Giá trị to lớn của mắc ca
Nhưng lần này, bài báo lại nêu Công ty Mắt đá làm giống mắc ca và “tính ra mỗi cây giống cũng lên đến vài ba trăm nghìn đồng”. Tôi xin khẳng định, giá như thế là quá đắt, là ăn lãi của nông dân quá nhiều. Tôi khuyên bà con không nên mua. Ta có rất nhiều đơn vị sản xuất giống mắc ca được Nhà nước công nhận và cho phép sản xuất. Giống của họ rất tốt và đã được thử nghiệm trong thực tiễn nhưng giá chỉ vài chục nghìn đồng một cây. Không được lợi dụng sự hâm mộ của bà con để “làm giá”!
Tuy mắc ca là loại cây được loài người thuần hóa thành cây trồng cách đây có hơn 150 năm nhưng giá trị của nó lại mau chóng được cả thế giới tôn sùng. Người ta phong mắc ca là hoàng hậu của các loại quả khô. Hạt của nó rất ngon, ngon hơn cả hạt điều. Nó được dùng để làm các loại bánh, kẹo cao cấp và các loại dầu hảo hạng. Giá không rẻ chút nào! Ngay hạt mắc ca chỉ cần rang, tẩm với mật ong (do Công ty Tonggarden của Thái Lan sản xuất) mà nhập vào ta cũng bán tới 110.000-140.000 đồng một hộp (bằng hộp chè và chỉ có 150g hạt).
Vài năm lại đây, chúng tôi thấy được giá trị và tiềm năng cây mắc ca ở Việt Nam là rất lớn nên đã phối hợp với nhiều đơn vị của Bộ NNPTNT và nhiều gia đình nông dân để khảo nghiệm kỹ hơn. Kết quả rất khả quan.
Các kết quả ở khắp các vùng cho thấy, mắc ca cần khí hậu mát mẻ và lúc ra hoa không gặp phải mưa. Như vậy, cả Tây Bắc và Tây Nguyên đều trồng được. Các mô hình ở những vùng này đều cho kết quả mỹ mãn (ở Việt Bắc cũng trồng được nhưng thất thường vì khi cây ra hoa thường gặp phải mưa, hoa đậu rất ít).
Cơ hội thiết kế lại vườn tược
Nhiều huyện đã bắt tay vào quy hoạch trồng mắc ca với quy mô lớn (như Tam Đường ở Lai Châu, Tuy Đức ở Đăk Nông, Lâm Hà ở Lâm Đồng...). Đó là hướng đi đúng đắn. Đặc biệt, cả Tây Nguyên đang quyết tâm tái canh cà phê. Tôi đã tới tận vườn của bác Bùi Hữu Hòa ở thôn Tân Trung (xã Tân Hòa, huyện Lâm Hà, Lâm Đồng) để thăm.
Bác cho tôi biết, bác đã ra tận Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu nông lâm sản chế biến tại Đá Chông (Ba Vì, Hà Nội) để tham quan cây mắc ca. Bác thấy quá phù hợp với địa phương mình nên đã mua cây về trồng xen với cà phê. Khi tôi đến thăm, số cây mắc ca mới được 3 năm nhưng cây đã đầy quả. Tuy mới ra bói nhưng quả rất nhiều. Rõ ràng, mô hình xen mắc ca với cà phê là một hình mẫu hợp lý và cho ta hiệu quả rất tốt. Bà con nên đến tận nơi để thăm. Mùa này mắc ca đang ra quả.
Tôi được biết, công ty này đang cấp giống cho Tuy Đức để trồng vài trăm hécta mắc ca và giúp cho Tam Đường mở rộng ra nhiều điểm. Giống của họ được Bộ NNPTNT cấp phép sản xuất và chỉ vài chục nghìn đồng/cây. Ở Đăk Lăk thì có Công ty Vina mắc ca. Cá nhân tôi đánh giá, đây là chỗ sản xuất giống mắc ca quy củ nhất Việt Nam.
Các đơn vị nhân giống nên sát cánh với nông dân, cùng hợp tác, cùng phát triển, cùng hưởng lợi với bà con. Chúng ta phải là người bạn chân thành với nông dân thì sự nghiệp mới vững bền và phát triển tốt.
Công ty do GS Hoàng Hòe làm cố vấn. Ông là chủ nhiệm chương trình hợp tác nghiên cứu mắc ca của ta với Úc. Các chuyên gia Úc và nhiều nước đã tới trực tiếp chỉ đạo việc sản xuất giống ở công ty này. Họ phải đưa mắt cây từ Úc sang để ghép, tạo cây giống. Khi tới thăm, tôi thấy cây giống của họ cao tới gần 2m. Cây lớn và vững chắc; bầu cây rất to, nó đảm bảo khi đưa đi trồng là chắc chắn sống rất tốt. Giống thế mới là giống! Giống ở đây cũng được Bộ công nhận. Họ cũng chỉ bán với giá vài chục nghìn đồng/cây. Tôi cho thế là hợp lý.
Mắc ca có rất nhiều giống và nhiều cách nhân giống (nhân bằng hạt, nhân bằng cành giâm, nhân bằng cách chiết, ghép...). Ta lại có rất nhiều đơn vị đang lao vào việc nhân giống mắc ca.
Chúng tôi không phản đối bất cứ đơn vị nào tham gia vào việc nhân giống, chỉ có điều, phải làm được giống tốt và nên bán cho bà con với giá đúng mức. Chúng tôi hy vọng, mắc ca sẽ sớm được nhân rộng ra toàn vùng. Mắc ca chắc chắn sẽ là loại cây trồng đầy triển vọng ở Việt Nam.