Tin môi trường - Cổng thông tin về môi trường Việt Nam

Tin Môi Trường- Tin nhanh về môi trường Việt Nam
Hotline: 091.5203050 - 091.5203070
Email: tinmoitruong@tinmoitruong.com
Website: tinmoitruong.com.vn

Lần đầu tiên phát hiện loài giun tròn sống ký sinh trên mắt người

(18:00:57 PM 18/06/2011)
(Tin Môi Trường) - Bị nhiễm loại giun này là một bệnh nhân 26 tuổi, ở Thái Nguyên. Sau khi nhận được mẫu bệnh phẩm, các nghiên cứu viên của bộ môn ký sinh trùng - trường Đại học Y Hà Nội đã tiến hành định dạng bằng hình thái học và xác định chính xác nguồn gốc xuất xứ cũng như tên gọi khoa học của chúng.

Bị nhiễm loại giun này là một bệnh nhân 26 tuổi, ở Thái Nguyên. Sau khi nhận được mẫu bệnh phẩm, các nghiên cứu viên của bộ môn ký sinh trùng - trường Đại học Y Hà Nội đã tiến hành định dạng bằng hình thái học và xác định chính xác nguồn gốc xuất xứ cũng như tên gọi khoa học của chúng.

 

Con giun lấy ra từ mắt bệnh nhân tại Viện Mắt Trung ương. Ảnh của BS Xuân Hồng

 

Loài giun này có tên khoa học là Thelazia callipaeda, chúng thường sống ký sinh trên kết mạc mắt của các vật nuôi trong nhà như chó, mèo và thỏ…

 

Giun trưởng thành có chiều dài tới 15mm, màu trắng sữa, đầu nhọn, đuôi cong, mình tròn hình ống. Khi đó, chúng sẽ đẻ ra ấu trùng làm thức ăn cho ruồi nhà. Ấu trùng sẽ phát triển trong ống tiêu hóa của ruồi, đến tuổi sẽ nhiễm lên vùng miệng rồi truyền lây sang người. Giun sẽ sống ký sinh trên kết mạc mắt, có thể gây tắc tuyến lệ, viêm nhiễm và những biểu hiện rất khó chịu.

 

Theo PGS.TS Nguyễn Văn Đề, chủ nhiệm bộ môn ký sinh trùng, Đại học Y Hà Nội: “Trước hết là gây khó chịu, vướng và cảm giác nhức ở mắt. Nếu không bắt được ngay, nó có thể gây viêm, đặc biệt là viêm tuyến lệ và viêm các khu vực xung quanh ống lệ tinh…”

 

Loài giun này được phát hiện lần đầu tiên trên thế giới tại Pakistan từ năm 1910 và rất nhiều người đã bị lây nhiễm. Theo các nhà nghiên cứu, ruồi nhà là vật chủ trung gian truyền lây sang người. Ấu trùng giun này cũng có thể lây truyền từ người này sang người khác như loại giun chỉ. Tại Việt Nam, điều kiện thời tiết và sinh hoạt rất thuận tiện cho chúng phát triển và lây nhiễm.

 

Tại những vùng nông thôn Việt Nam, thậm chí cả thành phố, chó mèo được nuôi rất phổ biến, đó là những động vật gần người. Trong lúc đó, quần thể ruồi, nhất là ruồi nhà rất phong phú, thậm chí có những vùng quê ruồi phát triển đến mức quá sức tưởng tượng, cho nên khả năng nhiễm - nguy cơ lây nhiễm từ động vật sang người thông qua con ruồi là rất cao.

 

Cũng theo PGS.TS Nguyễn Văn Đề, phác đồ điều trị loại giun này là kết hợp vừa loại bỏ giun, vừa sử dụng các loại thuốc đặc hiệu để sát trùng mắt. Nhưng cách phòng tránh lây truyền tốt nhất là vệ sinh diệt ruồi. Nếu trong nhà có nuôi chó, mèo hay thỏ, cần dùng thuốc chữa trị và phòng tránh ngay từ khi thấy chúng có biểu hiện nhiễm giun trong mắt.

 

(Theo VTV)