Tin Môi Trường- Tin nhanh về môi trường Việt Nam
Hotline: 091.5203050 - 091.5203070
Email: tinmoitruong@tinmoitruong.com
Website: tinmoitruong.com.vn
Với nó, cái hang đá thật, bằng xi măng thật của ngôi giáo đường nằm giữa khoảng rừng cao su còn sót lại của đồn điền Tây là nơi thiêng liêng thật sự. Trí óc non nớt lại nhiều tưởng tượng của nó chắc chắn một điều: Chúa đã sinh ra từ hang đá này chứ không phải nơi xa xôi nào khác.
Tháng 12 se lạnh, trời sầm mây, ít nắng cũng là mùa thằng nhỏ bỗng ít trốn học, siêng cắp sách vào lớp hơn chỉ vì mùa làm bích báo Noel bắt đầu. Mỗi lớp thi một tờ báo tường và trang trí lớp học của mình. Khi tất cả những tờ báo tường của toàn trường được treo lên, đấy là ngày hội thật sự. Lũ học trò nghịch ngợm muốn biết xem lớp nào, ai là người làm báo tường hay nhất, đẹp nhất mùa Giáng sinh năm ấy.
Ảnh: GettyImages.com
Xứ đạo vui nhất trong năm là những ngày trời lành lạnh tháng 12. Thằng nhỏ đã thành thiếu niên bỗng bớt hiếu động khi bắt đầu để ý, những cô gái xóm đạo như đẹp hơn với khăn áo, băng đô buộc tóc, cài đầu, với đôi mắt đen, làn da trắng. Nó vẽ thiệp, rắc kim nhũ lên những quả chuông và nóc giáo đường, bắt chước trong những tấm thiệp bày bán ngoài phố. Nó lấy hết can đảm chận đón một cô bạn tan học hay tan lễ nhà thờ, đưa vội tấm thiệp nho nhỏ. Tấm thiệp nhỏ nhưng chở đầy những giấc mơ.
Không nơi nào vui hơn mùa Giáng sinh nơi xóm đạo. Không ánh sáng nào lạ lùng, huyền ảo hơn cái ánh sáng hắt ra từ chiếc hang đá còn mùi mực phủ giấy kim nhũ với những chớp tắt của dây đèn trang trí. Mùi mực tàu, mùi giấy bao xi măng, mùi rơm nhuộm phẩm xanh và mùi đất mằn mặn của những bức tượng tô màu, cầm lên xem có thể dính vào đầu ngón tay, mùi hang đá… dường như là thế giới huyền ảo riêng của thời niên thiếu. Thằng nhỏ có thói quen thỉnh thoảng lại cầm lên một bức tượng be bé, đưa lên ngửi cái mùi Noel ấy. Cái thói quen tưởng lớn lên sẽ không còn nữa…
Ảnh: GettyImages.com
Và, có một buổi chiều, khi chạm vào mùi đất mằn mặn ấy một lần nữa trong đời, thời gian đã vụt qua 50 năm, người đàn ông thấy mình đứng bần thần trước một hang đá nhỏ bày những bức tượng xinh xắn. Tiếng chuông nhà thờ buổi chiều vang lên rất rõ trong ký ức… Giáng sinh rồi!
Tháng 12, trời Sài Gòn đẹp hẳn. Buổi sáng se lạnh và dù nắng vẫn thắp lên rực rỡ, trong nắng vẫn se se hơi gió Lập Đông. Người đàn ông lại bị ký ức đánh thức dẫn về xóm đạo ngày nào. Cảnh vật đã thay đổi nhiều, nửa thế kỷ còn gì, nhưng đường ngang ngõ tắt vẫn còn nguyên vẹn, đôi chân được dẫn bởi ký ức không bao giờ đi lạc. Ngôi giáo đường vẫn nguyên vẹn với tháp chuông đã được xây mới.
Người đàn ông của tháng 12 riêng mình thường phóng xe loanh quanh những con đường ngày cũ dẫn về bãi cỏ mênh mông, nơi có cái hang đá thật to như một ngôi nhà. Bãi cỏ mênh mông không còn nữa, chiếc hang đá bỗng bị vây bởi nhà cửa tưởng như hẹp lại, nhỏ đi nhiều lần. Ký ức cũng có những mảng mất mát như bãi cỏ ngày xưa, nơi mỗi sáng sớm thường đọng sương đẫm ướt cả hai bàn chân, hai ống quần mỗi khi lội vào tìm bắt dế. Mùi cỏ. Mùi hang đá. Mùi tuổi thơ…
Và không mùi gì thơm kỳ lạ cho bằng mùi của những bông khuynh diệp khô được đốt lên thành khói trong cái se lạnh cuối năm bên đường.
Nếu có ai bắt gặp bên vệ đường nào đó còn những cây khuynh diệp, một người đàn ông dựng xe ngồi đốt bông khô, ngửi khói bằng chiếc hộp quẹt nho nhỏ, chắc chắc gã là một người bình thường, chỉ đôi khi bất thường vào những ngày chuông giáo đường đổ dài, vang vọng trong trí nhớ.
Chỉ vậy thôi.