Tin Môi Trường- Tin nhanh về môi trường Việt Nam
Hotline: 091.5203050 - 091.5203070
Email: tinmoitruong@tinmoitruong.com
Website: tinmoitruong.com.vn
Bể bơi được coi là lò phản ứng phụ phẩm kháng khuẩn (Ảnh: Enjoyfrance.com) |
Quy trình khử trùng nước bằng chlorine, chloramines và các thành phần diệt khuẩn khác đã tạo ra một hợp chất trong nước gọi là phụ phẩm diệt khuẩn (DBPs).
Hàng trăm hợp chất DBPs trong nước được tạo ra do thành phần diệt khuẩn phản ứng với chất hữu cơ. Trong các DBPs có một số hợp chất độc hại, một số có thể gây hư bào thai, một số gây hại cho gen thông qua phá hủy ADN và một số còn gây ung thư.
Được Cục Bảo vệ Môi trường Mỹ tài trợ, cuộc nghiên cứu kéo dài 10 năm của nhóm Michiael Plewa bắt đầu nhân nuôi các chuỗi tế bào động vật có vú nhằm ứng dụng riêng cho việc phân tích khả năng triệt tiêu tế bào của những hợp chất này hoặc hoạt tính gây độc tế bào (cytotoxicity) và khả năng của những phụ phẩm diệt khuẩn mới gây phá hủy ADN.
Plewa cho biết phòng thí nghiệm của ông đã lắp đặt dây chuyền cơ sở dữ liệu lớn nhất để nghiên cứu độ độc hại của những phụ phẩm diệt khuẩn mới. Từ đó nhóm nghiên cứu đã có hai khám phá quan trọng, tương đối bất ngờ, hy vọng sẽ giúp ích cho cơ quan quản lý trong việc ra các quyết định.
Khám phá đầu tiên liên quan tới phụ phẩm diệt khuẩn chứa iot. Iot được lấy chủ yếu từ nước biển hoặc những mạch nước ngầm từng nối liền với với thềm đại dương cổ đại.
Nếu nồng độ brom và iot trong nước cao, khi khử trùng nước, ta có thể tạo ra các điều kiện hóa học cần cho sự sinh sôi của phụ phẩm diệt khuẩn chứa các nguyên tử iot. Và những chất này còn độc và gây hại cho gen hơn nhiều so với các phụ phẩm diệt khuẩn hiện đang được Cục Bảo vệ Môi trường Mỹ quản lý.
Khám phá thứ hai liên quan tới các phụ phẩm diệt khuẩn chứa nitro. Các phụ phẩm diệt khuẩn chứa nguyên tử nitro hợp thành cấu trúc độc hại, nguy hiểm cho gen, một số còn có khả năng gây ung thư cao hơn nhiều so với những loại không chứa nitro. Và hiện chưa có phụ phẩm diệt khuẩn chứa nitro nào được quy định sử dụng.
Plewa cho hay, bên cạnh các phụ phẩm diệt khuẩn trong nước uống, các bể bơi và bồn nước nóng cũng là lò phản ứng cho các phụ phẩm diệt khuẩn. Tất cả các chất hữu cơ này đều đến từ con người - con người tiết mồ hôi, sử dụng kem chống nắng và dùng các loại mỹ phẩm tan trong nước, tiểu tiện trong bể bơi công cộng, rụng tóc…
Các chất hữu cơ này hòa tan vào nước và được khử trùng bằng clo. Nhưng vì nước cứ được tái chế nhiều lần, nồng độ phụ phẩm diệt khuẩn có thể cao gấp mười lần so với nước uống.
Plewa cho biết kết quả nghiên cứu chỉ ra mức độ mắc ung thư bàng quang và hen suyễn cao ở những người thường xuyên bơi lội - các vận động viên bơi chuyên nghiệp cũng như nghiệp dư. Những người này tiếp xúc nhiều và lâu dài với các hóa chất độc hại khiến họ bị phơi nhiễm qua da và qua đường hô hấp.
Plewa bày tỏ lo ngại rằng các phụ phẩm diệt khuẩn này đặc biệt nguy hiểm với các trẻ nhỏ thường tắm trong các bể bơi công cộng bởi vì trẻ em và nhất là trẻ nhỏ rất dễ bị tổn thương ADN bởi cơ thể chúng đang diễn ra quá trình phát triển và tái tạo ADN rất mạnh.
Tại các bể bơi công cộng, hàm lượng clo trong nước thường cao nhằm khống chế vi khuẩn và mầm bệnh. Tuy nhiên, chưa có nhiều nghiên cứu đánh giá mức độ nguy hại do các phụ phẩm diệt khuẩn sinh ra.
Plewa khuyến cáo các bể bơi phải tuân thủ quy trình khử trùng như với nước uống nhưng sau đó cần sử dụng các công cụ kĩ thuật nhằm giảm các phụ phẩm nhiễm độc.
Nói về một dự án khác đang được tiến hành nghiên cứu tại Trung tâm Khoa học Quốc gia WaterCAMPWS tại Đại học Illinois của Mỹ, Plawa cho biết: “Chúng tôi đang làm việc với các kĩ sư và các nhà hóa học nhằm phát triển những công nghệ mới trong khử trùng nước, tách muối trong nước và loại bỏ các dược chất trong khi cố gắng tránh sản sinh ra các phụ phẩm thậm chí còn độc hại hơn những thứ ta đang cố gắng khử lọc.
Nghiên cứu của nhóm Plewa cho thấy các chất DBPs đã được Cục Bảo vệ Môi trường quản lý có xu hướng ít độc hại hơn cho gen và tế bào so với các chất DBPs mới trong nghiên cứu của Plewa.
Theo Plewa, cho tới khi các công nghệ mới được đưa vào khử trùng nước an toàn trong các bể bơi công cộng, cần giáo dục, khuyến khích mọi người tắm trước khi vào bể bơi công cộng để giảm nồng độ chất hữu cơ hòa tan, từ đó giảm lượng DBPs.
Vì sau khi bể bơi được khử trùng, chất hữu cơ xâm nhập vào, bể bơi lại được khử trùng lại. Quá trình này tiếp diễn chính là lý do biến bể bơi thành lò phản ứng phụ phẩm kháng khuẩn.
Plewa cùng với nhóm các nhà khoa học đã giành được phần thưởng của Cục Khoa học và Công nghệ Bảo vệ Môi trường Mỹ cho nghiên cứu “Sự xuất hiện, khả năng gây hại cho gen và gây ung thư của các DBPs cũ và mới trong nước uống: tổng quan và lộ trình nghiên cứu”. Công trình đã được đăng trên tạp chí khoa học Mutation Research (Nghiên cứu đột biến)
(Theo Water&Wastewater, Thiennhien.net)