Tin môi trường - Cổng thông tin về môi trường Việt Nam

Tin Môi Trường- Tin nhanh về môi trường Việt Nam
Hotline: 091.5203050 - 091.5203070
Email: tinmoitruong@tinmoitruong.com
Website: tinmoitruong.com.vn

“Triết lý”... mài dao

(11:41:35 AM 06/07/2014)
(Tin Môi Trường) - Người ta sẽ thật sự hạnh phúc và yêu nghề nghiệp của mình hơn một khi họ tìm thấy sự công bằng giữa công sức đã bỏ ra và cái kết quả thu được từ công việc của mình …

Muốn kiếm được tiền cũng phải có chuyên môn, dụng cụ...

 

Khắp hang cùng ngõ hẻm của thành phố, trong ngày hoặc cả lúc về khuya bất chợt người ta có thể nghe tiếng rao hàng. Có tiếng rao khàn đục, tiếng trong trẻo, tiếng nghe buồn buồn. Cái giai điệu bình dị thân quen và da diết này đã từng thu hút một nhạc sỹ nổi tiếng cất công thu âm làm đề tài cho công trình nghiên cứu âm nhạc tâm huyết của mình. Những tiếng rao hàng đặc trưng trầm bổng đó chính là một bàn nhạc đời giao hòa với vô vàn âm thanh của cuộc sống. Nó thật đẹp thật tự nhiên và đầy mộc mạc bởi thoát thai từ những buồn vui trong cuộc mưu sinh được truyền giữ đã bao đời…    

  

Như nhiều đứa trẻ khác, từ nhỏ tôi đã rất thích và ngóng chờ tiếng rao để được ăn xôi ăn chè của mấy gánh hàng rong mỗi khi ngang qua hẻm. Ngày trước gần như không có hoặc rất ít khi tôi nghe được âm thanh của người đàn ông đi mua đi bán mà rao hàng. Rồi dần lớn lên tôi lại nghe thấy ngày càng nhiều tiếng rao hàng của nhiều người đàn ông với nhiều độ tuổi. Đàn ông mà rao hàng dù bất kỳ loại hàng hóa nào tiếng rao nghe cũng lạ. Đàn ông rao nghe có gì đó tếu tếu, bất cần nhưng nếu nghe cho kỹ thì cái âm hưởng đó có chút gì đó như là sự an lòng sự chấp nhận cái công việc mà mình đang làm…

 

...Cần mẫn, chắt chiu từng  mũi dao lướt trên phiến đá

   

Ông mài dao mà tôi gặp là người có tiếng rao như vậy. Nhìn ông cần mẫn, chắt chiu từng  mũi dao lướt trên phiến đá, lướt qua lướt lại rồi dùng chính da ở ngón tay cái của mình cứa vào dao để kiểm tra độ bén. Nhìn những vạch hằn chi chít lâu ngày chai sạn. thâm đen ở ngón tay ông thợ, tuy không rỉ máu nhưng tôi hiểu công việc này là không hề đơn giản. Công việc bề ngoài có vẻ đơn sơ nhưng nếu nhìn cho kỹ thì nghề này cũng khó như bao nghề khác. Muốn kiếm được tiền cũng phải có chuyên môn, dụng cụ... Rồi cũng phải di chuyển, tìm kiếm và thực hiện hợp đồng theo đúng thỏa thuận với khách hàng mới mong thu được chút tiền hầu bù đắp cho công sức đã đầu tư... 

   

Sau một hồi mài giũa cùng vài lần cứa vào ngón cái rồi hài lòng với lưỡi dao đã bén ngọt. Ngừng tay, ông mài dao nói với tôi rằng: “Coi vậy chứ nghề này có hậu và công bằng lắm đó!"...Nghe ông nói hơi lạ, tôi hỏi lại: “Nghề ít vốn, công sức do mình bỏ ra được nhận lại tiền là có hậu, vậy thì tôi hiểu nhưng sao thì được gọi là công bằng?” Nghe tôi nói vậy ông cười ha hả chỉ cái bàn mài dao rồi tiếp: “Công bằng lắm chứ!… Lúc không có khách thì nó cưỡi tui còn khi có khách thì tui cưỡi nó…haha...”

 

À, thì ra cái bàn thấp để làm điểm tựa khi thao tác của ông, chuyên môn gọi là “con ngựa”. Thật thú vị và có yêu nghề lắm ông mới ví von được là cả hai cùng cưỡi qua và cưỡi lại, như thế mới đúng là công bằng.    

  

Rồi cũng từ câu nói của ông cứ mãi ám ảnh tôi, khiến tôi thường suy tư về cái “triết lý” theo kiểu của ông...Từ đó mỗi khi đi đâu, nhìn ai làm công việc gì tôi cũng tìm xem trong công việc của họ có chỗ nào là sự công bằng của nghề nghiệp...

 

Có những công việc tôi thường tìm thấy và cũng có những công việc thật sự là chưa. Nhưng dù có thấy hay chưa chỉ có một điều mà tôi dám chắc là: Người ta sẽ thật sự hạnh phúc và yêu nghề nghiệp của mình hơn một khi họ tìm thấy sự công bằng giữa công sức đã bỏ ra và cái kết quả thu được từ công việc của mình …

HOÀNG DŨNG HÙNG