Tin môi trường - Cổng thông tin về môi trường Việt Nam

Tin Môi Trường- Tin nhanh về môi trường Việt Nam
Hotline: 091.5203050 - 091.5203070
Email: tinmoitruong@tinmoitruong.com
Website: tinmoitruong.com.vn

Formosa Hà Tĩnh bất ngờ lên tiếng về mối liên hệ Trung Quốc

(22:20:14 PM 31/07/2014)
(Tin Môi Trường) - Sáng 31/7, Công ty TNHH Gang thép Hưng nghiệp Formosa Hà Tĩnh tổ chức gặp mặt báo chí để lên tiếng chính thức về những thắc mắc của dư luận thời gian qua về doanh nghiệp này, và mối liên hệ với Trung Quốc.

 

Ông Vương Văn Tường, Phó Tổ trưởng Quản lý dự án Gang thép Hưng nghiệp Formosa Hà Tĩnh.
Ông Vương Văn Tường, Phó Tổ trưởng Quản lý dự án Gang thép Hưng nghiệp Formosa Hà Tĩnh.
 

 

Ông Vương Văn Tường, Phó Tổ trưởng Quản lý dự án Gang thép Hưng nghiệp Formosa Hà Tĩnh cho biết, công ty TNHH Gang thép Hưng nghiệp Formosa Hà Tĩnh có 9 cổ đông. Trong đó, chỉ có 2 đơn vị không thuộc Tập đoàn Formosa Đài Loan, là Cty China Steel (chiếm 5% vốn) và Sunsco Enterprise (0,037% vốn).

 

“Cty China Steel không phải của Trung Quốc, cũng không có cổ phần của nhà đầu tư Trung Quốc. Đây là công ty quốc doanh có một phần vốn của Đài Loan. Còn Sunsco Enterprise cũng thuộc Đài Loan, và chỉ đóng góp vào dự án khoảng 1 triệu USD”, ông Vương nói.

 

Ông này đồng thời khẳng định, Formosa Hà Tĩnh không có một đồng vốn nào liên quan Trung Quốc.

 

Tại sao có nhiều nhà thầu và lao động Trung Quốc đang thi công tại Formosa Hà Tĩnh?

 

Ông Vương Văn Tường: Trước khi đầu tư vào Hà Tĩnh, chúng tôi phải tìm những nhà thầu có kinh nghiệm thực tế đã xây dựng các nhà máy thép. Tuyên nhiên trên thế giới, 10 năm trở lại đây không có dự án thép nào được xây dựng. Chỉ Trung Quốc có nhà thầu mới xây dựng nhà máy gần đây.

 

Khi mời thầu quốc tế, dù có cả Nhật Bản, Mỹ, Hàn Quốc, nhưng công ty lựa chọn nhà thầu Trung Quốc vì kinh nghiệm mới xây dựng nhà máy thép. 

 

Do đó, hai khâu quan trọng nhất là luyện gang và thép đều do nhà thầu Trung Quốc thiết kế, lắp ráp, thi công. 

 

Để hoàn thành và vận hành giai đoạn I của dự án, Formosa Hà Tĩnh sẽ tuyển 4.500 lao động. Trong đó, 900 người Đài Loan (1/3 là đội ngũ thi công, giám sát công trình xây xong sẽ về Đài Loan; 2/3 là nhân viên vận hành nhà máy); 3.700 người Việt Nam, được tuyển từ Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị. 

 

Sau sự kiện công nhân gây rối hồi tháng 5 vừa qua, tiến độ dự án hiện nay thế nào?

 

Ông Vương Văn Tường: Tất cả các công trình chưa phục hồi lại hoàn toàn. Trước khi xảy ra sự kiện tháng 5, công trình có 26.000 người tham gia thi công, nhưng hiện chỉ còn 19.000 người. Hiện đã có 480 người Trung Quốc quay trở lại công trường chuẩn bị thi công tiếp, dự kiến tháng 8 – 9 tới các nhà thầu và công nhân Trung Quốc mới quay lại hết để thi công. Do đó, mục tiêu tháng 5/2015 đưa nhà máy vào hoạt động sẽ không đạt được, còn thời gian cụ thể chưa thể biết trước. 

 

Việc đền bù cho đến nay đã thỏa đáng chưa, và cần làm thêm những gì nữa, thưa ông?

 

Ông Vương Văn Tường: Sự cố vừa rồi là không mong muốn. Người thiệt hại là các công ty và kỹ sư Trung Quốc. Việc đền bù, Chính phủ Việt Nam đã có ý kiến, trước tiên là từ bảo hiểm, tiếp theo là Hà Tĩnh hỗ trợ.

 

Mức thiệt hại các nhà thầu sẽ làm việc với cơ quan chức năng để xác định mức hỗ trợ tới đâu, hỗ trợ thế nào. Formosa Hà Tĩnh chỉ là đơn vị đứng giữa, cố gắng hỗ trợ giải quyết.

 

Có ý kiến ở Đài Loan nói với BBC là Việt Nam làm không được như nói trong việc bồi thường thiệt hại sự cố hồi tháng 5, vậy phải chăng là Formosa Hà Tĩnh cũng bị thiệt hại và việc đền bù chưa thỏa đáng?

 

Ông Vương Văn Tường: Đây là lần đầu tiên tôi nghe tới việc này. Tập đoàn Formosa là doanh nghiệp tư nhân, muốn đầu tư không phải xin phép Chính phủ, thắng thua tự chịu. Nếu Chính phủ hỏi mới phải trình.

 

Chúng tôi cũng chưa bao giờ nói tới việc đền bù thiệt hại của Việt Nam với Đài Loan. Thủ tướng và Phó Thủ tướng Việt Nam đều đã nói nhiều lần, Formosa đầu tư tại Hà Tĩnh như một doanh nghiệp trong nước, phải theo luật Việt Nam.

 

Mới đây Formosa Hà Tĩnh đã đều xuất Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cho vay vốn để đầu tư, có thể lên tới 70 - 80% tổng vốn đầu tư dự án, Chính phủ Việt Nam cũng đã có bản đồng ý. Ông có thể giải thích rõ về đề xuất này, vì nhà đầu tư FDI thì phải đem ngoại tệ vào đầu tư?

 

Ông Vương Văn Tường: Tổng vốn đầu tư toàn dự án là 10 tỷ USD, Tập đoàn Formosa đã giải ngân hết 3,5 tỷ USD vào dự án. Số còn lại (6,5 tỷ USD) tập đoàn phải đi vay, nhưng không vay trong nước mà phát hành trái phiếu huy động vốn từ nước ngoài.

 

Trong nửa cuối năm 2014, dự kiến sẽ thêm 2,1 tỷ USD vốn vay được chuyển về dự án (đã về 750 triệu USD). Tất cả những việc này đều phải báo cáo Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.

 

Đã đi vay thì phải trả lãi, vậy tại sao không vay của một số ngân hàng trong nước và trả lãi. Do đó, trong số 6,5 tỷ USD tập đoàn vay, sẽ dự kiến vay trong nước khoảng 750 triệu USD.

 

Tuy nhiên, số tiền này là dự tính, nếu tương lai có nhu cầu mới vay, nên chủ đầu tư xin phép Chính phủ trước, sau này cần tới có thể chủ động làm việc với các ngân hàng trong nước.

(Theo TPO)