Tin môi trường - Cổng thông tin về môi trường Việt Nam

Tin Môi Trường- Tin nhanh về môi trường Việt Nam
Hotline: 091.5203050 - 091.5203070
Email: tinmoitruong@tinmoitruong.com
Website: tinmoitruong.com.vn

Chia sẻ kinh nghiệm phát triển rừng thích ứng với biến đổi khí hậu

(08:55:52 AM 19/07/2014)
(Tin Môi Trường) - Ngày 18/7, gần 200 nhà khoa học, nhà nghiên cứu, hoạch định chính sách, đại diện các doanh nghiệp và hộ gia đình trực tiếp quản lý bảo vệ rừng ở 5 tỉnh Tây Nguyên đã tham gia Diễn đàn "Phát triển rừng bền vững thích ứng và giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu", do Trung tâm Khuyến nông quốc gia tổ chức tại thành phố Đà Lạt. Diễn đàn là cơ hội chia sẻ kinh nghiệm nghiên cứu khoa học trong công tác bảo vệ và phát triển rừng thích ứng với biến đổi khí hậu.

Ảnh minh hoạ IE


Các đại biểu được tiếp cận với những thông tin về biến đổi khí hậu và tác động của nó đến sản xuất nông lâm nghiệp ở Tây Nguyên; chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng; dự án phát triển lâm nghiệp góp phần phát triển bền vững xóa đói giảm nghèo vùng đồng bào dân tộc thiểu số; kinh nghiệm từ UN-REDD Việt Nam tại Lâm Đồng (chương trình giảm phát thải khí nhà kính). Các đại biểu cũng tập trung thảo luận, chia sẻ một số giải pháp ứng phó biến đổi khí hậu như cần tăng cường công tác bảo vệ rừng và phát triển rừng một cách bền vững; thực hiện tốt công tác giao, cho thuê rừng và đất rừng để tất cả diện tích đất lâm nghiệp đều có chủ quản lý...

Phát biểu tại diễn đàn, Tiến sĩ Phan Huy Thông, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông quốc gia cho biết: Việt Nam là một trong 5 quốc gia trên thế giới chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của biến đổi khí hậu. Vì vậy việc phát triển lâm nghiệp cũng là một yếu tố của phát triển bền vững. Lâm nghiệp có vai trò rất quan trọng trong việc bảo vệ môi trường, bảo tồn đa dạng sinh học, xóa đói giảm nghèo.

Theo báo cáo Bộ Tài nguyên và Môi trường, đến năm 2010 đã có gần 1,25 triệu hộ gia đình (tương đương 4,65 triệu lao động) tham gia dự án trồng mới 5 triệu ha rừng, trong đó có gần 485.000 hộ nghèo, chủ yếu là đồng bào dân tộc thiểu số ở miền núi, vùng cao có việc làm. Tại Lâm Đồng, đến nay diện tích đất rừng giao khoán là trên 376.000 ha (chiếm 63% diện tích rừng của toàn tỉnh). Việc giao khoán rừng đã cải thiện sinh kế cho hơn 17 nghìn hộ gia đình đồng bào dân tộc sống gần rừng. Việc giao khoán rừng cũng giúp nâng cao ý thức bảo vệ môi trường rừng của người dân và cộng đồng đồng thời gắn giảm nghèo với bảo vệ môi trường.

Đặng Tuấn