(Tin Môi Trường) - Hãng bay cần tái cấu trúc mô hình kinh doanh, cắt giảm chi phí và thay đổi logo hoặc tên gọi để khách hàng không bị ám ảnh.
Malaysia Airlines đã gặp rắc rối tài chính trước cả khi hai thảm họa MH370 và MH17 xảy ra. Giờ đây, khi danh tiếng của hãng đã xuống cấp trầm trọng, lãnh đạo hãng đang quay cuồng với hàng loạt câu hỏi về tương lai.
"Tôi không cho rằng họ đã trải qua loại tình huống như thế này trước đây. Mô hình kinh doanh chắc chắn phải thay đổi", Abdul Aziz Abdul Rahman – cựu CEO Malaysia Airlines cho biết. Theo CNN, có 3 việc họ cần làm để vực dậy hãng bay.
1. Tái cấu trúc doanh nghiệp
Máy bay của Malaysia Airlines tại Sân bay quốc tế Kuala Lumpur. Ảnh: AFP
Trước tai nạn máy bay tại Ukraine, ban lãnh đạo hãng này đã xem xét lại toàn bộ việc kinh doanh. Họ đã 3 năm chưa có lãi, nỗ lực cạnh tranh với các hãng bay giá rẻ thất bại, và nhu cầu Chính phủ cứu trợ ngày càng tăng.
Đây là những vấn đề lớn, và kế hoạch lật ngược tình thế đồng nghĩa với những thay đổi lớn. Khazanah Nasional - quỹ đầu tư của Chính phủ Malaysia nắm 70% cổ phần trong này được cho là đang cân nhắc quốc hữu hóa hãng hàng không. Cổ phiếu hãng này đang ở mức thấp kỷ lục, và Khazanah sẽ phải chi thêm 325 triệu USD để mua hết số cổ phiếu còn lại.
Sau khi quốc hữu hóa, ban lãnh đạo có thể bán bớt tài sản, như nhánh hàng không giá rẻ - Firefly. Sau đó, Khazanah có thể giảm dần cổ phần trong Malaysia Airlines "mới", mở cửa cho các nhà đầu tư bên ngoài.
Một lựa chọn khác là liên kết với Air Asia - một trong những hãng bay đang lấy mất thị phần của Malaysia Airlines do giá rẻ hơn ở những chặng bay ngắn. Việc này đã được đồn từ lâu, nhưng chưa thành sự thực.
2. Cắt giảm chi phí
Giới phân tích cho biết Malaysia Airlines cần phải thu hẹp quy mô, bỏ đi một số dịch vụ hào nhoáng của một hãng hàng không quốc gia, để tăng ưu thế cạnh tranh. Abdul Aziz cho biết Malaysia Airlines cần cắt bớt các chuyến bay đầy đủ dịch vụ, và tăng số vé bán giảm giá. Họ cũng cần tiết kiệm chi phí thức ăn và tăng số ghế trên khoang.
Dù vậy, công đoàn của hãng này thực sự rất quyền lực và khó có khả năng ủng hộ bất kỳ thay đổi lớn nào. Tổ chức này cũng vừa lên tiếng đề nghị phải được cho ý kiến về các kế hoạch tái cấu trúc trước khi thực hiện, đồng thời lặp lại lời kêu gọi CEO Malaysia Airlines - Ahmad Jauhari Yahya từ chức.
3. Thay đổi nhận thức của khách hàng
Có lẽ thách thức lớn nhất của hãng hàng không là họ liên quan tới tận hai thảm kịch máy bay. Những sự kiện này sẽ là bóng ma với các khách hàng tiềm năng.
Các hãng bay thường phải thay đổi logo và màu sắc thương hiệu sau các thảm kịch, như Japan Airlines sau tai nạn năm 1985. Tuy nhiên, giới truyền thông cho rằng Malaysia Airlines có thể sẽ phải làm hơn thế. Đó là đổi tên.
Rất khó nói trước việc này có cần thiết hay không. Vì suy cho cùng, cái tên Malaysia Airlines không chỉ là của riêng họ, mà còn đại diện cho cả đất nước Malaysia.
Dù vậy, Abdul Aziz vẫn lạc quan về khả năng đứng dậy sau thảm họa của hãng hàng không: "Tôi cho rằng họ có thể tồn tại. Họ có nền tảng mà".