Tin Môi Trường- Tin nhanh về môi trường Việt Nam
Hotline: 091.5203050 - 091.5203070
Email: tinmoitruong@tinmoitruong.com
Website: tinmoitruong.com.vn
Là một trong những nhà khoa học đầu tiên có tiếng nói về vấn đề này, ông Nguyễn Anh Quốc, cán bộ bảo tồn của WWF-Việt Nam gần đây đã thực hiện một nghiên cứu về việc sử dụng bẫy để đánh bắt thú rừng và sử dụng sản phẩm săn bắt của một cộng đồng người dân tộc thiểu số ở Việt Nam.
Nghiên cứu này đã được đăng tải trên tờ Cambridge Journals Online và được đánh giá là “Một đóng góp lớn cho nỗ lực bảo tồn sự đa dạng sinh học trong cảnh quan Trung Trường Sơn được thực hiện bởi Chi cục Kiểm lâm các tỉnh miền Trung Việt Nam và WWF, của hai chính phủ Việt Nam và Lào”.
Giải cứu cá thể chồn
Dưới đây là cuộc trò chuyện với ông Nguyễn Anh Quốc, đồng tác giả của nghiên cứu “Các yếu tố kinh tế, văn hóa, xã hội ảnh hưởng đến vấn đề săn bắt động vật hoang dã trong cộng đồng người Cơ-tu tại Việt Nam”.
-Theo Ngân hàng Thế giới, hiện tại có khoảng 25 triệu người Việt Nam sống dựa vào các động thực vật hoang dã từ rừng. Vậy đâu là nguyên nhân khiến anh quan tâm đến vấn đề này và xin nói rõ hơn mục đích, quy mô của đề tài nghiên cứu này?
Nguyễn Anh Quốc: Chúng ta biết rằng, có một bộ phận không nhỏ người dân Việt Nam sống dựa vào các sản phẩm từ rừng, trong đó có việc đặt bẫy để bắt các loài động vật hoang dã. Với sức ép của việc tăng dân số cùng với tình hình buôn bán động vật hoang dã trái phép, việc khai thác rừng và các sản phẩm từ rừng (trong đó có việc săn bắt thú rừng) diễn biến ngày càng phức tạp… đặt ra nhiều vấn đề đáng quan tâm. Ở góc độ quản lý nhà nước, đến nay đã có Luật Bảo vệ và Phát triển rừng sửa đổi vào năm 2004. Nghị định số 32/2006/NĐ-CP của Chính phủ về quản lý thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm. Quyết định số 186/2006/QĐ-TTg ngày 14/8/2006 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành Quy chế quản lý rừng.
Trong những năm gần đây, mặc dù Nhà nước và cộng đồng quốc tế đã có nhiều nỗ lực để kiểm soát tình trạng săn bắt trái phép các loài động vật hoang dã, nhưng các loại bẫy từ đơn giản cho đến phức tạp vẫn tồn tại ở nhiều nơi và được coi là một trong những nguy cơ chính dẫn đến việc suy giảm quần thể thú rừng. Nhiều loài thú quý hiếm đối diện với nguy cơ tuyệt chủng cao, trong đó có Sao la - loài thú chỉ được tìm thấy ở miền Trung Việt Nam và vùng Nam Lào. WWF hiện đang tiến hành dự án Dự trữ Cacbon và bảo tồn đa dạng sinh học (CarBi), trong đó có hợp phần về tăng cường năng lực thực thi pháp luật ở các khu bảo tồn. Trong khuôn khổ dự án, đã có hơn 30.000 bẫy các loại được tháo gỡ tại 2 Khu bảo tồn Sao la Quảng Nam và TT-Huế từ giữa năm 2011 đến nay.
Thực tế trên cho thấy, các cơ chế, chính sách hiện hành để hỗ trợ người dân cải thiện sinh kế, nâng cao nhận thức bảo vệ rừng và bảo vệ động vật hoang dã vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu thực tại. Trong khi đó, vấn đề bảo vệ sự sinh tồn của các loài động vật hoang dã, nhất là các loài nguy cấp ngày càng cấp thiết. Để hiểu rõ mục đích, động cơ và các khía cạnh liên quan đến hoạt động săn bắt (như yếu tố về văn hóa, xã hội…) của cộng đồng dân cư sinh sống quanh các khu rừng tự nhiên, đồng thời đề xuất giải pháp phù hợp, bền vững để bảo tồn các loài động vật hoang dã, nguy cấp, nhóm dự án chúng tôi đã vào cuộc nghiên cứu đề tài này. Đây là nghiên cứu lần đầu được thực hiện ở Việt Nam với sự hỗ trợ kỹ thuật của WWF-Việt Nam, trường Đại học Kent và trường Đại học Cambridge, Vương quốc Anh, và sự hỗ trợ tài chính của quỹ Sáng Kiến Darwin (Darwin Initiative) thông qua dự án bảo tồn thú móng guốc ở dãy Trường Sơn.
