Tin Môi Trường- Tin nhanh về môi trường Việt Nam
Hotline: 091.5203050 - 091.5203070
Email: tinmoitruong@tinmoitruong.com
Website: tinmoitruong.com.vn
Ảnh minh họa
Tiếng là nết na ngoan ngoãn, tiếng là trũng thấp học hành, tiếng là phiêu lưu hôn nhân, tiếng là… vân vân và vân vân.
Nết na và trũng thấp thì không cần phải bàn. Châu thổ Cửu Long đã làm nên điều đó. Thử nhìn từ trên cao trong mùa nước mà xem. Mặt nước hiền như tâm tính con người. Thủy triều ngày hai bận nước lụa, nước yếu, nước mềm. Giàu vì phù sa mà khổ cũng vì quá nhiều nước nôi vây hãm. Miệt vườn con gái cao ráo thục hiền, miệt ruộng con gái giòn tan khỏe mạnh và miệt U Minh thì chưa bao giờ hết u minh. Ngày xưa, tổ tiên Nam tiến can cường, thời chiến ông cha hào sảng đánh giặc, ngày nay con cháu nghe thấy sức hút của đại dương qua nhịp thở của con nước mỗi ngày. Chẳng lẽ cuộc sống chỉ có như vầy thôi sao? Cây vườn chết đứng, con cá lá rau không nuôi nổi con người, hạt lúa củ khoai bị rẻ rúng. Con người không vì vậy mà có giá hơn.
Một chị trong ấp được người môi giới tìm tới. Một chị nữa lên đường theo kiểu đó. Rồi một chị nữa. Cái tên xóm của ngày xưa biến thành “xóm Đài Loan”. Khi ấy, em mới là thiếu nữ, không nhìn thấy đám cưới của các chị, chỉ thấy nét buồn tủi của bà con dân xóm. Rồi cũng nguôi ngoai và rồi đồng tiền báo hiếu quay về. Nhà này lên tường, nhà kia mái ngói, nhà kia nữa thoát nghèo. Người già trong ấp bảo con trai lên thành làm cu li hết thì con gái phải liều thân kiếm chồng mà thôi. Dạo sau này, làn sóng Hàn Quốc nổi lên, một chị đi và rồi hai ba chị nữa lại đi. Má ơi đừng gả con xa, chim kêu vượn hú biết nhà má đâu. Má không thiết kế, má buông xuôi, chỉ có các cô gái thì nhao nhao như cá trong rộng, sớm muộn gì cũng bị chọn lựa kiểu ấy. Ai cứu lũ cá này đây?
Em là con cá đến thì. Đã cảm thấy bàn tay của người môi giới. Thôn quê vắng vẻ rợn người. Đám cưới đám hỏi không còn tìm được đủ năm đôi trai gái để bê mâm. Mà đã lâu rồi đâu có đám cưới trong xóm nữa. Cánh “Đài Loan” toàn gọi nhà gái lên thành phố để “tiền trao cháo múc”. Cánh Hàn Quốc ít sống sượng hơn, nhưng nhà quê không có chỗ tiện lợi cho nhà trai, thôi thì cũng nên tùy cơ ứng biến. Em bắt đầu hình dung, em sẽ nối bước với “cánh nào”? Mới nghĩ thôi mà đã chảy nước mắt. Mùa khô nước mặn, mùa mưa nước nổi, quanh năm chỉ có hai mùa, đơn điệu như thời tiết, như khung cảnh.
Khi ba má chồng tương lai của em xuất hiện ở quán cà phê Kinh Bốn, dân ấp đã mách bảo họ đến thẳng nhà em. Hỏi tại sao là nhà của em chứ không phải nhà khác, người ta cười ngất: “Thì mày sợ lấy chồng xa, nhà chồng đây ở Sài Gòn, được quá còn gì!”. Đơn giản vậy sao? Đơn giản hơn thời cha ông qua lời kể của người lớn. Không cần tiêu chí, chỉ cần một người để gọi là chồng và một gia đình Việt ở gần, thế thôi. Em cũng thấy vận may đang đến. Người già trong xóm lại xúm vào khuyên: “Nhìn mặt biết người, cứ coi như mày lấy cái nhà chồng chớ không phải lấy chồng, không được sao?”.
Cũng không có đám cưới ở quê vì chồng em bị thiểu năng từ nhỏ. Em lấy cả nhà chồng chứ đâu hy vọng gì cuộc sống lứa đôi, bình thường, hạnh phúc. Nhà chồng tự nguyện xây cho ba má em một ngôi nhà đẹp gấp nhiều lần “nhà tình thương” của chính quyền xây cho những người nghèo rớt trong xóm. Em nở mặt nở mày. Người chưa lên đường mà chữ hiếu đã vinh danh. Ba trầm ngâm buồn, má lại không buồn lắm. Má nghĩ tháng nào cũng lên Sài Gòn thăm con được, biết đâu sang năm sẽ có cháu ngoại không bị như ba nó vì thời nay y học tiên tiến lắm rồi. Chỉ có em là buồn vui lẫn lộn, không dễ thốt ra thành lời.
Em đã đứng vào hàng ngũ của đội quân lăm lăm lấy chồng vì chữ hiếu. Ai nói gì cứ nói, với em ấy là hai chữ nằm lòng, các bề chị ở đây đã vin vào nó mà sống và họ đã sống được đó thôi. Thời của Lục Vân Tiên nào đã xa gì, cũng cướp ngày, cũng giặc Ô Qua, ở đâu không biết chứ ở miền Tây này thì em biết. Tình yêu xa xỉ, đói nghèo kinh niên, phải có cái gì trương lên để con người nương vào đó mà hành xử chứ. Chữ hiếu, ừ thì chữ hiếu, nó chẳng đáng để làm sang cho những người như chúng em lúc này, hay sao?