Tin Môi Trường- Tin nhanh về môi trường Việt Nam
Hotline: 091.5203050 - 091.5203070
Email: tinmoitruong@tinmoitruong.com
Website: tinmoitruong.com.vn
Theo bản tin mới nhất phát lúc 9h sáng nay (ngày 15/7) của Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Trung ương, hồi 7h sáng nay, vị trí tâm bão Rammasun ở vào khoảng 12,7 độ Vĩ Bắc; 125,6 độ Kinh Đông, cách đảo Lu Dông (Philippines) khoảng 520km về phía Đông Đông Nam. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 12, cấp 13 (tức là từ 118 đến 149 km/h), giật cấp 15, cấp 16.
Khu vực Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương 981 nằm trong vùng ảnh hưởng của hoàn lưu bão Rammasun.
Dự báo trong 24 giờ tới bão di chuyển chủ yếu theo hướng Tây, sau đó có khả năng đổi hướng di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được khoảng 20km. Đến 7h ngày 16/7, vị trí tâm bão ở vào khoảng 14,2 độ Vĩ Bắc; 121,2 độ Kinh Đông, trên khu vực miền Trung Philippines. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 11 (tức là từ 103 đến 117 km/h), giật cấp 13, cấp 14.
Trong khoảng 24 đến 48 giờ tiếp theo, bão di chuyển theo hướng giữa Tây Tây Bắc và Tây Bắc, mỗi giờ đi được khoảng 20 - 25km. Đến 7h ngày 17/7, vị trí tâm bão ở vào khoảng 17,0 độ Vĩ Bắc; 116,4 độ Kinh Đông, cách quần đảo Hoàng Sa khoảng 440km về phía Đông. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 11, cấp 12 (tức là từ 103 đến 133 km/h), giật cấp 14, cấp 15.
Trong khoảng 48 đến 72 giờ tiếp theo, bão tiếp tục di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc và Tây Bắc, mỗi giờ đi được khoảng 20km.
Do ảnh hưởng của hoàn lưu bão, từ gần sáng mai (ngày 16/7), vùng biển phía Đông Biển Đông, có gió mạnh dần lên cấp 7, cấp 8, vùng gần tâm bão cấp 9, cấp 10, giật cấp 11, cấp 12. Biển động rất mạnh.
Theo khuyến cáo của Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Trung ương, đây là một cơn bão mạnh, di chuyển nhanh và có diễn biến phức tạp.
Trước đó, có nhiều ý kiến cho rằng cơn bão này với cường độ lớn như vậy rất có thể đe dọa đến giàn khoan Hải Dương 981 của Trung Quốc, đang hạ đặt trái phép tại khu vực thuộc đặc quyền kinh tế, thềm lục địa của Việt Nam tại Biển Đông.
Biển Đông là vùng biển dữ, trung bình 1 năm có hơn 10 cơn bão mạnh, kéo dài từ tháng 6 đến tháng 10.
Hiện tại, khu vực Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương 981 nằm trong vùng ảnh hưởng của hoàn lưu bão Rammasun - một cơn bão mạnh, di chuyển nhanh và có diễn biến phức tạp.
Giáo sư Carl Thayer, chuyên gia nổi tiếng về biển Đông, dự đoán: “Có vẻ như Trung Quốc sẽ rút giàn khoan dầu về nước trong hoặc trước ngày 15/8 tới để tránh mùa bão lớn trên biển. Các cơn bão sẽ đem lại cơ hội cho Trung Quốc xuống thang”..
Như vậy, có khả năng giàn khoan của Trung Quốc sẽ phải di chuyển để tránh bão, trước thời gian nước này tuyên bố sẽ rời giàn khoan (ngày 15/8).
Trên thực tế, theo tin từ VTV, thời tiết ngày 14/7 tại thực địa khá xấu với trời nhiều mây, có mưa dông, gió cấp 5, biển động nhẹ, tầm nhìn hạn chế.
Quan sát từ tàu CSB 4032, một diễn biến mới trên thực địa là có nhiều tàu hộ tống của Trung Quốc di chuyển tới khu vực giàn khoan.
Thông tin Trung Quốc có thể rút giàn khoan Hải Dương 981 khỏi vị trí hiện tại vì cơn bão Rammasun đang có hướng tiến vào Biển Đông đã thu hút sự quan tâm đặc biệt của dư luận.
Trao đổi với báo chí, Trung tướng Nguyễn Quốc Thước – nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, ĐBQH các khóa VIII, IX, nguyên Tư lệnh quân khu IV, cho hay: “Nếu quả thực Trung Quốc rút giàn khoan Hải Dương - 981 vì mong muốn hòa bình trên Biển Đông thì rất hoan nghênh. Nhưng nếu vì bất khả kháng do ảnh hưởng của cơn bão Rammasun mà phải rút giàn khoan thì nhiều khả năng, với ý đồ kiềm chế Biển Đông, Trung Quốc sẽ ngang ngược đưa giàn khoan trở lại. Chúng ta cần theo dõi chặt chẽ diễn biến cơn bão và sự thay đổi vị trí của giàn khoan Hải Dương 981 trong thời gian này”.
Trung tướng Phạm Xuân Thệ, nguyên Tư lệnh quân khu I, Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân cho rằng: “Với ý đồ và mưu đồ của Trung Quốc đã thể hiện trong thời gian qua thì Trung Quốc hoàn toàn không muốn rút giàn khoan Hải Dương 981 khỏi Biển Đông. Chúng ta cần phải theo dõi chặt chẽ vị trí của giàn khoan Hải Dương 981 cũng như tình hình trên Biển Đông thời điểm này. Phải nâng cao cảnh giác, đề phòng khả năng Trung Quốc đưa giàn khoan tiến sâu hơn vào trong khu vực thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam với lý do tránh bão”.