Tin Môi Trường- Tin nhanh về môi trường Việt Nam
Hotline: 091.5203050 - 091.5203070
Email: tinmoitruong@tinmoitruong.com
Website: tinmoitruong.com.vn
Bộ Y tế và Bộ Khoa học và Công nghệ sẽ đề xuất đưa Amiăng vào danh mục chất độc hại (Ảnh: Hội thảo khoa học “Amiăng với sức khỏe” do Bộ Y tế và Bộ Khoa học và Công nghệ tổ chức sáng 17/7)
Amiăng là chất độc hại
Amiăng là chất gây ung thư, ước tính gây ra nửa số ca tử vong do ung thư nghề nghiệp. Tỷ lệ mắc bệnh ung thư phổi, ung thư trung biểu mô cao ở nhóm người tiếp xúc với Amiăng trên 30 năm. Tác hại tiềm tàng không chỉ trên sức khỏe của người lao động mà còn có tác hại đối với cả những người sinh sống tiếp xúc với Amiăng.
PGS.TS Trần Văn Thuấn, Phó Giám đốc Bệnh viện K cho biết, mỗi năm Việt Nam có trên 150.000 trường hợp ung thư mới mắc và trên 75.000 trường hợp tử vong do ung thư. Chính vì gánh nặng bệnh tật và gánh nặng tài chính do các bệnh liên quan đến Amiăng, mà cả WHO và ILO đều khuyến nghị cấm hoàn toàn mọi dạng Amiăng là cách hiệu quả nhất để loại bỏ các bệnh.
Tại hội thảo, ông Trần Văn Tùng, Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ cho biết, một số quốc gia phát triển, Amiăng trắng chỉ sử dụng trong công nghệ quốc phòng, nhà máy điện hạt nhân. Tuy nhiên, ở Việt Nam Amiăng trắng chủ yếu dụng để sản xuất tấm lợp, thậm chí tại các vùng cao người dân còn sử dụng tấm lợp Amiăng để hứng nước mưa dùng cho sinh hoạt, vô hình chung người dân đã sử dụng phải nước có nhiễm Amiăng.
Theo ông Tùng, tiếp xúc với Amiăng lâu dài có thể gây xơ hóa phổi; canxi hóa màng phổi; ung thư phổi, màng phổi, đặc biệt là ung thư trung biểu mô ngoài ra còn gây ung thư thực quản, buồng trứng. Nồng độ tiếp xúc càng cao, thời gian càng dài thì tỷ lệ bệnh càng lớn.
“Vì sức khoẻ và quyền lợi của người dân, Bộ Khoa học và Công nghệ cũng đề nghị cần phải sử dụng các vật liệu khác thay thế Amiăng”, ông Tùng nói.
Thời gian ủ bệnh sau khi tiếp xúc với Amiăng thường kéo dài 20-30 năm, người lao động thường phát bệnh khi đã nghỉ hưu và các hạn chế trong việc lưu giữ hồ sơ, thông tin, thống kê báo cáo nên việc nghiên cứu một cách đầy đủ về tác hại của amiăng ở nhiều nước đang phát triển còn gặp nhiều khó khăn.
TS Vũ Thường Bội, Hội Hóa học Việt Nam sau khi phân tích chi tiết về nguyên nhân, cơ chế gây hại của amiăng cũng như những dẫn chứng về sự độc hại của loại khoáng vật này đã kết luận: Vấn đề độc hại của amiăng đối với sức khỏe con người là đã quá rõ ràng và chúng ta không cần phải tranh cãi về chuyện này nữa.
Chính vì gánh nặng bệnh tật do các bệnh liên quan đến Amiăng nên tổ chức WHO và tổ chức lao động quốc tế ILO đều khuyến nghị cấm hoàn toàn mọi dạng Amiăng là cách hiệu quả nhất để loại bỏ các bệnh liên quan đến Amiăng.
Tuy nhiên, đến nay, Việt Nam vẫn là trong 1 trong 10 nước sử dụng Ami ăng nhiều nhất thế giới, chủ yếu là Amiăng trắng, hoàn toàn phải nhập từ nước ngoài, khoảng 60.000 tấn/năm. Trong đó, hơn 90% Amiăng trắng dùng đề sản xuất tấm lợp, ngoài ra còn có thể sử dụng cho các mục đích khác như cách nhiệt cho các thiết bị có nhiệt (nồi hơi), ứng dụng vào các vật liệu xây dựng như ống dẫn nước…
Cùng quan điểm, đại diện Cục Quản lý môi trường y tế (Bộ Y tế) dẫn thông tin của Cơ quan nghiên cứu ung thư quốc tế (IARC) khẳng định: “Tất cả các loại amiăng đều gây ung thư và không có ngưỡng an toàn cho các chất gây ung thư”, rồi dẫn chứng bằng số liệu “rùng mình”: “Kết quả nghiên cứu khoa học của Bộ Y tế giai đoạn 2010-2011 tại 6 bệnh viện ghi nhận 447 trường hợp bệnh nghi ngờ liên quan đến amiăng nhập viện thì có 46 trường hợp được chẩn đoán ung thư trung biểu mô màng phổi (chiếm trên 10%)”.