- Anh có thể miêu tả chi tiết hơn về địa điểm, phương pháp cũng như quá trình thực hiện nghiên cứu này?
Nguyễn Anh Quốc: Nghiên cứu được thực hiện tại hiện trường từ tháng 5 đến tháng 7/2011, chúng tôi tập trung vào hai thôn bản của đồng bào dân tộc thiểu số Cơ-tu, những người ở sống gần ranh giới của khu bảo tồn Sao la mới được thành lập.
Chúng tôi đã thực hiện rất nhiều các cuộc phỏng vấn, bao gồm cả phỏng vấn chính thức và không chính thức với kiểm lâm địa phương, cán bộ lâm nghiệp, các già làng, trưởng bản và cả với những người đã và đang là thợ săn, thợ đặt bẫy.
Ở ARéc (thuộc xã A Vương, huyện Tây Giang) và Bhơhôồng (thuộc xã Sông Kôn, huyện Đông Giang), việc người dân đặt bẫy thú rừng còn khá phổ biến. Tuy vậy, đây là vấn đề nhạy cảm vì có liên quan đến pháp luật. Chúng tôi đã phải thực hiện nhiều phương pháp tiếp cận khác nhau để có được thông tin về các hành vi săn bắt, đặt bẫy bất hợp pháp. Trước khi bắt đầu phỏng vấn, chúng tôi đã dành thời gian sống và làm quen với người dân trong làng, tham gia các sự kiện cũng như các sinh hoạt hàng ngày của họ, kể cả việc đi vào rừng đặt bẫy. Điều này đã cho phép chúng tôi xây dựng lòng tin với cộng đồng địa phương, từ đó có cơ hội tìm hiểu cuộc sống hàng ngày của thợ đánh bẫy.
Chúng tôi cũng đã tiến hành xác minh độ chính xác của thông tin bằng các cuộc phỏng vấn chéo giữa cán bộ kiểm lâm địa phương, gia đình thợ săn và các cán bộ dự án đang nghiên cứu thực tế trong làng.
-Vậy theo anh, nguyên nhân chính của hiện trạng đặt bẫy ở nước ta là gì?
Nguyễn Anh Quốc: Qua thời gian nghiên cứu, chúng tôi nhận thấy có 2 nguyên nhân chính dẫn tới tình trạng đặt bẫy ở nước ta.
Đầu tiên, phải nói ngay rằng vì sinh kế mà người dân phải đi bẫy thú, trong đó có mục đích bảo vệ mùa màng. Bên cạnh đó, do nhu cầu tiêu thụ động vật hoang dã trong xã hội ta còn khá cao, hoạt động săn bắt ngày càng được thương mại hóa với sự hỗ trợ tối đa của hệ thống thông tin liên lạc (mạng lưới điện thoại di động).
Nguyên nhân thứ hai xuất phát từ tập tục, thói quen lâu đời của người dân. Nhiều người dân địa phương còn thích đi bẫy bắt thú rừng hơn làm những công việc khác và họ xem đây là nghề truyền thống của cộng đồng. Người săn bắn giỏi còn được cộng đồng nể trọng do thú bẫy bắt được họ đem chia cho những người khác trong làng. Rõ ràng, nhận thức của cộng đồng về pháp luật bảo vệ động vật hoang dã còn thấp.
Ngoài ra, có một số nguyên nhân khách quan khác của việc đặt bẫy, bắt thú rừng bất hợp pháp là do kinh phí và nhân lực cho hoạt động thực thi pháp luật, tuyên truyền vận động người dân chấp hành pháp luật bảo vệ động vật hoang dã chưa được đầu tư thỏa đáng.
-Theo như anh nói, để tránh tình trạng đặt bẫy, trước hết phải cải thiện đời sống của bà con sống quanh rừng, vì người dân chưa thể nghĩ đến việc bảo vệ tài nguyên thiên nhiên khi bụng vẫn còn đói. Vậy đâu là giải pháp?
Nguyễn Anh Quốc: Như đã trao đổi, chúng ta cần triển khai liên hoàn một giải pháp tổng thể, từ tăng cường bảo vệ rừng, nâng cao nhận thức và ý thức bảo vệ động vật hoang dã cho người dân. Chúng ta cần triển khai các hoạt động hỗ trợ sinh kế cho đồng bào các dân tộc thiểu số sinh sống ở vùng đệm của các khu bảo tồn, bao gồm việc giao rừng tự nhiên cho cộng đồng quản lý và có cơ chế hưởng lợi rõ ràng, áp dụng hành lang pháp lý cụ thể, phù hợp để cộng đồng bảo vệ được rừng. Đồng thời, cần hỗ trợ phát triển lâm sản ngoài gỗ trồng dưới tán rừng, triển khai đồng bộ chương trình chi trả dịch vụ môi trường rừng (PFES)… để người dân có được thu nhập ổn định từ rừng.
