Tin Môi Trường- Tin nhanh về môi trường Việt Nam
Hotline: 091.5203050 - 091.5203070
Email: tinmoitruong@tinmoitruong.com
Website: tinmoitruong.com.vn
Các nhà khoa học tìm thấy 46 mẫu vật thuộc 4 loài ngư long khác nhau đã tuyệt chủng trong đá trầm tích gần sông băng Tyndall. Tên của chúng trong tiếng Hy Lạp có nghĩa là "thằn lằn cá", một loài bò sát biển lớn có khả năng bơi nhanh, sống trong kỷ Đại Trung Sinh (khoảng 90 tới 245 triệu năm trước).
Đây là những hóa thạch ngư long ở nhiều giai đoạn khác nhau - từ phôi thai tới bộ xương của những con đã trưởng thành. Các nhà nghiên cứu cho rằng rất có thể chúng chết trong một loạt trận lở đất nghiêm trọng khiến thân xác chôn vùi trong lớp đất, sau đó trôi ra biển trước khi tới sông băng.
Ngư long có hình dạng cơ thể giống cá đuối điện với đôi chân chèo thẳng đứng và mõm dài, nhiều răng. "Chúng có hình dạng rất giống cá heo ngày nay", Wolfgang Stinnesbeck, nhà cổ sinh vật học chỉ đạo nhóm nghiên cứu của Đại học Heidelberg tại Đức, phát biểu.
Giới nghiên cứu phát hiện rất ít loài bò sát cổ xưa ở Nam Mỹ. Họ chỉ thấy vài dấu tích còn sót lại của khung xương sườn và xương sống. Bộ xương của ngư long lớn nhất mà họ khai quật tại Chile có chiều dài hơn 5 m. Nó được bảo quản rất tốt. Thậm chí một số mô mềm vẫn còn nguyên vẹn. Ngoài bộ xương lớn này, các nhà nghiên cứu còn tìm thấy phôi hóa thạch bên trong một mẫu vật giống cái và xếp nó vào họ Ophthalmosauridae (họ thằn lằn cá đã tuyệt chủng, xuất hiện trong giai đoạn từ kỷ Jura đến cuối kỷ Phấn Trắng).
Các nhà nghiên cứu cho hay những con thằn lằn cá sống trong hẻm núi dưới nước, rất gần với bờ biển nên có thể trở thành mồi ngon cho các loài săn mồi. Chúng cũng có thể chết vì những trận lũ bùn. Theo một giả thuyết khác, có thể chúng mất phương hướng nên chết đuối và chìm sâu xuống biển. Sau đó lớp trầm tích bao phủ xác của chúng.
Stinnesbeck cũng nói ngư long đã bơi trên biển vào cùng thời điểm khủng long tung hoành trên trái đất và thằn lằn bay ngự trị trên bầu trời.
Để đến sông băng, nhóm nghiên cứu đã phải lái xe trong 5 giờ liên tục sau đó đi bộ từ 10 đến 12 tiếng để tìm chỗ cắm trại. Họ còn phải đi bộ thêm một, hai giờ nữa để đến gần khu vực nghiên cứu. Đôi khi đoàn gặp trở ngại về thời tiết, những trận mưa đá và tuyết lở dữ dội.