Hiệp hội tấm lợp Việt Nam: Không có bằng chứng rõ ràng
Phản bác mạnh mẽ lại quan điểm của đại diện các đơn vị y tế, TS Võ Quang Diệm - Phó Chủ tịch Hiệp hội Tấm lợp Việt Nam viện dẫn, có tới 149 quốc gia và vùng lãnh thổ vẫn đang sử dụng amiăng trong sản xuất các sản phẩm, trong đó có cả các nước lớn như Mỹ, Nga, Trung Quốc… Cũng theo TS Diệm: “Không có bằng chứng nghiên cứu rõ ràng nào về độc hại của nó cả”.
Nhưng phản bác của ông Diệm lại không gây băn khoăn với những người làm y tế bằng việc lãnh đạo một doanh nghiệp sản xuất tấm lợp tại Đông Anh (Hà Nội) phát biểu trong “nghẹn ngào”: “Chúng tôi có hàng nghìn cán bộ nhân viên hàng ngày vẫn tiếp xúc trực tiếp với Amiăng, 100% đều được khám sức khỏe, chiếu chụp cẩn thận và được chuyên gia y tế đánh giá nhưng không có vấn đề gì nghiêm trọng. Chẳng ai trong chúng tôi chết vì ung thư, quy chụp như thế là “vơ đũa cả nắm” khiến doanh nghiệp lao đao, khốn khó”.
Ông Lê Văn Tới - Vụ trưởng Vụ Vật liệu xây dựng (Bộ Xây dựng) – cũng cho biết, trong suốt 6 năm (2008-2013), kết quả sau khi Bệnh viện Xây dựng tiến hành khám cho gần 3.600 công nhân các nhà máy sản xuất tấm lợp không phát hiện tổn thương điển hình của bệnh bụi phổi liên quan đến amiăng.
Hiện vẫn còn nhiều tranh cãi về việc tấm lợp amiăng có gây độc hại hay không
Không nên đi ngược lại xu thế
Tại buổi hội thảo, một thông tin đáng chú ý được đưa ra. Hiện nay, Việt Nam là quốc gia duy nhất nhập khẩu amg trong số 7 quốc gia phản đối việc đưa amiăng trắng vào phụ lục 3 của Công ước Rotterdam năm 1998 (danh mục các chất bị cấm hoặc hạn chế).
TS. Trần Tuấn, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Đào tạo Phát triển Cộng đồng (RTCCD) đặt vấn đề: “Chúng ta là thành viên của WHO, chúng ta đã chấp nhận nhiều khuyến cáo của WHO nhưng riêng vấn đề amiăng lại đi theo xu thế ngược lại. Tôi cho rằng, nếu có nghiên cứu tiếp tục thì chúng ta cần phải nghiên cứu vấn đề vì sao riêng vấn đề amiăng chúng ta lại đi ngược lại xu thế của thế giới”.
“Mọi người có quyền được sống trong không khí trong lành và cái gì có hại cho người dân thì cấm” - ông Lê Hồng Tịnh, Ủy viên thường trực Ủy ban Khoa học Công nghệ và Môi trường Quốc hội, bày tỏ. “Tuy nhiên, mọi vấn đề cần nghiên cứu kỹ và có lộ trình cụ thể chứ không được nóng vội” - ông Tịnh cho biết thêm.
Vì vấn đề có tiếp tục sử dụng vật liệu amiăng làm tấm lợp không còn nhiều ý kiến “trái chiều và tranh luận gay gắt, thậm chí bức xúc”, “khó có thể đưa ra kết luận được”, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Trần Nam cho rằng, những vấn đề ảnh hưởng độc hại của amiăng trắng trong sản xuất tấm lợp cần phải có những nghiên cứu sâu hơn, thuyết phục hơn của các nhà khoa học, các cơ quan chức năng trước khi cơ quan có thẩm quyền đưa ra quyết sách cuối cùng là “cấm” hay “không cấm”.
“Theo ước tính của WHO năm 2004, có tới 107 ngàn người chết liên quan tới amiăng. Hiện nay trên thế giới có 54 quốc gia chính thức cấm amiăng, do vậy Việt Nam nên cấm sử dụng amiăng và sử dụng các vật liệu thay thế mà hiện nay hoàn toàn đủ điều kiện” - vị đại diện WHO khuyến cáo.