Tin môi trường - Cổng thông tin về môi trường Việt Nam

Tin Môi Trường- Tin nhanh về môi trường Việt Nam
Hotline: 091.5203050 - 091.5203070
Email: tinmoitruong@tinmoitruong.com
Website: tinmoitruong.com.vn

Hà Nội tự làm đường nước sông Đà bằng công nghệ nào?

(17:33:10 PM 13/07/2014)
(Tin Môi Trường) - Lãnh đạo UBND TP Hà Nội đã họp khẩn với các sở ngành quyết định đầu tư xây dựng một tuyến đường ống mới từ Hòa Lạc về trung tâm TP.

Đường ống nước Sông Đà vỡ lần thứ 8.

 

Nguyên nhân liên tục vỡ là do chất lượng đường ống

 

Đó là quyết định của HN ngay tại cuộc họp diễn ra ngay sau khi tuyến ống dẫn nước sạch sông Đà vỡ lần thứ 9, ngày 12/7.

 

Chủ trì cuộc họp khẩn, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Quốc Hùng nhấn mạnh: Đây là lần thứ 9 tuyến đường ống nước sông Đà bị vỡ, sự cố này đảo lộn cuộc sống, ảnh hưởng sinh hoạt của hàng vạn hộ dân Thủ đô. Nhưng điều đáng quan tâm là không ai có thể khẳng định đường ống sẽ không vỡ tiếp nhiều lần nữa.

 

“Thành phố không thể để cho hơn 1 triệu dân (hơn 70 nghìn hộ) bị ảnh hưởng, tiếp tục phải chịu đựng cảnh mất nước do vỡ đường ống. Một triệu dân không thể phụ thuộc vào đường ống nước của một công ty, một tuyến đường ống luôn vỡ như vậy. Chúng ta không thể đem người dân ra làm trò đùa. Vì vậy, Thành phố chỉ đạo sở Xây dựng, Giao thông - Vận tải, Cty nước sạch Hà Nội, các đơn vị liên quan, tập trung tối đa nguồn lực để chủ động có giải pháp mới cung cấp nước sạch ổn định cho nhân dân” – Phó Chủ tịch Nguyễn Quốc Hùng nhấn mạnh.

 

Qua đánh giá sơ bộ ban đầu của các chuyên gia, nguyên nhân của sự cố đường ống là do vật liệu ống sử dụng cho công trình chưa phù hợp với điều kiện truyền tải nước về TP. Mới đây, Cục Giám định nhà nước về chất lượng công trình xây dựng (Bộ Xây dựng) đã chỉ rõ việc xảy ra vỡ là do chất lượng đường ống dẫn không đồng đều.

 

Cục này khẳng định đơn vị tổng thầu thiết kế còn thiếu kinh nghiệm trong việc lựa chọn các tiêu chuẩn áp dụng trong thiết kế tuyến ống nước sử dụng vật liệu ống composite cốt sợi thủy tinh, không đưa ra đầy đủ các yêu cầu kỹ thuật trong quá trình sản xuất, thi công, lắp đặt tuyến ống.

 

Còn nhà thầu giám sát thi công xây dựng đã không giám sát chặt chẽ, thiếu trách nhiệm để xảy ra các thiếu sót trong quá trình thi công xây dựng nêu trên. Chính Giám đốc Tổng công ty nước sạch Vinaconex Nguyễn Văn Tốn thừa nhận đến nay phía tổng công ty luôn trong tình trạng bị động, túc trực vì sự cố có thể xảy ra bất cứ lúc nào mà không xác định trước được.

 

Hà Nội làm thêm 1 đường ống nước độc lập: Sở XD làm chủ đầu tư

 

Từ phân tích trên, ông Hùng cho biết: “Đến nay TP cũng yêu cầu phía chủ đầu tư xây dựng ngay đường ống nước sạch số 2. Trước mắt là làm 10 km đường ống chạy qua vùng đất yếu, nơi đường ống số 1 thường xuyên bị vỡ. Nếu trong 9 tháng mà họ không khởi công được thì TP sẽ đứng ra làm chứ không thể trông chờ vào họ nữa”.

