Tin Môi Trường- Tin nhanh về môi trường Việt Nam
Hotline: 091.5203050 - 091.5203070
Email: tinmoitruong@tinmoitruong.com
Website: tinmoitruong.com.vn
Sông Mê Kông là nguồn nước cho sự sống của hàng chục triệu cư dân trong lưu vực, có đa dạng sinh học vào loại thứ hai trên thế giới, hiện đã có hơn 700 loại cá đã được định danh, trong đó có nhiều loại cá quý hiếm thuộc loại da trơn. Trong kế hoạch xây dựng 12 đập thủy điện ở hạ lưu vực sông Mê Kông thì 10 đập chắn ngang toàn bộ dòng sông, trừ Don Sahong xây dựng trên dòng nhánh chính và Thako là một dự án chuyển dòng.
Nhiều nhà khoa học phản đối
Hồi tháng 9-2013, Lào tuyên bố sẽ xây đập thủy điện Don Sahong. Theo phía Lào, vì đập nằm trên dòng nhánh sông Mê Kông nên chỉ thông báo cho Ủy hội sông Mê Kông (MRC) mà không cần thực hiện thủ tục tham vấn trước. Hai nước Campuchia, Việt Nam cùng nhiều hiệp hội, tổ chức phi chính phủ của Thái Lan và nhiều nhà khoa học trên thế giới đã phản đối vì tác động lớn đến môi trường.
Sơ đồ chỉ vị trí đập thủy điện Don Sahong đang được phía Lào triển khai xây dựng Ảnh: STIMSON
Theo thông tin mới nhất từ Tổ chức Sông ngòi quốc tế, hoạt động xây dựng công trình đập Don Sahong vẫn đang được tiến hành bất chấp sự phản đối từ chính phủ các nước hạ lưu và yêu cầu phải tiến hành tham vấn khu vực. Các tài liệu trước đây đã thể hiện rằng dự án thủy điện Don Sahong thực ra là một công trình nằm trên dòng chính sông Mê Kông (chứ không phải nhánh). Vì vậy, theo Hiệp định Mê Kông 1995, dự án này bắt buộc phải tuân thủ quy trình thông báo, tham vấn và thỏa thuận trước (PNPCA) với các quốc gia MRC. Tuy nhiên, các viên chức phía Lào liên tiếp cho rằng con đập này không nằm trên dòng chính của sông Mê Kông và muốn bỏ qua quy trình PNPCA. Theo quy định tại Hiệp định Mê Kông 1995, khi một dự án chưa qua thủ tục PNPCA bắt buộc thì không được phép triển khai. Thế nhưng, Lào đã đơn phương triển khai công trình này bất chấp sự phản đối.
Tác hại khôn lường
Theo tài liệu đánh giá môi trường chiến lược (SEA) của thủy điện dòng chính Mê Kông do Trung tâm Quốc tế quản lý môi trường (ICEM) thực hiện vào tháng 10-2010, nếu xây dựng 12 đập thủy điện, ngoài nguồn lợi lớn về điện và một phần cải thiện giao thông thủy cho những tàu lớn đi lại ở phía thượng lưu, sẽ tác động xấu đến môi trường kinh tế - xã hội, làm tổn thất về thủy sản ở hạ lưu vực Mê Kông khoảng 476 triệu USD/năm (chưa tính tác động đến thủy sản ở đồng bằng và ven biển), 54% đất trồng trọt ven sông Mê Kông bị mất, phá vỡ sự cân bằng động lực hiện tại của dòng sông, lượng phù sa bị chặn lại khoảng 75%, giảm 12%-27% năng suất sinh học sơ cấp của các hệ sinh thái thủy sinh, lượng protein bị rủi ro mất hằng năm khoảng 110% của tổng sản lượng gia súc hằng năm hiện tại của Campuchia và Lào cộng lại, mất tài nguyên du lịch có giá trị, mất đa dạng sinh học…
PGS-TS Lê Anh Tuấn, Viện Nghiên cứu biến đổi khí hậu ĐBSCL (Trường ĐH Cần Thơ), đánh giá: “Thủy điện Don Sahong được đặt ngay đường di chuyển chủ yếu của các loại cá di cư trên sông Mê Kông từ phía Campuchia đến vùng hạ Lào và là nơi có nhiều khu bảo tồn các giống cá đang trong tình trạng nguy cấp, cần phải bảo vệ nghiêm ngặt, ví dụ loài cá heo nước ngọt Irrawaddy hay là loài cá da trơn khổng lồ Pangasianodon gigas. Rất nhiều loài cá phải vượt qua các đoạn dòng ở Don Sahong để đẻ trứng vào mùa sinh sản rồi cá con theo dòng chảy để về hạ lưu của Campuchia và Việt Nam. Dự án thủy điện này có nguy cơ cắt đường cá đi hoặc làm thay đổi nhịp dòng chảy trên hệ thống sông”.
