Tin Môi Trường- Tin nhanh về môi trường Việt Nam
Hotline: 091.5203050 - 091.5203070
Email: tinmoitruong@tinmoitruong.com
Website: tinmoitruong.com.vn
Hầu hết người Việt đều cảm thấy xấu hổ khi mua bao cao su.
Tuấn, một sinh viên năm 4 tại một trường đại học ở Hà Nội rất ngại ngần khi bước vào một hiệu thuốc để mua bao cao su. Để nguyên mũ bảo hiểm, khẩu trang, cậu sinh viên nói rất nhỏ chỉ đủ để người bán hàng hiểu mình muốn gì rồi rất nhanh cầm hộp cao su đã được gói kín trong chiếc túi nilon màu đen vội vã rời khỏi cửa hàng.
Thực tế, Tuấn không phải là người duy nhất cảm thấy ngại khi đi mua bao cao su. Hiện nay, đại đa số người Việt vẫn coi bao cao su là một chuyện “tế nhị”, tránh phải nói tới, thậm chí, nhiều người còn đánh đồng bao cao su với ngoại tình và mại dâm.
Trong một báo cáo được đưa ra vào tháng 3/2013, ông Nguyễn Đức Vinh, Phó Vụ trưởng Vụ Sức khỏe bà mẹ và trẻ em, Bộ Y tế cho hay, một phần ba thiếu niên Việt Nam dưới 18 tuổi cho rằng sử dụng bao cao su là hành vi "không phù hợp" và có tới 16% nói rằng bao cao su chỉ dành cho gái mại dâm và những người ngoại tình.
Coi bao cao su là chuyện cấm kỵ và không phù hợp, thanh thiếu niên Việt Nam thường có xu hướng rất ngại ngần khi tìm mua bao cao su để sử dụng. Theo một nghiên cứu đăng trên Tạp chí International Journal of Adolescent Medicine and Health hồi tháng 1 năm nay, có tới hơn 70% thanh thiếu niên Việt Nam không sử dụng bao cao su trong lần quan hệ tình dục đầu tiên. Và nguyên nhân chính là do họ ngại khi phải mua bao cao su.
Không chỉ thanh thiếu niên, ngay cả với những người đã có gia đình việc đi mua bao cao su tại các hiệu thuốc luôn là một công việc đầy khó khăn và thách thức. “Nói đến bao cao su là người ta nghĩ ngay tới chuyện tình dục. Và nhiều người Việt Nam thường cảm thấy ngại ngần khi đề cập đến chuyện này một cách công khai”, anh Nam, một nhân viên kinh doanh 32 tuổi, giải thích.
Tâm lý e ngại khi phải nhắc tới bao cao su còn tồn tại ở ngay cả những người bán sản phẩm này. Một nghiên cứu mới được công bố mới đây của các học giả thuộc Học viện RMIT Việt Nam cho thấy, hầu hết các chủ cửa hàng thuốc trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh được phỏng vấn đề cho rằng, bao cao su là một sản phẩm cấm kỵ.
Nghiên cứu này cũng khẳng định, 6 trên 10 nhà thuốc được khảo sát đặt bao cao su trong các hộc tủ đã khóa hoặc không trưng bày tại những nơi dễ nhìn thấy. Đa phần người bán cảm thấy xấu hổ khi trưng bày những sản phẩm nhạy cảm.
"Đa số những nhà bán lẻ đều phản đối việc bày bán công khai bao cao su trong cửa hàng, vì sợ rằng điều này sẽ đẩy khách hàng đi nơi khác", nhà nghiên cứu Hải Đăng, tác giả của nghiên cứu nói trên cho biết.
Nghịch lý chỉ ở Việt Nam
TS Khuất Thu Hồng cho rằng tâm lý chung của người Việt là ngại nói đến vấn đề tình dục. Ảnh: L.V
Trong khi Việt Nam là quốc gia tìm kiếm sex nhiều nhất trên Google và là quốc gia có tỷ lệ trẻ em nạo phá thai vào loại cao nhất thế giới thì thật là nghịch lý khi đa phần người Việt lại ngại ngần khi phải đi mua bao cao su.
