Tin Môi Trường- Tin nhanh về môi trường Việt Nam
Hotline: 091.5203050 - 091.5203070
Email: tinmoitruong@tinmoitruong.com
Website: tinmoitruong.com.vn
Khi bệnh nhân Đỗ Thị Thu Trúc (32 tuổi), ngụ tại 49/18 Nguyễn Hữu Cảnh, phường 22, quận Bình Thạnh, TP HCM hôn mê sâu dẫn tới tử vong sau khi mổ cột sống vào sáng 9/4 đến nay gia đình vẫn chưa nhận được một lời chia buồn hay nhận trách nhiệm của cá nhân BS Ngô Minh Lý hay Bệnh viện Đa khoa Triều An.
Bệnh nhân Thu Trúc được người thân và các đồng nghiệp chuẩn bị đưa về quê nhà chiều 9/4.
Khoảng 00h00 ngày 8/4, thay vì nhận được tin ca mổ đã hoàn tất như khẳng định của BS Lý lại là thông tin bệnh nhân bị sốt tới 42 độ. Bác si (BS) Hòa của ê kíp (gây mê) còn ra hỏi gia đình: Bệnh nhân có tiền sử sốc thuốc hay không? Rồi còn yêu cầu gia đình chạy qua BV FV mua thuốc và cho biết Trúc bị sốc thuốc mê. Tuy nhiên, kết luận ghi trong bệnh án bệnh nhân của BV: "Bệnh nhân Trúc chết vì "suy đa cơ quan và sốt ác tính".
Hiện kết luận chính xác về nguyên nhân bệnh nhân Trúc tử vong còn phải đợi ý kiến từ các nhà chuyên môn cũng như kết quả giám định pháp y, song những lời nói buột miệng của BS Hòa trong lúc gấp gáp cấp cứu cho bệnh nhân Trúc theo tìm hiểu của chúng tôi nếu sự việc xảy ra đúng như vậy rõ ràng đây là một trường hợp nguy hiểm nhưng hoàn toàn có thể cứu được nếu chuẩn bị tốt.
Thắc mắc xung quanh sự cố sốt cao ác tính và sốc thuốc gây mê của bệnh nhân Trúc, chúng tôi đã tìm gặp được BS Nguyễn Ngọc Chung - người đã có kinh nghiệm lâu năm trong kỹ thuật gây mê hồi sức tại Bệnh viện Chấn thương chỉnh hình TP HCM chiều 11/4.
Bác sĩ Chung cho biết gây mê là phương pháp vô cảm bằng cách nhiễm độc có định lượng và có kiểm soát nhằm làm mất tạm thời ý thức cảm giác và các phản xạ, bằng các thuốc mê tác động trên thần kinh trung ương và bệnh nhân sẽ hồi phục sau đó mà không để lại di chứng.
Trước khi điều trị bằng thuốc, bác sĩ thường thử phản ứng trên bệnh nhân để xác định có dị ứng thuốc hay không. Song, do tỉ lệ gây phản ứng ở thuốc gây mê rất thấp nên tất cả thuốc gây mê đều không có chỉ định thử trước khi tiến hành gây mê.
Theo BS Chung, cơ chế bệnh này hiểu nôm na như là cơ thể tự nhiên bị đốt cơ một cách gấp gáp. Khi phải hoạt động cho thể dục cơ thể phải dồn sức cũng gây nên hiện tượng đốt cơ nhưng chỉ tác động vào cơ một lúc thôi.
Còn quá trình hủy cơ, đốt cơ trên bệnh nhân bị phản ứng sốc thuốc mê hoàn toàn trong tình trạng bị đốt cơ liên tục của một chuỗi phản ứng. Dẫn tới tim đập nhanh, khó thở, nhiệt độ tăng vọt, thận đào thải liên tục, gan bị ảnh hưởng… không được cứu kịp dẫn tới suy đa cơ quan và tử vong.
Ngay khi vụ việc xảy ra, điều đáng buồn là ở cách cư xử của phía Bệnh viện Triều An và cả chính BS Lý.
Chị gái bệnh nhân Trúc cho hay, Trúc được hẹn đưa vào Bệnh viện Triều An từ 6h sáng 7/4 nhưng nằm hoài không ai hỏi han cứ đợi BS từ Bệnh viện Chấn thương chỉnh hình sang.
Và cũng không hề được chăm sóc truyền dịch hay tiêm thuốc bổ như đối với nhiều ca mổ vẫn thấy. Cho tới 06h15 tối khi BS Lý tới là yêu cầu đưa Trúc vào mổ ngay. Chỉ một câu "tôi đã trao trả hoàn toàn vụ việc bệnh nhân này lại cho bệnh viện" dường như BS Lý muốn gạt bỏ tất cả dù chỉ là một lời chia sẻ.
Phía Bệnh viện Triều An cũng có cách hành xử thiếu đi chữ đức. Không những chẳng mời giám định pháp y, bưng bít thông tin mà BV còn chỉ muốn xác nạn nhân xấu số nhanh chóng dời đi không có gì đáng ngạc nhiên khi thái độ đó gặp phải sự phẫn nộ của những người thân nạn nhân.
Đối với riêng bệnh viện của tôi việc BS ra ngoài là hoàn toàn cấm! BS Trần Thanh Mỹ - Giám đốc Bệnh viện Chấn thương chỉnh hình xác nhận với PV xung quanh sự việc BS Lý - Phó khoa cột sống A Bệnh viện Chấn thương chỉnh hình sang thực hiện phẫu thuật cho bệnh nhân Trúc tại Bệnh viện Triều An dẫn tới hậu quả đáng tiếc.
Được biết theo như qui định của ngành Y tế TP Hồ Chí Minh, bất cứ BS nào trong các bệnh viện công muốn sang hợp tác làm thêm với bệnh viện tư phải được sự đồng ý của chính giám đốc bệnh viện nơi người BS công tác. Ngoài ra, còn phải có hợp đồng rõ ràng giữa BS với bệnh viện nơi mình cộng tác chuyên môn.
Theo qui định của Thông tư 07/TT/BYT của Bộ Y tế vào ngày 25/5/2007 về điều kiện cấp "Chứng chỉ hành nghề y" tại Điều 4, khoản c có qui định rõ: "Đối với cán bộ, công chức, viên chức, người đang làm việc trong các cơ sở y của Nhà nước thì căn cứ thời gian làm việc trong giấy xác nhận của thủ trưởng cơ quan đồng ý cho phép hành nghề y tư nhân ngoài giờ làm việc của Nhà nước”.
(Theo Công An Nhân Dân)