-Đối với thực trạng tiêu thụ động vật hoang dã còn rất lớn trong đời sống sinh hoạt hàng ngày, anh đưa ra phương pháp nào để giải quyết?
Nguyễn Anh Quốc: Chúng tôi đề nghị tăng cường công tác thực thi pháp luật ngay tại cửa rừng, tại các mắt xích trung gian như điểm thu mua, nơi tập kết. Quá trình xử lý cần có sự tham gia và cơ chế phối hợp rõ ràng của các ban ngành liên quan. Đồng thời, cần bổ sung tăng khung hình phạt cũng như xử phạt nghiêm minh đối với những người tiêu thụ, sử dụng trái phép động vật hoang dã.
-Tình trạng một số bộ phận dân chúng vẫn coi việc bẫy thú, đi rừng là một nghề mưu sinh và “cha truyền con nối”, trong khi ranh giới giữa khu vực có thể săn bắn và cấm săn bắn chưa phân định rạch ròi. Có cách nào để giải quyết triệt để vấn đề này?
Nguyễn Anh Quốc: Để thay đổi tập quán, suy nghĩ của đồng bào không hề đơn giản và không thể thành công một sớm một chiều. Tuy nhiên, chúng ta không còn cách nào ngoài việc tăng cường tuyên truyền vận động, nâng cao nhận thức của cộng đồng về bảo vệ động vật hoang dã, đồng thời tạo điều kiện để người dân địa phương có việc làm khác (thông qua dạy nghề, giới thiệu việc làm,…). Một đề xuất nữa là sớm phân định khu vực có thể săn bắt và cấm săn bắt thông qua các cơ chế đồng quản lý tài nguyên rừng với việc hưởng lợi từ lâm sản một cách cụ thể, rõ ràng. Từ đó, cho phép săn bắt ở một số khu vực và quanh nương rẫy của người dân, vừa đảm bảo cải thiện sinh kế mà vẫn giữ được văn hóa, tập quán truyền thống và sở thích săn bắn của đồng bào. Hiện nay, Nhà nước đã cho xây dựng thí điểm cơ chế chia sẻ lợi ích tại vườn quốc gia Bạch Mã (TT-Huế) và khu bảo tồn Xuân Thủy (Nam Định). Do vậy, sau khi nghiên cứu, chỉnh sửa thì việc hợp tác chia sẻ lợi ích là việc có thể hoàn toàn thực hiện được.
-Anh đã bao giờ tham gia vào thực tế đi đặt bẫy/hay gỡ bẫy trong rừng? Có những loại bẫy nào và tỉ lệ thú rừng bị sát thương nếu dính bẫy là bao nhiêu phần trăm, thú rừng có cơ hội thoát ra khi đã bị dính bẫy không? Hiện nay các con thú được tháo khỏi bẫy dưới hoạt động của kiểm lâm trong dự án CarBi được xử lý như thế nào?
Nguyễn Anh Quốc: Trong thời gian thực hiện nghiên cứu, đã có một số lần chúng tôi đi với thợ săn vào rừng để kiểm tra bẫy, tuy nhiên không lần nào có thú dính bẫy. Nguyên vật liệu để làm bẫy thường rất rẻ và dễ kiếm, 99% bẫy chủ yếu là loại dây thòng lọng làm từ dây phanh xe đạp, xe máy. Theo các thợ săn, thú rừng khó có cơ hội thoát khi đã bị dính bẫy vì thú càng vẫy vùng thì bẫy càng bị thít chặt lại. Thú thường bị mắc bẫy ở chân nên vẫn sống thêm được vài ngày. Thợ săn khi đi thăm bẫy thường mang theo một cây giáo dài (người Cơ-tu gọi là cái dụi) để đâm chết con thú rồi mang về. Hiện nay, kiểm lâm và các cán bộ bảo vệ rừng của WWF đã và đang tích cực, tăng cường kiểm tra rừng, trong trường hợp gặp thú mắc bẫy sẽ cứu và thả ngay vào rừng.
Thời gian qua, đội ngũ tuần tra bảo vệ rừng đã triển khai kế hoạch thực thi pháp luật trong phạm vi khu bảo tồn, ngoài ra chốt chặn tại các địa điểm có nguy cơ cao nên nhiều loài động vật đã được giải cứu kịp thời khi bị mắc bẫy.
-Những đề xuất nào sẽ được xây dựng dựa trên kết quả nghiên cứu và WWF chuyển tải thông điệp này đến các nhà hoạt định chính sách bằng cách nào? Người dân sẽ được hưởng lợi ra sao từ những đề xuất này?
