Tin môi trường - Cổng thông tin về môi trường Việt Nam

Tin Môi Trường- Tin nhanh về môi trường Việt Nam
Hotline: 091.5203050 - 091.5203070
Email: tinmoitruong@tinmoitruong.com
Website: tinmoitruong.com.vn

Nói chuyện phép màu

(18:01:53 PM 18/06/2011)
(Tin Môi Trường) - -Bắt đầu những ngày chạy thi với thời gian. Sớm dậy đã nghe gió chướng lao rao nhắc nhở: bần thần mà chi, một năm bao giờ chả vui lẫn buồn, con trẻ đang lớn lên, người đứng tuổi rồi sẽ xế và người già thì sẽ già thêm.

Cũng bắt đầu những ngày mua sắm dần dà. Một bình hoa nhựa cho góc phòng chăng, thay khăn trải bàn mới chăng, hay thêm chục dĩa, chục đũa, chục chén? Có thay drap mới cho giường không, thêm gòn cho gối hay thay quạt thay đèn? Và mỗi lần đi chợ lại tha về một vài thứ: chai dầu ăn, lố nước mắm, mấy ký đường, chà chà, đường lên giá như tên lửa. Ngổn ngang ý nghĩ, ngổn ngang lo toan, trời ơi, có bị mất cắp không mà tiền hết hồi nào không hay. Những ngày này, đàn bà nhà nào cũng mắc bệnh đa nghi: tiền trong tủ như thể bay hơi, chồng có lén lấy xài riêng không, Ôsin có để ý rồi táy máy không, hay mấy đứa thợ sơn nhà hôm rồi…? Nhẩm lại mới vỗ trán lầm thầm: đừng nghi oan ai mà mắc tội, cái thằng vật giá nó móc túi mình đó thôi, chém cha cái thằng!

 

Sài Gòn khác Hà Nội rất nhiều. Sài Gòn nghèo đi, theo thống kê. Nhưng Sài Gòn bình thản hơn. Rất nhiều phụ nữ Sài Gòn sáng sáng rung rung cà phê thuốc lá, họ là những người sống bằng kiều hối. Người bên kia búng tay một cái cũng có chừng ấy gửi về báo hiếu, quá dễ!

 

Có đi ra ngoài mới thấy cái độ căn cơ hay được ca ngợi của người mình chưa là gì so với phụ nữ người ta. Họ có ra tiệm để ăn sáng không, thưa không, không có thì giờ mà thì giờ cũng là tiền bạc chứ sao. Họ có Ôsin không, không nốt, vợ chồng cùng tất bật với con cái và việc nhà. Ra đường dán mắt vào đường, vừa ăn vừa lái xe, nước xốt bánh mì chảy tới cùi chỏ. Vào hầm gửi xe, không phải lúc nào cũng dễ tìm chỗ đậu và còn bao nhiêu là kỹ năng nữa mới lên được tầng trên. Vào công sở, ba chân bốn cẳng mà vẫn phải khéo léo với cầu thang cuốn kẻo sợ muộn giờ quá rồi đâm có tai nạn. Lượt về cũng vậy, vừa vào nhà đã ào vô bếp, vừa thay áo vừa bấm các thứ nút điện. Cuộc sống chóng mặt, nếu là người Việt thì còn phải tự cắt cỏ cho sân vườn, tự đi chợ nấu ăn cuối tuần để tiết kiệm tiền gửi về phụng dưỡng người thân.

 

Ở đâu quen đó, người mình sang chơi bên kia bảo buồn quá, bất tiện quá, không trụ được. Người bên kia về thăm ít lâu đã muốn nhao sang trở lại vì cuộc sống nhàn rỗi mà bừa bộn, tức mắt quá. Người từng trải thì chép miệng, bề nào cũng có hai mặt, trái và phải, tối và sáng. Nhưng vì sao người trẻ cứ muốn bơi đi và vì sao ngược về thì chỉ có người già? Khoảng cách mà ta vẫn gọi là chất lượng sống là có thật. Người trẻ không chịu được cảnh chung quanh mình bụi bặm, ăn nhậu, tùy tiện, hưởng thụ suông. Người già thì đành với sự già, bon sao nổi và chen sao nổi với mọi thứ lúc nào cũng đòi hỏi kỹ năng như bên ấy?

 

Một thống kê vừa được công bố làm phân vân những người cả nghĩ: dân châu Á ăn xài vào loại nhất thế giới. Nhìn đường phố nghẹt người ở Trung Quốc thì biết. Nhìn vỉa hè của Sài Gòn và Hà Nội thì biết. Người đi trong bụi, người ăn trong bụi, chỗ nào cũng bán và chỗ nào cũng mua.

 

Người mình vẫn dành những lời ngợi ca hết mức cho nước Mỹ và cho châu Âu. Ai cũng nghĩ phải thay đổi, phải tổ chức một cuộc sống khác để rồi sẽ có chất lượng sống “sêm sêm” người ta. Nhưng sáng ra là mọi việc như cũ, ăn sáng và cà phê, rồi ra chợ cóc, về nhà mở tivi ôm phim truyền hình, ăn trưa ăn chiều ăn tối, hết. Người trẻ đi cày công sở với đồng lương ê chề, người đứng tuổi lỡ nhịp chờ kiều hối và người già sống bằng thể dục, thế thôi. Cuộc sống không nhích lên, chỉ có Tết thì rộn ràng đôi chút rồi mọi thứ lại như cũ, trì đọng, tưa tướp, lê thê.

 

Liệu năm mới thì sẽ có phép màu chăng? Chậc, như bóng đá, huấn luyện viên ấy, cầu thủ ấy, lực bất tòng tâm, chỉ có thời gian là giữ trong tay mình sức mạnh của bất ngờ và bí ẩn.

Dạ Ngân