Theo TS Khuất Thu Hồng, Viện Nghiên cứu Phát triển Xã hội Việt Nam (ISDS), tâm lý chung của người Việt là ngại nói đến vấn đề tình dục. Vì vậy, người ta cũng sẽ rất ngại khi phải nói đến những “thứ liên quan” như bao cao su hay thuốc tránh thai, đặc biệt là đối với những người trẻ.
Chúng ta thường quan niệm tình dục chỉ được phép xảy ra trong hôn nhân, đối với những người đã có gia đình. Vì thế, những người chưa có gia đình thường cảm thấy mình chưa đủ quyền năng để nói tới vấn đề đó. Ngay cả những người đã có gia đình, tình dục vẫn là chuyện “tế nhị” và “khó nói”, một đề tài thuộc loại “cấm kỵ”.
Theo một nghiên cứu của ISDS cách đây không lâu thì có tới 53% những người Việt Nam được hỏi cho rằng, tình dục đơn giản chỉ là để duy trì nòi giống. Chưa đến 10% coi tình dục là điều mang lại khoái cảm và hạnh phúc cá nhân.
“Việc coi tình dục chỉ để duy trì nòi giống thì đương nhiên người ta sẽ rất ngại khi đi mua bao cao su. Bởi lẽ, mua bao cao su cũng là một cách người nghĩ về tình dục, nghĩa là người ta đã nghĩ tới tình dục như một khoái cảm cá nhân. Điều đó khiến cho người ta rất ngại ngần”, TS Hồng phân tích.
Nguồn gốc của tâm lý này, theo TS Hồng bắt nguồn từ văn hóa. Từ xa xưa, người ta đã coi tình dục là chuyện rất riêng tư giữa hai người, chuyện trong chốn phòng the. Và ngay cả trong chốn phòng the thì tình dục vẫn là một đề tài rất cấm kỵ. “Ngay cả giữa các cặp đôi người ta cũng rất ngại thảo luận về tình dục. Họ có thể có hành động nhưng lại rất ngại trao đổi”, TS Hồng nói.
Đồng tình với lý giải của TS Hồng, ông Nguyễn Sử, nhà nghiên cứu văn hóa thuộc Viện Tôn giáo Việt Nam cho rằng, quan niệm Á Đông nói chung coi tình dục là thứ cấm kỵ, ít được đụng chạm đến hoặc không nên đụng chạm đến. “Điều này khác với quan niệm văn hóa phương Tây khi giáo dục giới tính được đề cập khá sớm và không phải là điều gì cấm kỵ”, ông Sử phân tích.
Khi tình dục trở thành một đề tài cấm kỵ, khi các tỉ lệ các trung tâm tư vấn về sức khỏe tình dục ít hơn nhiều so với trung tâm nạo phá thai và khi các thầy cô giáo cũng ngại khi phải dạy các tiết học giáo dục giới tính, thì học sinh, những người trẻ buộc phải tìm kiếm đến những nguồn thông tin khác.
Khảo sát của Viện ISDS vào năm 2009 cho thấy, hầu hết, học sinh ngồi trên ghế nhà trường trả lời rằng, thông tin về tình dục được được các em thu được chủ yếu từ bạn bè và Internet. Điều này đang gây ra nhiều hệ quả tiêu cực khi thông tin trên Internet luôn giống như con dao hai lưỡi.
Sự cấm kỵ bắt nguồn từ tâm lý truyền thống đang gặp phải sự phản kháng của nhu cầu mang tính bản năng cũng như tư tưởng cởi mở hiện đại, và điều này đang tạo ra những nghịch lý trớ trêu ở Việt Nam.
"Người Việt Nam đang bị giằng co giữa giá trị truyền thống, yêu cầu người ta phải kiềm chế về tình dục với cuộc sống của thời đại mới, muốn được giải phóng, được sống với chính mình”, TS Hồng khẳng định. Chính mâu thuẫn này đang tạo ra rất nhiều nghịch lý ở Việt Nam hiện nay.
"Tình dục là một nhu cầu thuộc về bản năng và nó phải được thỏa mãn. Do đó, nhu cầu tìm hiểu là không thể thiếu được. Đấy là lý do người Việt coi tình dục là cấm kỵ nhưng lại là quốc gia tìm kiếm về sex nhiều nhất thế giới”, ông Sử nói.