm méo mó hệ thống pháp luật Việt Nam, chính những ưu đãi từ cơ quan quản lý nhà nước đã tạo sân chơi không bình đẳng giữa doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp nước ngoài.

 

Trong trường hợp của Phước Sơn, Bồng Miêu kể cả việc thu hồi đất cho thuê đất để thăm dò khai thác cũng chưa rõ ràng. Trước đây, trong đề án diện tích nhỏ hơn nhưng bây giờ càng ngày càng được mở rộng ra. Dù chưa tiếp cận hồ sơ chính thức từ phía Bộ Tài nguyên và Môi trường nhưng việc giao cho doanh nghiệp diện tích lớn phải có sự thống nhất giữa chính quyền và người dân vì diện tích quản lý có liên quan đến dự án khác và việc bảo vệ tài nguyên thiên nhiên, bảo vệ rừng đầu nguồn, chống xói lở, đảm bảo môi trường…

 

Vì vậy cần có sự phối hợp đồng bộ, khách quan, cầu thị và tôn trọng ý kiến của địa phương. Nhà nước, doanh nghiệp cùng chia sẻ lợi ích, nhà nước đã tạo điều kiện thuận lợi doanh nghiệp lại không triển khai đúng trách nhiệm của mình. Theo các chuyên gia đã từng chỉ ra, sản lượng, công suất khai thác, sản xuất vàng của Công ty vàng Phước Sơn không thấp, việc xuất khẩu vàng ra nước ngoài cũng rất thuận lợi.

 

PV: - Trong khi đó, cũng tại Quảng Nam, đại diện Cục thuế cho biết doanh nghiệp trong nước nợ chỉ vài chục triệu đồng là tiến hành cưỡng chế. Vậy điều trên phải được lý giải như thế nào, phải chăng các doanh nghiệp nước ngoài đang được hưởng ưu đãi quá lớn so với doanh nghiệp trong nước, điều này càng khiến các doanh nghiệp nước ngoài đã lợi càng lợi còn doanh nghiệp trong nước ngày càng khốn khó, thưa ông?

 

Ông Trần Xuân Vinh: - Đúng như vậy, chính tôi cũng rất trăn trở về điều này, một số doanh nghiệp trong nước nợ thuế vài trăm triệu đã bị đình chỉ hoạt động và điều này đúng với pháp luật vì vậy ở những trường hợp như trên những gì doanh nghiệp đang được hưởng là quá ưu đãi.

 

Điều này có phù hợp hay không, con số tồn đọng thuế lên đến hàng trăm tỷ đồng nếu không có biện pháp chế tài là bất bình đẳng, khiến các doanh nghiệp nước ngoài có lợi càng có lợi và doanh nghiệp Việt Nam vốn đã ít được hưởng các ưu đãi về đất,  thuế, thị trường… càng khó khăn hơn.

 

Rõ ràng, việc thu hút đầu tư nước ngoài ở thời điểm này là quan trọng và cần khuyến khích nhưng cũng cần phải tìm hiểu, chọn lọc, tìm doanh nghiệp thật sự có năng lực và thiện chí  để sản xuất kinh doanh vừa có đóng góp cho kinh tế Việt Nam vừa đóng góp cho ngân sách địa phương, ngân sách nhà nước, giải quyết việc làm, bảo vệ môi trường,.... không thể khuyến khích thu hút bằng bất kể giá nào.

 

Khuyến khích đầu tư dựa trên cơ sở của pháp luật nhưng cũng phải xem xét thái độ tinh thần hợp tác, sự cầu thị, mục tiêu của nhà đầu tư thực sự có muốn đóng góp cho Việt Nam hay không...

 

Cũng có nhiều thông tin cho biết việc trả lương cho công nhân, vấn đề bảo hiểm xã hội của 2 công ty Vàng Phước Sơn và Bồng Miêu đã không được thực hiện theo đúng pháp luật. Với tất cả những điều trên chứng minh rằng trong khi các nước rất nghiêm túc trong việc này thì Việt Nam đã rất ưu đãi và thiếu kiên quyết.

 

Thu hồi giấy phép nếu...

 

Nếu doanh nghiệp làm ăn hiệu quả nhưng cố ý không hợp tác thì cần thiết phải xem xét, đối chiếu với luật hiện hành nếu không đúng luật phải thu hồi giấy phép.

 

PV: - Trong khi tài nguyên quý giá của quốc gia là vàng đang bị doanh nghiệp này khai thác tăng đều đặn trong 20 năm gần đây nhất năm 2013 là 2 tấn, xuất khẩu 100% nhưng lại liên tục chây ỳ nộp các khoản thuế phí hàng trăm tỷ đồng. Theo quan điểm của ông, việc ưu đãi chính sách thuế cho Besra như vừa qua, Việt Nam có thể thu được lợi ích gì hay đơn giản chỉ là làm cạn kiệt tài nguyên quốc gia?