Cũng theo PGS-TS Lê Anh Tuấn, qua các cuộc họp với MRC, phía Việt Nam đã yêu cầu phía Lào hoãn việc xây dựng các đập thủy điện trên dòng chính, trong đó có Xayaburi và Don Sahong ít nhất 10 năm để đánh giá đầy đủ các tác động mọi mặt của dự án lên toàn bộ hệ thống. Chính phủ Việt Nam cũng đã bỏ ra 5 triệu USD để thuê tư vấn quốc tế đánh giá các tác động này lên vùng ĐBSCL. Dự kiến đến cuối năm nay mới có báo cáo sơ bộ về các tác động này.
Cần tiếp tục thảo luận
Trước sức ép nói trên, cách đây vài ngày, phía Lào tuyên bố chấp nhận đưa dự án ra thực hiện thủ tục tham vấn trước với các nước trong khu vực. Tuyên bố này có thể hiểu là thắng lợi bước đầu của các bên phản biện vì mục đích sinh kế của môi trường hạ lưu vực.
Tuy nhiên, giới thạo tin cho rằng Lào chỉ tuyên bố hoãn 6 tháng, là động thái “câu giờ” vì các lý do: Thứ nhất, thủy điện Xayaburi - công trình đầu tiên trên dòng chính ở hạ lưu vực Mê Kông - dù bị phản đối quyết liệt nhưng Lào vẫn tiến hành xây dựng. Don Sahong có thể là “bản sao” về cách làm của Xayaburi. Thứ hai, đang trong thời điểm mùa mưa, Lào có muốn cũng không thể thi công ngoài hiện trường. Thứ ba, Don Sahong là công trình trên dòng nhánh, Lào sẽ dễ vin vào lý do trong Hiệp định Mê Kông 1995: Chỉ cần thông báo, không cần thỏa thuận trước và các nước không có quyền phủ quyết. Thứ tư, thái độ của ông Hans Guttman, Giám đốc điều hành của MRC, theo báo Bangkok Post (Thái Lan) là “không khuyến cáo Lào tạm hoãn hay dừng dự án Don Sahong trong giai đoạn này” (!).
Lào rất sốt sắng với việc xây dựng 12 đập thủy điện trên sông Mê Kông vì mang lại những lợi ích về doanh thu/đầu tư và nguồn điện đáng kể. Theo ước tính, họ có thể nhận được hơn 70% tổng lợi ích liên quan đến hệ thống dự án nói trên.
Trong khi đó, cơ chế hợp tác trong Hiệp định Mê Kông 1995 còn nhiều hạn chế vì tính ràng buộc pháp lý chưa được chặt chẽ. Việt Nam và Campuchia ở hạ lưu cần đấu tranh mạnh mẽ, tiếp tục thảo luận để trong tương lai có cơ chế hợp tác chặt chẽ hơn.
Đập thủy điện Don Sahong thuộc khu vực Siphandone, tỉnh Chapasak, gần thác Khone hùng vĩ, cách biên giới Campuchia 2 km; được thiết kế dạng bê-tông đầm lăn, cao 10,6 m, dài 720 m, cột nước 17 m, lưu lượng thiết kế 2.400 m3/giây, công suất thiết kế 260 MW, công suất hằng năm 2.375 MW.