Tin Môi Trường- Tin nhanh về môi trường Việt Nam
Hotline: 091.5203050 - 091.5203070
Email: tinmoitruong@tinmoitruong.com
Website: tinmoitruong.com.vn
Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải chủ trì họp trực tuyến phòng chống bão với các bộ ngành và các tỉnh từ Quảng Ninh đến Thanh Hóa sáng 17-7 - Ảnh: Tuấn Phùng
Tại cuộc họp, ông Hoàng Đức Cường - Giám đốc Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Trung ương cho biết trong 6 tiếng qua bão vẫn giữ nguyên cường độ và di chuyển theo hướng giữa Tây Tây Bắc và Tây Bắc.
Đến 8g sáng 17-7 bão đạt cấp 13, giật cấp 15- 16. Các cơ quan dự báo khí tượng trên thế giới đều thống nhất bão di chuyển theo hướng này và qua đảo Hải Nam vào Vịnh Bắc bộ, sau đó bão có xu hướng di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc và đổ bộ vào đất liền Việt Nam.
“Hiện nay bão đang di chuyển vào vùng ấm nhất của biển Đông nên được tiếp thêm năng lượng và nhiều khả năng sẽ tăng cường độ, đạt sức mạnh cực đại trước khi vào đảo Hải Nam, sau đó mới giảm cấp” - ông Cường cho biết thêm các thông số quan trắc cho thấy bão có khả năng giảm 2 cấp sau khi qua đảo Hải Nam và giữ nguyên cấp độ đó khi vào bờ các tỉnh Quảng Ninh - Thái Bình.
Dự báo trưa 18-7, bão số 2 tràn vào đảo Hải Nam và ảnh hưởng trực tiếp đến các tỉnh từ Quảng Ninh đến Thái Bình trong ngày 19-7.
Dự kiến nếu bão di chuyển nhanh thì đổ bộ từ 4-5g sáng 19-7, nếu chậm thì từ 15-16g ngày 19-7 với sức gió khi vào bờ mạnh nhất là cấp 11, giật cấp 12 đến 14.
Khu vực Nam Định đến Ninh Bình có gió cấp 8 -9 khi bão đổ bộ. Do bão đổ bộ vào thời điểm thủy triều thấp nên nước dâng ven biển không đáng kể.
Ông Cường nhận định mưa do bão gây ra tập trung ở ven biển và đồng bằng Bắc bộ từ ngày 19-7 đến 20-7 rồi lan dần lên miền núi phía Bắc đến 21-7.
Lượng mưa khoảng 200-300mm có nơi 300-400mm. Miền núi đề phòng lũ quét và sạt lở đất, khu vực đồng bằng và đô thị như Hà Nội, Hải Phòng đề phòng ngập lụt khi mưa lớn.
Đến 6g sáng 17-7, Biên phòng các tỉnh từ Quảng Ninh đến Bà Rịa - Vũng Tàu duy trì 17.725 người và 705 phương tiện phòng chống bão.
Lực lượng Biên phòng phối hợp với địa phương, gia đình chủ tàu, thuyền trưởng thông báo, kiểm đếm, hướng dẫn cho 58.685 tàu, thuyền, lồng bè, chòi canh nuôi trồng thủy sản cùng 205.035 lao động biết diễn biến của bão để chủ động phòng tránh.
Trong đó có 4 tàu của Quảng Ngãi, Đà Nẵng hoạt động ở Trường Sa đang tìm cách liên lạc yêu cầu về bờ,
Đánh giá cao việc chuẩn bị của các địa phương, ông Cao Đức Phát- Bộ trưởng Bộ NN&PTNT, Trưởng Ban chỉ đạo Phòng chống lụt bão Trung ương đề nghị thêm các tỉnh cần sơ tán dân xong trước 16g ngày 18-7.
Ông Phát cũng đề nghị Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn Trung ương thông báo với các cơ quan truyền thông, VTV bản tin dự báo 1 tiếng 1 lần như bản tin gửi Ban chỉ đạo, chú ý thông báo tọa độ bão từ ra đa quan trắc bão để dễ đối chiếu.
Những thông tin này sẽ được thông báo trên đài phát thanh, truyền hình và hệ thống loa phát thanh của các địa phương để người dân nắm được đầy đủ và chủ động phòng chống.
Kết luận cuộc họp Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải đánh giá bão số 2 rất mạnh nên hết sức nguy hiểm. Phó Thủ tướng đánh giá cao các địa phương đã chuẩn bị chu đáo nhưng cần hết sức đề phòng khi bão có khả năng mạnh hơn và thời điểm và vị trí đổ bộ còn biến động.
