Tin Môi Trường- Tin nhanh về môi trường Việt Nam
Hotline: 091.5203050 - 091.5203070
Email: tinmoitruong@tinmoitruong.com
Website: tinmoitruong.com.vn
Nói tới cây roi thì ai cũng biết, nhưng có lẽ để cho chuẩn xác thì phải chịu khó tra từ điển một chút. Theo Từ điển tiếng Việt của Trung tâm Từ điển học VietLex (NXB Đà Nẵng 2010, do cố giáo sư Hoàng Phê chủ biên) thì roi là “vật hình que dài, dẻo, dùng để đánh”. Như vậy, định nghĩa về roi đã thật rõ ràng, nhưng xem ra để đạt tiêu chuẩn roi, cũng không phải là dễ. Nếu là “vật hình que” nhưng không dài (mà ngắn như đũa) thì không phải là roi; và dù là “vật hình que dài” nhưng không dẻo (như cái cán chổi) cũng chưa được gọi là roi. Cuối cùng, dù đầy đủ tiêu chuẩn, nhưng nếu không được sử dụng “dùng để đánh”, thì cái “vật hình que dài, dẻo” kia cũng không thể gọi là roi.
Nếu cứ mang từ điển ra mà xét thì thấy những người đi bán roi ở Sài Gòn đầy lương tâm và trách nhiệm, vì roi họ bán đích thị là cây roi mây, đúng tiêu chuẩn dài và dẻo.
Ảnh minh họa |
Bán roi. Không phải là chuyện tiếu lâm. Nếu bạn đi ngoài phố, thấy mấy người bán chổi lông gà, chổi quét nhà, quét sân, thì họ cũng kiêm luôn bán roi mây đấy. Mỗi cây roi mây dài chừng một mét, to bằng ngón trỏ, có giá hai ngàn đồng. Là cây mây “chính hiệu”, được chặt từ trên rừng, mang từ quê vào phố. Ở phố, tìm roi không phải là chuyện dễ dàng gì. Trong khi đó, cái quan niệm “thương cho roi cho vọt”, cái thói quen muốn “phết” vài roi vào mông để dạy con cái thì vẫn còn như nguyên vẹn, hay đang trên đà gia tăng? Đi kiếm cây roi không có, trong khi cơn nóng giận bốc lên đầu, đụng gì phang nấy thì quả là không hay lắm, nếu không nói là rất nguy hiểm. Cho nên “sắm” một cây roi mây để dành trong nhà cũng là một nhu cầu. Mà theo quy luật của thị trường, cứ có cầu ắt có cung. Bán roi mây trong thành phố, không biết tự bao giờ đã một nghề (?!).
Gặp một chị bán roi mây, tôi hỏi dạo này roi bán chạy không? Chị chỉ tủm tỉm cười. Rồi chị nói như phân trần: “Roi này không phải chỉ dùng đánh mấy đứa con nít đâu, mà còn dùng để đánh chuột, đánh chó mèo hư”. Tôi hỏi đùa, vậy có ông nào mua roi về đánh vợ không? (hay có bà nào mua roi về để… “dạy” chồng không?), lại tủm tỉm. Chắc là không. Hy vọng là không.
Nhìn cái roi mây, tôi lại nhớ kỷ niệm tuổi thơ từng bị ăn đòn roi. Mỗi lần như vậy mông nổi lằn dọc ngang bầm tím. Và, lần nào bị đòn roi cũng chỉ có một “phương thuốc” là dùng dầu hỏa (dầu hôi) xoa vào. Đòn roi tuổi thơ trở thành nỗi ám ánh mãi cho đến khi trưởng thành. Khi có con, tự hứa với lòng là sẽ không áp dụng món đòn roi. Nhưng rồi, những khi giận quá, cũng chạy ra hàng rào bẻ roi. Cũng may là nhà ở ngoại thành. Nhưng may hay là không may? Và, nên hay không nên sắm một cây roi mây để sẵn trong nhà?
Một bữa khác, đang ngồi vỉa hè với vợ chồng người bạn đạo diễn trẻ, tình cờ thấy một chị bán chổi “kiêm” bán roi mây đi ngang qua, tôi lại hỏi chuyện bán roi. Vợ chồng bạn tôi thấy chuyện bán roi lạ quá, đòi tôi mua tặng họ một cây roi, và nói sẽ đưa chi tiết này vào phim của mình. Không rõ, câu chuyện cây roi và chuyện bán roi lên phim sẽ như thế nào. Nhưng với tôi, cây roi mây thực sự là một câu chuyện của đô thị, với tính chất giống và khác nhau đối với mỗi người. Chắc chắn, mỗi người sẽ có một “câu chuyện roi mây” của riêng mình. Tôi chỉ muốn kể thêm hai câu chuyện này.
Anh bạn tôi - nhà thơ Phan Trung Thành làm một bài thơ về cây roi mây, có một đoạn như thế này:
Có ông già đi bán roi mây
Mẹ mua một chiếc để dành đây
Mẹ cắm trên tường, ôi phát khiếp!
Bố nhìn bố lạnh cả hai tay…
Còn cô bạn đồng nghiệp thì từng hơn một lần ngoắc người bán roi mây lại, cầm lên đặt xuống, rồi lắc đầu. Không phải chị tiếc hai ngàn đồng, mà nghĩ: “Roi này mà đánh thì đau rớt nước mắt!”.