Tin môi trường - Cổng thông tin về môi trường Việt Nam

Tin Môi Trường- Tin nhanh về môi trường Việt Nam
Hotline: 091.5203050 - 091.5203070
Email: tinmoitruong@tinmoitruong.com
Website: tinmoitruong.com.vn

Bộ ảnh lột tả chân thực cuộc sống “nô lệ thời hiện đại” Tin ảnh

(08:44:02 AM 03/08/2014)
(Tin Môi Trường) - Dù nghèo đói, khó khăn nhưng những "nô lệ" nơi đây vẫn mong mỏi chờ đón một tia sáng phía cuối đường hầm...

Nói đến chế độ nô lệ hầu hết chúng ta đều tưởng tượng ra khung cảnh lao dịch khốn khổ của hàng ngàn năm trước. Vậy mà tập tục đó trên thực tế vẫn còn đang tồn tại và phát triển trong đời sống hiện đại ngày nay. 


Từ năm 2009, nhiếp ảnh gia Lisa Kristine đã đi nhiều quốc gia và ghi chép lại cuộc sống cực nhọc của những con người không may đã bị cuốn vào việc buôn bán man rợ khiến họ phải chịu kiếp sống nô lệ. 

Chúng ta hãy cùng tới thăm một góc tối của vùng Nam Á - nơi những người dân trở thành một nô lệ thực sự qua chùm ảnh dưới đây.
 

 


Ấn Độ được coi là một trong những quốc gia có nguồn lao động dồi dào và “rẻ mạt” trên thế giới. Những người phụ nữ nơi đây cũng phải làm nhiều việc nặng nhọc mà ít ai trong chúng ta có thể tưởng tượng ra - đó là đội cả chồng gạch lên đầu và vận chuyển số gạch đó ra xe tải.
 
 

Bị bao bọc bởi cái nóng của lò gạch lên đến trên 54°C, những người lao động ở đây không phân biệt tuổi tác hay giới tính: trẻ nhỏ, đàn ông, phụ nữ... đều phải làm việc như những nô lệ thực sự. 

Họ phải chuyển gạch xuyên qua những làn khói bụi độc hại liên tục 16 tiếng/ngày chỉ với mức lương tối thiểu và quy định an toàn lao động thấp. Những bàn chân đổi màu vì bụi gạch là một hình ảnh quen thuộc nơi đây.



Kiệt sức bởi sự đơn điệu và mệt mỏi của công việc nhưng những người lao động vẫn phải âm thầm làm việc không ngừng nghỉ. Trên thực tế, họ không được nghỉ một chút ít thời gian nào để ăn hay thậm chí để uống nước. 

Chính vì vậy mà tình trạng lả đi vì mất nước ở đây diễn ra thường xuyên. Điều tệ hại hơn là hầu hết những lao động tại lò gạch đều phải thực hiện theo hợp đồng khắc nghiệt và họ không thể bỏ việc giữa chừng.



Trẻ em cũng bị cuốn vào công việc nô lệ này. Ở đây, những đứa trẻ chỉ mới 4 tuổi đã phải đi đập than để làm nhiên liệu cho các lò nung. Những đứa trẻ ở đây bị đối xử không khác gì cha mẹ chúng - đơn giản chỉ là nô lệ làm việc mà thôi.



Theo lời nhiều nhân chứng kể lại, có trường hợp người lao động nơi đây bị chặt tay vì dám bỏ việc. Dù đau ốm hay khỏe mạnh thì những công nhân buộc phải sản xuất được 1.500 viên gạch mỗi ngày và chỉ được "kết thúc hợp đồng" sau ít nhất 6 tháng khổ sai. 

Không phương tiện bảo hộ lao động, những công nhân ở đây đều có nguy cơ bị tai nạn và khả năng nhiễm các bệnh hô hấp rất cao.



Không chỉ ở các lò gạch mà tại các nhà máy dệt của Ấn Độ, người công nhân cũng phải “ngụp lặn” cả ngày trong những thùng thuốc nhuộm độc hại. 

Hình ảnh trên đã lột tả một “bức ảnh gia đình” khác biệt trong đó bàn tay nhuộm đen là của người cha còn hai bàn tay còn lại là của các con trai ông. Công việc hàng ngày họ phải làm là trộn thuốc nhuộm bằng tay trần trong những thùng lớn và sau đó tự tay nhuộm vải với nước nhuộm ngập đến khuỷu tay.



Trong một dịp ghé thăm Ghana, nhiếp ảnh gia Lisa Kristine đã có cơ hội ghi lại hình ảnh của những nô lệ tại vùng hồ Volta. Đây được coi là vùng hồ nhân tạo lớn nhất thế giới và cá ở đây cũng được tính như một dạng tiền tệ. Người ta ước tính rằng, có hơn 4.000 trẻ em bị bắt làm việc đánh bắt cá ở hồ như những nô lệ thực sự.



Nhìn khung cảnh này, hẳn nhiều người dễ dàng lầm tưởng đây là cảnh câu cá của những gia đình ngư dân bình thường. Nhưng sự thực hoàn toàn ngược lại, họ đều là nô lệ.



Số lượng trẻ em ở đây bị bắt làm nô lệ hay thậm chí bị bắt cóc không hề ít. Những đứa bé tuy nhỏ tuổi nhưng phải làm việc hàng ngày, hàng giờ trên tàu, đánh bắt cá dù cho chúng không hề biết bơi. Nhiều người tự hỏi, số phận của những đứa trẻ nhỏ tuổi như Kofi mới được giải cứu từ những làng câu cá này liệu sẽ đi về đâu?



Ở một góc khác của Ghana, nhiều người bị biến thành nô lệ hoạt động dưới các hầm mỏ sâu đến hơn 90m. Công nhân lao động dưới mỏ sẽ có nhiệm vụ khai thác và mang lên trên mặt đất để đập vỡ, đãi lấy vàng.



Những người thợ mỏ này nhìn thoáng qua có thể trông khỏe mạnh, nhưng họ đều mang trên mình vô số chấn thương và nguy cơ mắc bệnh hô hấp cao.



Những người thợ mỏ này đều mang ánh mắt mệt mỏi và đỏ rực vì vừa phải làm việc hơn 72 tiếng liên tục dưới lòng đất.



Tại địa điểm đãi vàng, những người nô lệ khác phải lội bì bõm suốt ngày trong nước bị nhiễm độc thủy ngân để khai thác vàng. Hầu hết số nô lệ ở đây là phụ nữ và trẻ em.



Khác với công việc phải “bán mặt cho đất bán lưng cho trời” để đãi vàng ở Ghana, tại thành phố Kathmandu của Nepal, nhiều phụ nữ lại phải tham gia vào một loại hình nô lệ khác - bán dâm. 

Họ bị bắt phải làm việc trong các “nhà hàng cabin” và có nhiệm vụ là làm vui lòng khách. Phụ nữ, thậm chí cả trẻ em, một số chỉ khoảng 7 tuổi đều bị bắt làm nô lệ ở đây.



Người phụ nữ này là một nạn nhân của tệ nạn buôn bán phụ nữ nhưng cô đã may mắn trốn thoát. Tệ nạn buôn bán phụ nữ đang thực sự trở thành một trong những vấn đề nan giải của nhiều quốc gia.

 

T.H (Tổng hợp)