 

Ông Trần Xuân Vinh: - Vàng theo tôi là nguồn tài nguyên không tái tạo nên không khuyến khích việc đầu tư bằng bất cứ giá nào vì thế hệ này không làm được thì thế hệ sau làm, càng về sau công nghệ càng hiện đại với yêu cầu doanh nghiệp phải thực hiện theo theo đúng quy định của của pháp luật về khai khai khoáng, bảo vệ môi trường đóng góp cho ngân sách nhà nước, tạo công ăn việc làm cho người dân...

 

Việc doanh nghiệp chây ỳ nộp thuế cũng khiến địa phương thất thu ngân sách tương đối lớn. Thời gian trước đây doanh nghiệp có đóng góp cùng địa phương tham gia xây dựng kết cấu hạ tầng nhưng hiện nay tình hình như vậy ảnh hưởng đến kế hoạch thu và chi của Quảng Nam.

 

Trước đây có nhiều ý kiến khác nhau của các chuyên gia, các nhà quản lý liên quan đến vấn đề thuế xuất khẩu cho doanh nghiệp đã quá ưu đãi, nhưng thuế tài nguyên, thuế thu nhập doanh nghiệp... doanh nghiệp phải thực hiện nghĩa vụ một cách đầy đủ, không thể chấp nhận việc chây ỳ và lấy lý do này nọ để xin ưu đãi.

 

Việc ưu đãi thuế cho Besra như vừa qua trước mắt chưa thấy nhiều lợi ích thu được từ điều này trong khi mất mát hiện hữu là ngân sách của nhà nước, của địa phương bị thiếu hụt, lao động rơi vào tình cảnh khó khăn do bị nợ lương, nợ bảo hiểm xã hội và quan trọng là tài nguyên quốc gia bị cạn kiệt.

 

PV: - Báo cáo của Cục Thuế Quảng Nam tính đến 30/6, tổng nợ thuế của 2 nhà máy Phước Sơn và Bồng Miêu là 231,6 tỷ đồng song công ty chỉ thực hiện nghĩa vụ nộp thuế gần 12 tỷ đồng, đạt 12,7% số phải nộp. Cục thuế đã đề nghị công ty nộp các khoản nợ vào ngân sách, đồng nghĩa với việc Cty này sẽ không thể xuất hàng, phía Besra lại đề nghị ngành thuế phải tháo gỡ ngay lập tức các biện pháp cưỡng chế thì công ty mới thanh toán đầy đủ, đúng hạn các khoản thuế phát sinh từ tháng 9/2014, còn đối với các khoản nợ thuế cũ, công ty không cam kết trả.

 

Thậm chí khi Cục Thuế áp dụng biện pháp cưỡng chế đồng nghĩa sẽ không thể xuất hàng, Cty Phước Sơn đã làm hợp đồng với Cty Bồng Miêu (thời điểm chưa bị cưỡng chế) vay vàng nhằm hợp thức hóa, đưa vàng qua cho Cty này xuất bán. Sau khi bị cưỡng chế, Công ty Phước Sơn vẫn xuất vàng qua cửa khẩu hải quan sân bay Đà Nẵng.

 

Những gì mà công ty vàng Phước Sơn và Bồng Miêu làm theo ông đã đến lúc cần phải thu hồi giấy phép, đóng cửa mỏ vàng và tìm nhà đầu tư khác có năng lực và có nghĩa vụ thuế thay thế hay chưa?

 

Ông Trần Xuân Vinh: - Theo tôi để đi đến kết luận thu hồi giấy phép, đóng cửa mỏ vàng cần quá trình tìm hiểu, ngồi lại làm việc giữa các bộ, ngành liên quan tham gia việc cấp phép, cùng chính quyền địa phương và ngành thuế xem xét phương án của doanh nghiệp. Nếu thật sự làm ăn hiệu quả nhưng cố ý không hợp tác thì cần thiết phải xem xét lại, phải đối chiếu với luật hiện hành nếu không đúng luật phải thu hồi giấy phép.

 

Đồng thời những thông tin liên quan phải công khai minh bạch. Tại sao trước đây truy thu thuế xuất khẩu hàng trăm tỷ đồng giờ lại hủy truy thu? Các đại biểu, các nhà quản lý, cán bộ tỉnh Quảng Nam hỏi tôi nhưng chính tôi cũng không rõ nội tình sự việc, vướng mắc chỗ nào, tồn tại đó là do nhà nước quản lý hay do Quảng Nam hay doanh nghiệp?

 

Nguyên nhân tiền hậu bất nhất ở đây là gì? Phải xem xét đánh giá kỹ, tất nhiên mình phải tạo thuận lợi cho doanh nghiệp, không ép doanh nghiệp vì người ta cũng đã đầu tư lớn nếu làm không có trước, không có sau cũng không nên nhưng phải làm đúng theo quy định của pháp luật và phù hợp với tình hình thực tế hiện nay.

(Theo Đất Việt)