Nguyễn Anh Quốc: Chúng tôi tin rằng các phương pháp tiếp cận mới sẽ được áp dụng để bảo vệ sự đa dạng sinh học trong các khu bảo tồn của Việt Nam. Một phương pháp tiếp cận mới mà tôi đã đề cập đến đó là cho phép cộng đồng săn bắt trong vùng đệm của các khu bảo tồn và các khu vực xung quanh nơi người dân canh tác. Điều này về cơ bản có nghĩa là loại bỏ việc săn bắt bất hợp pháp, tuy nhiên vẫn sẽ phải quản lý và giám sát chặt chẽ. Đồng thời chúng ta đẩy mạnh tuyên truyền, đào tạo, nâng cao nhận thức trong nhân dân về các loài động vật đang có nguy cơ tuyệt chủng cần được bảo vệ, tăng cường giám sát bẫy, vận động nhân dân có ý thức cứu những loài đó nếu nó bị mắc bẫy.
Bên cạnh đó, việc áp dụng ranh giới rõ ràng giữa vùng đệm và vùng lõi khu bảo tồn, cũng như việc thực thi pháp luật cũng sẽ được áp dụng. Hiện nay, WWF và Cục Kiểm lâm đang tăng cường thực thi luật pháp để bảo vệ loài Sao la tại Thừa Thiên Huế và Quảng Nam. Mô hình bảo vệ rừng do WWF và Chi cục Kiểm lâm phối hợp quản lý đang làm nhiệm vụ tuần tra, tháo dỡ bẫy, tiêu hủy các lán trại bất hợp pháp, cứu thú rừng ra khỏi bẫy, giám sát sự đa dạng sinh học trong vùng lõi của khu bảo tồn Sao la. Gần đây, WWF và các đối tác địa phương đã hỗ trợ chi trả cho các dịch vụ của hệ sinh thái rừng cũng như tăng cường phát triển sinh kế thay thế cho các cộng đồng sống trong vùng đệm của khu bảo tồn thông qua nhiều dự án phục hồi rừng, phát triển lâm sản ngoài gỗ.
-Hiện nay, WWF có tiến hành hoạt động nào trong số các hoạt động sinh kế không, kết quả ra sao và kế hoạch trong tương lai như thế nào?
Nguyễn Anh Quốc: Hiện nay dự án CarBi của WWF đang triển khai các hoạt động hỗ trợ sinh kế cho người dân sinh sống ở vùng đệm của các khu bảo tồn tại 2 tỉnh TT-Huế và Quảng Nam, bao gồm: giao rừng tự nhiên cho cộng đồng quản lý (3.000ha), hỗ trợ việc trồng và khai thác lâm sản ngoài gỗ (CarBi: 200ha, dự án Mây bền vững: 485ha), giao đất và hỗ trợ trồng rừng và khoanh nuôi tái sinh rừng (3.850ha), hỗ trợ chương trình chi trả dịch vụ môi trường rừng (PFES, trên 30.000ha)… tại Quảng Nam.
- Nghiên cứu của anh có giá trị gì về mặt đa dạng sinh học cho tiểu vùng sông Mekong mở rộng?
Nguyễn Anh Quốc: Nghiên cứu này góp phần vào việc định hướng các giải pháp để bảo tồn sự đa dạng sinh học, cụ thể là bảo tồn các loài động vật hoang dã, nguy cấp ở các khu bảo tồn thiên nhiên hiện đang được WWF và ngành kiểm lâm thực hiện ở vùng Trung Trường Sơn và có thể được áp dụng rộng rãi hơn ở hệ thống các khu bảo vệ ở Việt Nam và nước bạn Lào.
-Trong trường hợp đề tài của anh được chính phủ phê duyệt và áp dụng vào thực tế, anh dự đoán sẽ có bao nhiêu động vật hoang dã thoát khỏi nạn săn bắt?
Nguyễn Anh Quốc: Tôi rất muốn đưa ra một con số nhưng thực sự câu trả lời cho vấn đề này rất khó định lượng. Tuy nhiên nếu chúng ta vẫn phải đợi tính toán, thống kê chi tiết rồi mới quyết định thì các loài động vật hoang dã đã đang phải đối diện với thực tế rất khó khăn sẽ có một tương lai không đảm bảo, nhất là đối với một số loài động vật hoang dã đang ở trong tình trạng nguy cấp, ví dụ như Saola, đang đứng trong bờ vực có thể tuyệt chủng. Chúng ta cần hành động càng sớm càng tốt, tránh những bài học đau thương như loài tê giác Java đã bị tuyệt chủng ở chính Việt Nam bốn năm trước đây.
- Xin chân thành cảm ơn anh.