Tin Môi Trường- Tin nhanh về môi trường Việt Nam
Hotline: 091.5203050 - 091.5203070
Email: tinmoitruong@tinmoitruong.com
Website: tinmoitruong.com.vn
Tình trạng tăng giá nhanh, chần chừ giảm là việc dễ thấy trong việc điều hành giá xăng dầu tại Việt Nam
Nếu tính từ đầu tháng 7 đến nay, giá xăng RON A92 trên thị trường Singapore đã liên tục giảm và mức giảm sâu nhất là 117,02 USD/thùng.
Với mặt hàng dầu DO, không cần sử dụng quỹ bình ổn giá (BOG), ngày 23/7, trung bình mỗi lít dầu DO DN đã có lãi 192 đồng.
Trao đổi trên tờ Thanh niên, phó giám đốc một công ty kinh doanh xăng dầu tại phía nam cho biết: “Trách nhiệm điều chỉnh giá xăng dầu thuộc về liên bộ Tài chính và Công thương, DN sẵn sàng làm theo sự điều chỉnh của liên bộ”.
Theo ông Trịnh Quang Khanh, đại diện một doanh nghiệp xăng dầu: trung bình mỗi ngày thị trường nội địa tiêu thụ khoảng 38 triệu lít xăng dầu các loại. Như vậy với diễn biến giá thế giới giảm mạnh khiến suốt mấy ngày qua doanh nghiệp xăng dầu lãi vài chục tỉ đồng. Chẳng hạn, riêng ngày 25/7 doanh nghiệp ngành xăng dầu bỏ túi khoảng 18 tỉ đồng.
Cho rằng việc điều hành giá xăng dầu hiện nay đang nằm trong tay Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính), doanh nghiệp không được quyền quyết nên mặc cho giá xăng thế giới giảm, doanh nghiệp trong nước vẫn ung dung bán giá cao. Động thái này khác hẳn với những khi điều chỉnh tăng lại vô cùng nhanh chóng.
Thực tế giá tăng nhanh, giảm chậm lặp đi lặp lại suốt những năm qua khiến nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng, cần phải bỏ vị thế độc quyền của Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex), đồng thời kiểm soát liên minh tăng giá.
Hiện có 21 doanh nghiệp đầu mối tham gia kinh doanh xăng dầu, trong đó, Petrolimex chiếm trên 50% thị phần. Để kinh doanh xăng dầu theo hướng thị trường và giảm vị thế độc quyền, Thủ tướng đã có văn bản chỉ đạo Bộ Công Thương nghiên cứu cho phép thêm nhiều DN tham gia kinh doanh xăng dầu.Tuy nhiên, từ đầu năm đến nay, Bộ Công Thương vẫn chưa có động thái gì.
Theo chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh, vấn đề quan trọng hiện nay là phải kiểm soát được hành vi các DN xăng dầu “bắt tay” tăng giá.
Qua theo dõi, mỗi lần tăng giá, các DN đều tăng cùng một lúc và cùng một mức giá. Ở đây, rõ ràng có hiện tượng liên minh.
Cũng theo ông Doanh, lâu nay can thiệp của Cục Quản lý Cạnh tranh (Bộ Công Thương) chưa rõ ràng. Với việc Bộ Công Thương thêm quyền điều hành giá xăng dầu, dư luận càng lo tới đây Bộ này “vừa đá bóng vừa thổi còi”.