Tin Môi Trường- Tin nhanh về môi trường Việt Nam
Hotline: 091.5203050 - 091.5203070
Email: tinmoitruong@tinmoitruong.com
Website: tinmoitruong.com.vn
Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp&Phát triển nông thôn Hà Công Tuấn cho biết tại cuộc họp báo chiều 27/6.
Trung Quốc tạm đóng cửa khẩu
Cụ thể, tờ Tiền Phong dẫn lời Thứ trưởng Hà Công Tuấn: “Chúng tôi vừa nhận được thông tin, phía Trung Quốc đang tăng cường giám sát xuất nhập khẩu tiểu ngạch. Thời gian tới, thậm chí một số cửa khẩu có khả năng sẽ dừng một thời gian để họ chấn chỉnh các quy định”.
Theo số liệu thống kê được đưa ra tại cuộc họp báo, xuất khẩu với Trung Quốc ở một số mặt hàng nông sản, thủy sản đang có dấu hiệu giảm sâu. Tiêu biểu như cao su, nửa đầu năm ngoái chiếm 46% kim ngạch xuất khẩu, nhưng 6 tháng đầu năm nay 37%.
Bộ Nông nghiệp Phát triển nông thôn cho biết, đã rà soát lại các thị trường, đồng thời chỉ đạo các đơn vị phối hợp với các bộ ngành, làm việc với các nước để tháo gỡ những vướng mắc về kỹ thuật, vận động các nước để mở cửa thị trường.
Bộ trưởng Cao Đức Phát cho biết, nếu thị trường Trung Quốc “kẹt”, một số mặt hàng sẽ tiếp tục khó khăn là cao su, thanh long, một số loại rau quả và những mặt hàng tươi sống.
"Tuy nhiên, thời gian tới, xuất khẩu nông sản sẽ khả quan do tìm kiếm thêm thị trường mới, trong đó có những nông sản chủ lực như lúa gạo, thủy sản, lâm sản", Bộ trưởng Cao Đức Phát nói.
Việt Nam chủ yếu xuất khẩu nông sản, khoáng sản sang Trung Quốc giá thấp nhập về sản phẩm đã qua chế biến, máy móc thiết bị giá cao
Thông tin tại cuộc họp báo, ông Đoàn Xuân Hòa, Phó Cục trưởng Chế biến nông lâm sản và Thủy sản (Bộ NN&PTNT) cho biết, hiện nhiều nông sản Việt Nam phụ thuộc lớn vào thị trường Trung Quốc. Trong đó, lúa gạo, cao su, thị trường Trung Quốc chiếm khoảng 40% kim ngạch xuất khẩu của ngành hàng, còn thanh long, vải, bột sắn, thị trường này chiếm 80-90%.
Theo ông Hòa, Trung Quốc là thị trường không đòi hỏi cao về chất lượng, nên “ăn hàng” khá mạnh. Với điều kiện nông sản Việt Nam chưa được chế biến sâu, hệ thống bảo quản còn kém, thì đây là thị trường thuận lợi.
Kinh tế không ảnh hưởng quá nặng
Cùng ngày, tại cuộc họp báo về Kinh tế xã hội 6 tháng đầu năm của Tổng cục Thống kê, ông Nguyễn Bích Lâm - Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê khẳng định rằng, nếu quan hệ thương mại bị ngưng trệ thì GDP dự kiến giảm 10 điểm %, nhưng chúng ta không bao giờ ngồi yên mà phải tìm nguồn hàng khác thay thế.
Ông Lâm phân tích, năm 2012 khi GDP của Việt Nam là 156 tỉ đô la Mỹ, Việt Nam xuất khẩu sang Trung Quốc trị giá 12,8 tỉ đô la Mỹ, tức tương đương 12,1% GDP. Cũng năm này, trong tổng giá trị nhập khẩu là 118 tỉ đô la Mỹ, thì 25% là từ Trung Quốc.
Vụ trưởng Vụ Thống kê thương mại và xuất nhập khẩu, bà Lê Thi Minh Thủy cho biết, sau khi Việt Nam gia nhập WTO, tăng trưởng xuất khẩu của Việt Nam sang Trung Quốc lên tới trung bình 23%/năm, cao hơn so với mức trung bình 19%/năm với các thị trường khác.
Thương nhân Trung Quốc vận chuyển hàng hóa từ cửa khẩu vào Việt Nam. Ảnh: China Daily
Trong khi đó, tăng trưởng nhập khẩu từ Trung Quốc tăng tới 26%/năm. Do tăng trưởng nhập khẩu cao hơn xuất khẩu nên thâm hụt thương mại ngày càng tăng, xấp xỉ 24 tỉ đô la Mỹ năm 2013, và 13 tỉ đô la Mỹ trong 6 tháng đầu năm nay.
