Tin môi trường - Cổng thông tin về môi trường Việt Nam

Tin Môi Trường- Tin nhanh về môi trường Việt Nam
Hotline: 091.5203050 - 091.5203070
Email: tinmoitruong@tinmoitruong.com
Website: tinmoitruong.com.vn

Nước tinh khiết không bằng nước máy đun sôi

(17:59:51 PM 18/06/2011)
(Tin Môi Trường) - "Nước tinh khiết trên thị trường nếu đáp ứng đủ các tiêu chuẩn, thì chỉ đảm bảo vệ sinh chứ không tốt cho sức khỏe, đặc biệt về lâu dài", bà Phạm Kim Thanh, Phó Viện trưởng Viện Dinh dưỡng Quốc gia, nhận định.

Thanh tra niêm phong nước đóng bình tại một cơ sở vi phạm. Ảnh: Thiên Chương.
"Nước tinh khiết trên thị trường nếu đáp ứng đủ các tiêu chuẩn, thì chỉ đảm bảo vệ sinh chứ không tốt cho sức khỏe, đặc biệt về lâu dài", bà Phạm Kim Thanh, Phó Viện trưởng Viện Dinh dưỡng Quốc gia, nhận định.

 

Thông tin được bà Thanh đưa ra trong hội thảo Nước uống đóng chai và vấn đề sức khỏe người tiêu dùng vào sáng nay, tại Hà Nội.

 

Theo kết quả lấy mẫu một số loại nước đóng bình trên toàn quốc trong tháng 4 vừa qua thì một phần ba số mẫu lấy có vi phạm. Tại TP HCM, trong 43 mẫu có 24 mẫu không đạt chỉ tiêu vi sinh vì nhiễm Coliform hoặc Pseudomonas. Tại Hà Nội, kiểm tra 134 mẫu thì có 14 mẫu có pH cao, năm mẫu nhiễm Coliform.

 

Ông Hồ Tất Thắng, Phó chủ tịch Hội tiêu chuẩn và Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam cũng cho biết, thực trạng vệ sinh an toàn nước đóng chai đang ở mức báo động.

 

"Cả nước hiện có hàng ngàn cơ sở sản xuất nước đóng chai. Có những cơ sở còn hút nước giếng khoan, lọc qua than hay sỏi, rồi chiếu tia cực tím là đã thành nước tình khiết thì làm sao đảm bảo được chất lượng nước", ông nói.

 

Theo ông Thắng, một trong những nguyên nhân của thực trạng trên là do từ trước đến nay các doanh nghiệp vẫn được trao quyền tự đi lấy mẫu nước, đưa đi kiểm nghiệm, lấy kết quả rồi tự làm hồ sơ, khai báo là được sản xuất.

 

"Tuy nhiên ai dám đảm bảo rằng cơ sở sản xuất không lấy mẫu nước của nơi khác chỉ để đảm bảo chất lượng với cơ quan quản lý, còn thực chất như thế nào thì ai biết", ông nhấn mạnh.

 

Thừa nhận vấn đề kiểm soát chất lượng kém hiệu quả, ông Lâm Quốc Hùng, đại diện Cục An toàn Vệ sinh Thực phẩm, cho rằng tình trạng đó là do số lượng cơ sơ sản xuất nướng đóng bình thì lớn nhưng hệ thống thanh tra chuyên ngành chỉ mới được hình thành, thiếu nguồn nhân lực, do vậy công tác hậu kiểm chưa thường xuyên và chưa có hiệu quả thực sự.

 

Bà Phạm Kim Thanh, Phó Viện trưởng Viện Dinh dưỡng Quốc gia, cũng cho biết, những mẫu nước không đảm bảo tiêu chuẩn gây ảnh hưởng trực tiếp đến người tiêu dùng. Chẳng hạn, trực khuẩn Coliform (gây các bệnh tiêu chảy, viêm đường ruột nguy hiểm), còn Pseudomonas là loại vi trùng cực kỳ nguy hiểm, có khả năng kháng thuốc cao, dễ làm nhiễm trùng đường ruột, hoặc tấn công các vết thương gây nhiễm trùng máu...