Vì vậy từ Quảng Ninh đến Thanh Hóa đều phải xác định có khả năng bị bão ảnh hưởng trực tiếp để chủ động phòng chống ở mức cao nhất.
Phó Thủ tướng yêu cầu các địa phương tăng cường tuyên truyền và thông tin tới người dân. Kêu gọi toàn bộ 17 tàu ở Hoàng Sa vào bờ trong ngày 17-7. Còn 18 tàu ở giữa biển Đông di chuyển phòng tránh bão.
Ngoài các tỉnh ven biển, Phó Thủ tướng đề nghị rà soát sơ tán dân ở khu vực có nguy cơ sạt lở, lũ quét tại các tỉnh miền núi. Trước 16g ngày 18-7 việc sơ tán phải hoàn thành. Đặc biệt các địa phương có đông khách du lịch, nhất là khách nước ngoài phải thông báo, có phương án bảo vệ du khách; phải kiểm tra bảo vệ các công trình cao tầng, cột ăng ten, biển quảng cáo ở đô thị để hạn chế gây tai nạn trong bão.
“Phải kiểm tra trước bão. Năm ngoái Chính phủ đã chỉ đạo các bộ ngành rà soát, không để có bão lại đổ cột chết người”- Phó Thủ tướng lưu ý.
Bộ GTVT chỉ đạo đài Thông tin duyên hải nắm chắc hành trình, thông báo cho tàu vận tải thông tin về bão để phòng chống, kể cả tàu nước ngoài.
“Số lượng tàu này lớn, nếu không nắm được thông tin thì rất nguy hiểm. Những năm qua chúng ta cũng phải cứu hộ cứu nạn tàu này trong bão rất khó khăn và nguy hiểm” - Phó Thủ tướng nói đề nghị thêm: lãnh đạo các địa phương phải cử tổ công tác xuống địa bàn trọng yếu, hoãn các cuộc họp không quan trọng để tập trung chống bão.
Ban chỉ đạo Phòng chống lụt bão Trung ương, Bộ NN &PTNT cử đoàn công tác đi chỉ đạo phòng chống bão ở Quảng Ninh và Hải Phòng.
Một người đàn ông đang lượm lặt những gì còn sót lại của cửa hàng gia đình ông khi bão Rammasun quét qua vùng ngoại ô Navotas, phía bắc Manila - Ảnh: AFP
Trên khắp các đường phố ở thủ đô Manila, cây cối và trụ điện đổ ngổn ngang. Chủ tịch ủy ban quản lý và giảm thiểu thiên tai quốc gia Philippines, Alexander Pama, cho biết số người chết có khả năng sẽ tăng cao do công tác thống kê thiệt hại tính mạng con người và vật chất ở các vùng bão đi qua vẫn chưa hoàn tất. “Hầu hết số người tử vong do cây đổ, tường sập và đất đá bay trong bão” - kênh truyền hình ABS-CBN dẫn lời ông Pama cho biết.
Ông Pama khẳng định số người thiệt mạng đa số là ở các vùng nông thôn, họ vẫn ở ngoài trời khi bão Rammasun quét qua dù chính quyền địa phương đã đưa ra cảnh báo người dân phải ở trong nhà. “Chúng tôi đang điều tra chính xác lý do gì mà còn quá nhiều người không chú ý cảnh báo bão của chính quyền” - AFP dẫn lời ông Pama cho biết.
Chủ tịch hội chữ thập đỏ Philippines Richard Gordon mô tả bão Rammasun đã thổi bay tất cả những gì trên đường nó đi qua. “Cơn bão đã trườn qua tất cả các thị trấn, thổi sập nhà và hất bật gốc nhiều trụ điện” - ông Gordon nói.
Bão Rammasun đổ bộ vào phía đông Philippines hôm 15-7, sau đó quét qua toàn bộ đảo Luzon và di chuyển về hướng tây, thẳng vào biển Đông.
Trong diễn biến liên quan, mưa lũ đang hoành hành dữ dội ở miền nam và đông Trung Quốc làm ít nhất 18 người chết và khoảng 14 người khác mất tích. Hàng chục triệu người đang bị ảnh hưởng nghiêm trọng trong khi bão Rammasun đang sắp đổ bộ vào khu vực miền nam nước này, gây mưa lớn ở các tỉnh ven biển và cả đặc khu Hong Kong.
Sáng 17-7, chính quyền Hồng Kong đã nâng cấp cảnh báo bão lên cấp 3 khi bão Rammasun đang còn cách bờ biển Hong Kong khoảng 640 km về phía đông nam với vận tốc khoảng 22km/giờ. Cơn bão đang hướng thẳng đến tỉnh Quảng Đông và Hải Nam của Trung Quốc.