Trong tỉ trọng nhập khẩu từ Trung Quốc, máy móc và thiết bị chiếm 30-40%, nguyên liệu khoảng 50-60%, và khoảng 10% còn lại là hàng tiêu dùng.
Bà Thủy nhận xét, máy móc, thiết bị của Trung Quốc được sử dụng trong nhiều công trình đầu tư nên không thể giảm được trong thời gian ngắn. Bên cạnh đó, nhóm linh kiện điện tử chiếm tới 70% trong phần nguyên vật liệu, nhưng thành phẩm lại không xuất khẩu sang Trung Quốc được.
“Chúng ta chủ yếu xuất khẩu nông sản và khoáng sản sang Trung Quốc, do đó, việc cải thiện nhập siêu đòi hỏi sự thay đổi mạnh đối với doanh nghiệp trong nước,” bà nhận xét.
Theo Tổng cục Thống kê, trong nửa đầu năm nay, Trung Quốc là thị trường xuất khẩu lớn thứ 4 của Việt Nam sau EU, Hoa Kỳ, ASEAN.
Nửa đầu năm nay, Trung Quốc nhập khẩu từ Việt Nam trị giá 7,4 tỉ đô la Mỹ, tăng 20,8%, trong đó dầu thô tăng 336,2%; gạo tăng 5,5%; phương tiện vận tải và phụ tùng tăng 763,4%; xơ, sợi dệt các loại tăng 52,7%.
Từng nêu quan điểm về việc Trung Quốc sử dụng những biện pháp kinh tế, PGS TS Nguyễn Văn Nam - nguyên Viện trưởng Viện nghiên cứu thương mại cho biết trước mắt là tình huống khó khiến Việt Nam lao đao tuy nhiên về lâu dài sẽ là có lợi cho Việt Nam.
"Điều này sẽ đẩy Việt Nam vào thế phải sống bằng sức của mình. Việt Nam là đất nước không nhỏ với 100 triệu dân, phải làm công nghiệp chế biến, đầu tư nước ngoài phát huy tác dụng để các doanh nghiệp trở thành hạt nhân, phát triển nền công nghiệp, đa dạng hóa thị trường thay vì chỉ làm việc với 1 thị trường dễ móc ngoặc với nhau", PGS TS Nguyễn Văn Nam nói.
Kinh tế Việt Nam chưa thể khởi sắc trong hai năm tới
Là kết quả phân tích về các chỉ số kinh tế của Việt Nam do Ngân hàng HSBC đưa ra. Cụ thể, HSBC cho rằng Việt Nam là một nền kinh tế lấy xuất khẩu làm trọng tâm, xuất khẩu đóng góp đến 77% GDP trong năm 2013 và nhiều khả năng mức đóng góp này trong năm 2014 sẽ tăng lên tới 80%.
Dù lực cầu bên ngoài còn kém, xuất khẩu đã tăng ở mức 2 con số là khá tích cực, và đây là một xu hướng mà HSBC dự đoán sẽ còn tiếp tục trong 2 năm nữa.
Trong tháng 6, xuất khẩu tăng 14,9% tính từ đầu năm, giảm nhẹ so với mức tăng trưởng 15,4% của tháng 5, phản ánh một sự gián đoạn tạm thời. Khi các hoạt động sản xuất được hồi phục và lực cầu bên ngoài tăng lại trong nửa cuối 2014, xuất khẩu sẽ lại tăng nhanh trong các tháng sau.
HSBC dự đoán lĩnh vực sản xuất sẽ tiếp tục tăng nhờ vào đầu tư tăng, các hiệp ước thương mại như Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – Liên minh Châu Âu nhiều khả năng sẽ được gút lại vào cuối 2014 và lực cầu bên ngoài sẽ cải thiện tốt hơn. Sản xuất tiếp tục đóng góp vào tăng trưởng.
Tuy nhiên, HSBC cho rằng trong vòng hai năm tới, các kịch bản kinh tế cho thấy tăng trưởng sẽ không quá cao. Sự trì trệ trong đầu tư công và cải cách ngành ngân hàng cũng như các công ty quốc doanh đã ảnh hưởng đến lòng tin của người tiêu dùng.
Nợ xấu chưa được giải quyết rốt ráo khiến các hộ gia đình và doanh nghiệp tiếp tục thắt chặt chi tiêu. Tính từ đầu năm đến tháng 5, tăng trưởng tín dụng chỉ ở mức 1,3%.