 

Một điều đáng lo ngại nữa, theo bà Thanh, là các loại vòi nước nhựa đang được sử dụng có bộ phận join chặn nước được sản xuất bằng nhựa PVC hóa dẻo, trong khi ở nước ngoài, nhựa PVC hóa dẻo bị cấm vì có liên quan đến bệnh ung thư và gan.

 

Vì thế, theo bà, trước khi có sự quản lý chặt chẽ hơn từ phía các cơ quan chức năng, để đáp ứng nhu cầu nước hằng ngày, người dân nên sử dụng nước máy đun sôi thì tốt hơn nước tinh khiết.

 

Nước máy có chứa một số thành phần dinh dưỡng cơ bản cho con người. Chỉ cần đun sôi, để nguội uống là đã diệt được vi khuẩn. Còn nước tinh khiết không có vi khuẩn nhưng cũng không có những thành phần dinh dưỡng cần thiết.

 

Vì thế, nếu quá lạm dụng nước tinh khiết, cơ thể sẽ thiếu một số thành phần dinh dưỡng cần thiết. Hơn nữa, những loại nước được gọi là tinh khiết do các cơ sở nhỏ lẻ sản xuất thì yếu tố vệ sinh thường không đảm bảo.

 

"Nếu là nước tinh khiết đúng nghĩa phải là nước không dẫn điện, không dẫn nhiệt, không mùi, không mùi vị, trong suốt. Còn nước được gọi là tinh khiết đang có bán nhiều trên thị trường là nước được lọc nhiều lần, chỉ đảm bảo về mặt vệ sinh, chứ không tốt cho sức khỏe", bà Thanh nói.

 

Bên cạnh nước tinh khiết, các chuyên gia nhận định ngay cả một số loại nước khoáng trên thị trường hiện nay cũng chưa chắc đã tốt cho cơ thể.

 

Theo quy định, những loại nước khoáng có hàm lượng khoáng dưới 1.000 mg/lít thì được dùng như nước giải khát. Còn nếu hơn 1.000 mg/lít thì là nước khoáng chữa bệnh. Tuy nhiên, loại nước này sẽ nguy hiểm cho người bị bệnh thận, sỏi túi mật. Ngay người bình thường cũng không nên uống quá 500 ml mỗi ngày, bà Phạm Kim Thanh, cho biết.

 

Thế nhưng hiện nay nhiều loại nước khoáng phổ biến trên thị trường có hàm lượng chất khoáng trên 1.500 mg/lít (thậm chí 2.000-3.000 mg/lít), nhưng lại không hề có ghi hướng dẫn sử dụng người bình thường dùng bao nhiêu ml/ngày, chỉ định, chống chỉ định cho những ai...

 

Vì thế, khi cho trẻ dùng cha mẹ nên lưu ý tuyệt đối không cho trẻ uống nước khoáng khi trẻ bị mất nước vì nước này có những khoáng chất mà thận của trẻ không xử lý được. Uống nước khoáng trong thời gian dài thận sẽ bị ảnh hưởng.

 

Hơn nữa trẻ có nhu cầu cần nhiều khoáng chất, vitamin, do vậy nếu chỉ uống một loại nước khoáng thì sẽ thiếu các chất khác, cản trở sự phát triển của trẻ. Đặc biệt không lấy nước khoáng để pha sữa vì có nguy cơ tạo ra một số chất trung gian gây nguy hiểm.

 

Ngoài ra cũng theo bà Thanh, nhiều loại đồ uống giải khát khác như nước ngọt, sữa đậu nành đóng chai hiện nay cũng đang được làm ra trong các nhà xưởng tối tăm, chật hẹp, không hề tuân theo quy định vệ sinh an toàn. "Bí quyết sản xuất cực kỳ đơn giản: Nước + phẩm màu + đường = nước cam, chanh...", bà Thanh nói.

 

(Theo VnExpress)