Tin môi trường - Cổng thông tin về môi trường Việt Nam

Tin Môi Trường- Tin nhanh về môi trường Việt Nam
Hotline: 091.5203050 - 091.5203070
Email: tinmoitruong@tinmoitruong.com
Website: tinmoitruong.com.vn

Sốt xuất huyết đang tấn công người lớn

(18:00:40 PM 18/06/2011)
(Tin Môi Trường) - Mặc dù chưa vào mùa mưa, nhưng trong nửa tháng trở lại đây, trên địa bàn các quận, huyện ở TPHCM, các ca sốt xuất huyết (SXH) không chỉ phát triển ở trẻ em, mà còn tăng mạnh ở đối tượng người lớn.

Mặc dù chưa vào mùa mưa, nhưng trong nửa tháng trở lại đây, trên địa bàn các quận, huyện ở TPHCM, các ca sốt xuất huyết (SXH) không chỉ phát  triển ở trẻ em, mà còn tăng mạnh ở đối tượng người lớn.

 

Mỗi ngày, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TPHCM có khoảng 50 ca SXH người lớn được điều trị nội trú. Theo các bác sĩ chuyên ngành, đây là điều rất đáng lo ngại vì người lớn bị SXH dễ tử vong hơn trẻ em.

 

Mưa trái mùa đã xuất hiện SXH

 

Thống kê của ngành y tế TP cho thấy, tỉ lệ mắc SXH ở người lớn đang có chiều hướng gia tăng. Năm 2007, có 2.546 ca SXH người lớn thì đến năm 2008, con số đã tăng đến 6.817 ca. Trong ba tháng đầu năm 2009, dù tình hình dịch bệnh SXH đang giảm nhiều cũng đã có gần 1.300 ca SXH người lớn, chiếm gần 2/3 số ca SXH được điều trị tại BV Bệnh nhiệt đới.

 

Bác sĩ Trần Tịnh Hiền - Phó Giám đốc Bệnh viện Bệnh nhiệt đới - cho biết: Diễn biến lâm sàng ở SXH người lớn có nhiều khác biệt với trẻ em. Tỉ lệ có sốt là từ 98 phần trăm - 100 phần trăm, thời gian sốt kéo dài hơn (từ 7 ngày trở lên) kèm theo nhức đầu, chóng mặt, buồn nôn, da xung huyết, niêm mạc mắt đỏ sậm, da mặt ửng đỏ hai bên má và tai.

 

Theo bác sĩ Lê Bích Liên - Trưởng khoa SXH Bệnh viện Nhi Đồng 1 TPHCM: Dù chưa vào mùa mưa nhưng những cơn mưa bất thường đầu mùa cũng khiến muỗi và loăng quăng phát triển là nguy cơ của dịch SXH, người dân nên chú ý và đề phòng bệnh.

 

SXH: Người lớn dễ tử vong hơn trẻ em

 

Người lớn mắc bệnh SXH thường nặng hơn so với trẻ em do khi bị sốt thường chủ quan, không nghĩ bị bệnh SXH. Đặc biệt, SXH người lớn có các triệu chứng xuất huyết khá rõ. Theo nghiên cứu của Bệnh viện Bệnh nhiệt đới, có khoảng 60 phần trăm số ca có dấu hiệu xuất huyết khi nhập viện, tỉ lệ này tăng lên 80 phần trăm khi điều trị.

 

Người lớn có dấu hiệu xuất huyết nhiều hơn trẻ em, như xuất huyết da (nổi mẩn đỏ trên da), chảy máu răng, chảy máu cam, xuất huyết tiêu hoá (ói ra máu, đi tiêu ra máu, ra phân đen).

 

SXH ở người lớn nguy hiểm nhất chính là lúc mạch huyết áp bị tụt, từ đó bắt đầu sinh ra các biến chứng nguy hiểm như xuất huyết tiêu hoá, suy gan, đông máu. Tỉ lệ biến chứng ở SXH người lớn là khoảng 5 phần trăm.

 

Thực tế điều trị bệnh cho thấy, nguyên nhân gây tử vong cao nhất ở bệnh SXH người lớn là tràn dịch màng phổi. BV Bệnh nhiệt đới TPHCM đã phải cấp cứu nhiều trường hợp SXH bị tràn dịch màng phổi, mà nguyên nhân là sự thiếu hiểu biết về nguyên tắc trị bệnh. Khi mới sốt, những bệnh nhân này đã yêu cầu cơ sở y tế tuyến dưới hoặc bác sĩ tư nhân truyền dịch, gây ứ nước trong cơ thể và dẫn đến tràn dịch màng phổi.

 

Theo BS Trần Tịnh Hiền, khi phát hiện sốt, bệnh nhân là người lớn có thể đến các cơ sở y tế để được hướng dẫn điều trị. Không được uống thuốc không có hướng dẫn của bác sĩ. Ăn thức ăn dễ tiêu, uống nhiều nước mát.

 

Hiện nay, đã có phác đồ điều trị SXH cho người lớn. Đây là phác đồ chuẩn được áp dụng cho tất cả các nước có SXH trên toàn thế giới. Tất cả các cơ sở y tế tại địa phương đều đã được tập huấn và đủ khả năng để xử lý những trường hợp SXH ở cấp độ nhẹ.

 

(Theo Lao Động)