 

Theo ông Lê Văn Dục – Giám đốc Sở Xây dựng, để đáp ứng yêu cầu khẩn trương, nên thực hiện dự án theo phương thức vừa thiết kế, thẩm định, vừa thi công.

 

Về phương án thi công, đại diện tư vấn thiết kế Công ty CP Tư vấn nước và môi trường Việt Nam cho biết, thông thường phải khảo sát địa chất, tính toán cấu tạo vật liệu… nên tiến độ phải 5-6 tháng, nhưng với tính chất khẩn cấp của dự án này, tư vấn có thể tập trung nhân lực, phương tiện, thiết kế từng đoạn để bàn giao cho đơn vị thi công triển khai ngay.

 

Đại diện Công ty Nước sạch Hà Nội nói, cách đây 6 năm, công ty cũng đã xử lý một trường hợp tương tự, vừa thiết kế, vừa thi công như tư vấn trình bày. Theo Công ty Nước sạch Hà Nội, với phương án sử dụng ống gang, chôn tối thiểu ở độ sâu 1m, bình quân mỗi ngày một đội thi công có thể làm 500m. Như vậy, toàn tuyến 30km có thể làm xong trong 60 ngày.

 

Liên quan đến quy mô tuyến ống mới, đại diện Tổng Công ty CP Vinaconex cho biết, để bảo đảm áp lực nước an toàn cho tuyến ống số 1, tuyến ống mới phải "san tải" cho tuyến ống số 1 khoảng 100.000m3 nước/ngày đêm. Đại diện Tổng Công ty CP Vinaconex cũng đề xuất, Vinaconex đã thu xếp tín dụng cho dự án tuyến ống số 2. Nếu thi công trước 10km đoạn thường xuyên xảy ra sự cố, Vinaconex có thể triển khai ngay từ tháng 8, với thời gian thi công 4 tháng.

 

Tuy nhiên, Phó Chủ tịch Nguyễn Quốc Hùng khẳng định, thành phố đã mất niềm tin vào Vinaconex, đã yêu cầu Vinaconex nhiều lần nhưng đơn vị này vẫn lừng khừng. Vì vậy, thành phố chủ động đầu tư tuyến ống khẩn cấp. Vinaconex vẫn tiếp tục nghiên cứu, đầu tư tuyến ống số 2 và nâng công suất Nhà máy Nước theo quy hoạch.

 

Thành phố yêu cầu, tuyến đường nước mới do Thành phố đầu tư sẽ chủ động cấp nước sạch cho 70.000 hộ dân với công suất 100.000m3 nước/ngày đêm. Khi đưa vào sử dụng (khoảng cuối tháng 8/2014) sẽ góp phần giảm tải cho đường ống nước sông Đà hiện nay (còn khoảng 200.000m3/ngày đêm).

 

Sẽ không có sự lãng phí, chồng chéo vì tuyến ống khẩn cấp trước mắt để bảo đảm an toàn cấp nước cho thành phố, sau này khi có tuyến số 2 của Vinaconex, có thể sử dụng để truyền tải 80.000m3 công suất còn thừa hiện nay của Nhà máy Nước sông Đà và sử dụng cho Nhà máy Nước mặt sông Hồng đang chuẩn bị đầu tư.

 

Chốt lại, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Quốc Hùng kết luận: "Sở Xây dựng Hà Nội làm chủ đầu tư, huy động tất cả các đơn vị có năng lực, tổ chức thi công tuyến ống độc lập từ Hòa Lạc về Vành đai 3 nhằm giảm áp cho tuyến ống hiện nay. Phương án là vừa thiết kế, vừa thi công, vừa hoàn thiện trong thời gian 70 ngày kể từ cuộc họp này; đồng thời bảo đảm chất lượng, an toàn tuyệt đối".

 

Sở Xây dựng cùng tư vấn thống nhất lựa chọn vật liệu bằng thép hoặc gang, hướng tuyến bảo đảm tối ưu nhất nhưng không trùng với đường ống đang bị sự cố. Sở GTVT chịu trách nhiệm bàn giao mặt bằng và tổ chức phân luồng giao thông phục vụ thi công. Sở Tài chính, Quỹ Đầu tư thành phố chịu trách nhiệm thu xếp, huy động nguồn vốn cho dự án.

Thái Linh - báo ĐV (Tổng hợp)