Tin Môi Trường- Tin nhanh về môi trường Việt Nam
Hotline: 091.5203050 - 091.5203070
Email: tinmoitruong@tinmoitruong.com
Website: tinmoitruong.com.vn
Dán nhãn FSC đối với gỗ thành phẩm
Hướng đến mục tiêu quản lý rừng bền vững có chứng chỉ, WWF, tổ chức Quốc Tế Về Bảo Tồn Thiên nhiên, đã hỗ trợ thành công mô hình Nhóm hộ có Chứng chỉ Rừng tại một số nơi trên thế giới. Tại Việt Nam, hoạt động đã được thực hiện lần đầu tiên tại Quảng Trị thông qua các Dự án “Liên kết Nhu cầu Thương mại và Quản lý Rừng Bền vững” và “Tăng cường Quản lý Rừng có Trách nhiệm và Phục hồi Rừng ở Việt Nam”.
Việt Nam hiện là một trong những quốc gia đang từng bước tiếp cận và thực hiện quản lý bảo vệ rừng một cách bền vững, hướng tới việc cấp chứng chỉ rừng của các tổ chức quốc tế. Hiện nay, các chủ rừng có xu hướng phấn đấu để đạt chứng chỉ do các tổ chức quốc tế cấp, chủ yếu là của FSC™ nhằm nâng cao giá trị của gỗ và dễ dàng tiếp cận với các thị trường có yêu cầu về nguồn gốc gỗ hợp pháp như EU và Mỹ.
“Trồng rừng có chứng chỉ cho nhóm hộ gia đình được xem như là một giải pháp trong tái cơ cấu ngành nông nghiệp của tỉnh. Trong đó, Hội được xem là tổ chức xã hội nghề nghiệp hoạt động có hiệu quả trong lĩnh vực trồng rừng có chứng chỉ của người nông dân trên địa bàn,” Ông Hoàng Đức Doanh, Chi cục trưởng Chi cục Lâm nghiệp Quảng Trị đánh giá.
Trong bối cảnh rừng tự nhiên bị khai thác quá mức dẫn đến suy thoái, tháng 12 năm 2013 Thủ tướng chính phủ đã ra đề án về tăng cường quản lý khai thác gỗ rừng tự nhiên giai đoạn 2013-2020, trong đó qui định dừng khai thác gỗ rừng tự nhiên và giao việc khai thác diện tích rừng sản xuất cho các hộ gia đình, cá nhân và cộng đồng dân cư. Theo cách tiếp cận của WWF, quản lý rừng có chứng chỉ là một trong những hình thức tiếp cận tốt nhất tại thời điểm hiện tại nhằm đảm bảo mục tiêu quản lý rừng bền vững nói riêng và chiến lược phát triển lâm nghiệp nói chung.
Khai thác gỗ tại Quảng Trị
Là một tỉnh nằm trong vùng cảnh quan Trung Trường Sơn, sở hữu những cánh rừng tự nhiên có mức độ đa dạng sinh học cao đồng thời cũng là nơi có những diện tích rừng trồng tương đối tập trung, được trồng trên những diện tích đất trống trước đây là rừng tự nhiên nhưng bị chiến tranh tàn phá. Tỉnh Quảng Trị được WWF chọn làm điểm đầu tiên tại Việt Nam để áp dụng mô hình này. Với mục tiêu cải thiện sinh kế và tăng thu nhập cho người nông dân trồng rừng, làm giảm thiểu các áp lực tiêu cực lên các khu rừng tự nhiên, WWF đã hỗ trợ kỹ thuật xúc tiến chứng chỉ rừng theo tiêu chuẩn của FSC™ cho các nhóm hộ trồng rừng qui mô nhỏ, các công ty lâm nghiệp địa phương, đồng thời thiết lập các liên kết thương mại cho gỗ có chứng chỉ thông qua Mạng lưới Kinh doanh Lâm sản Toàn cầu của WWF (GFTN).
“Sau 7 năm thực hiện chương trình cùng WWF, nhu cầu tham gia chứng chỉ rừng ngày càng tăng ở cả đối tượng nhóm hộ lẫn các công ty lâm nghiệp. Các nhóm hộ, khi tham gia chương trình, ngoài việc có thu nhập tăng ổn định, họ còn được hỗ trợ kiến thức và kỹ thuật về canh tác, quản lý và khai thác rừng bền vững, an toàn lao động, bảo vệ môi trường, quản lý nhóm, quản lý tài chính, tiếp cận thị trường, từ đó vị thế của họ được đề cao trong cộng đồng và xã hội,” Ông Hoàng Đức Doanh nhấn mạnh.
“Mô hình chứng chỉ rừng cho nhóm hộ có qui mô nhỏ thí điểm thành công ở Quảng Trị với hơn 340 thành viên tham gia sở hữu hơn 920 ha rừng đã được nhận chứng chỉ FSC™ quốc tế. Mô hình này cũng đã được thể chế hóa nhằm hỗ trợ chiến lược phát triển rừng bền vững của tỉnh,” bà Lê Thủy Anh, cán bộ quản lý vùng cảnh quan Trung Trường Sơn, WWF-Việt Nam được dẫn lời.
“Trong tương lai, mô hình chứng chỉ rừng cho nhóm hộ qui mô nhỏ này cũng như bước tiến thành lập Hội cũng sẽ được nhân rộng ở các tỉnh lân cận tại khu vực WWF-Việt Nam hoạt động. Chúng tôi cũng sẽ tiến hành các hoạt động vận động chính sách để tận dụng tối đa các điều kiện hỗ trợ và hợp tác từ phía chính phủ và các đối tác địa phương không chỉ ở cấp tỉnh mà cả cấp quốc gia,” bà Thủy Anh cho biết.
Để tạo điều kiện cho tiế n trình triển khai cấp chứng chỉ rừng đạt hiệu quả cao ở Việt Nam, WWF khuyến nghị việc cụ thể hóa các chính sách liên quan đến quản lý rừng bền vững và chứng chỉ rừng trong Chiến lược Phát triển Lâm nghiệp Việt Nam, hoàn thiện sớm các bộ tiêu chuẩn chứng chỉ rừng cấp quốc gia và những định hướng chiến lược đẩy mạnh thị trường lâm sản có chứng chỉ.