Tin môi trường - Cổng thông tin về môi trường Việt Nam

Tin Môi Trường- Tin nhanh về môi trường Việt Nam
Hotline: 091.5203050 - 091.5203070
Email: tinmoitruong@tinmoitruong.com
Website: tinmoitruong.com.vn

Bộ Y tế ban hành phác đồ điều trị cúm lợn

(17:58:58 PM 18/06/2011)
(Tin Môi Trường) - Bộ Y tế đã thống nhất nâng cấp độ cảnh báo đại dịch lên cấp độ 4 và ban hành phác đồ điều trị cúm lợn. Đến ngày 29/4, Bộ Y tế khẳng định tại Việt Nam chưa ghi nhận trường hợp bệnh nhân cúm lợn A(H1N1) nào.

Bộ Y tế đã thống nhất nâng cấp độ cảnh báo đại dịch lên cấp độ 4 và ban hành phác đồ điều trị cúm lợn. Đến ngày 29/4, Bộ Y tế khẳng định tại Việt Nam chưa ghi nhận trường hợp bệnh nhân cúm lợn A(H1N1) nào. 

 

Sân bay được trang bị thiết bị đo thân nhiệt.

Giám sát chặt 200 người VN trở về từ vùng dịch

 

Cuối giờ chiều 29/4, Bộ Y tế đã họp và công bố phác đồ điều trị cúm lợn A/H1N1. Theo đó, việc chẩn đoán cúm lợn khi người bệnh có những biểu hiện lâm sàng như sốt cao trên 38 độ, viêm long đờm hô hấp, đau họng, ho khan hoặc có đờm. Ngoài ra, có thể có các triệu chứng khác như đau đầu, đau cơ, mệt mỏi, nôn, tiêu chảy. Nhiều trường hợp có biểu hiện viêm phổi nặng, thậm chí suy hô hấp cấp và suy đa tạng.

 

Khi đã được xác định là mắc cúm lợn, bệnh nhân phải được cách ly và thông báo kịp thời cho cơ quan y tế dự phòng, dùng thuốc kháng virus đơn độc hoặc kết hợp càng sớm càng tốt, kể cả các trường hợp nghi ngờ.

 

Cúm lợn vẫn được điều trị bằng Tamiflu và Zanamivir. Phác đồ cũng khẳng định, hiện nay chưa có vắc-xin đặc hiệu với vi rút cúm lợn A (H1N1).

 

TS Nguyễn Văn Kính, Viện trưởng Viện các Bệnh Nhiệt đới&Truyền nhiễm quốc gia cho biết, Viện chưa tiếp nhận bệnh nhân nào mắc cúm lợn nhưng Viện đã thành lập những khu cách ly để sẵn sàng đón nhận bệnh nhân. Viện cũng đã chuẩn bị đầy đủ, phương tiện, kỹ thuật, cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ cho công tác cấp cứu và điều trị người bệnh, kể cả thuốc điều trị cho bệnh nhân. Đồng thời, chỉ đạo và có hướng dẫn khoa truyền nhiễm bệnh viện tuyến tỉnh và tuyến dưới để có thể cảnh giới và phát hiện sớm các trường hợp mắc cúm H1H1...

 

Về việc quản lý hơn 200 người Việt Nam trở về từ vùng có dịch Bộ Y tế cho biết, những người này sẽ được các trung tâm y tế dự phòng nơi họ sinh sống theo dõi chặt tình hình sức khoẻ để có những chẩn đoán điều trị kịp thời cũng như cách ly và khoanh vùng không để lây lan dịch bệnh.

 

Kiểm soát người và hàng hóa đến từ vùng dịch

 

Ngày 29/4, Thủ tướng Chính phủ có công điện yêu cầu các bộ ngành, địa phương chủ động phòng ngừa dịch cúm lợn A (H1N1), bảo vệ sức khỏe nhân dân. Theo đó, Thủ tướng yêu cầu Bộ trưởng Bộ Y tế, Trưởng Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch cúm ở người tiếp tục chỉ đạo việc giám sát tình hình diễn biến của dịch, kịp thời đề ra các phương án xử lý thích hợp để ứng phó hiệu quả với các cấp độ phát triển của dịch. Tăng cường hoạt động của Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống đại dịch cúm ở người ở TƯ và địa phương. 

 

Kiểm tra thân nhiệt tại Sân bay Nội Bài. (Ảnh: Điệp-Minh)

 

Thủ tướng cũng chỉ đạo Bộ Y tế áp dụng các biện pháp cần thiết để kiểm soát người và hàng hóa đến từ các nước đã có dịch để phát hiện dịch ngay tại các cửa khẩu (bao gồm cả việc xem xét, quyết định áp dụng biện pháp khai báo bắt buộc về y tế). Phát hiện sớm những trường hợp mắc bệnh, kịp thời cách ly, khoanh vùng xử lý triệt để, không để dịch lây lan. Chuẩn bị phương án sẵn sàng tiếp nhận và điều trị bệnh nhân khi phát hiện trường hợp lây nhiễm.

 

Bộ Y tế cũng phải phối hợp chặt chẽ với Tổ chức Y tế thế giới nhằm kịp thời cập nhật thông tin chính xác về tình hình dịch để thường xuyên cung cấp cho các cơ quan thông tin đại chúng và toàn thể nhân dân biết rõ về dịch bệnh, biểu hiện bệnh, các đường lây truyền và cách phòng tránh để người dân hiểu đúng và làm theo.

 

Chủ tịch UBND các tỉnh, thành chỉ đạo trực tiếp việc tuyên truyền, phổ biến đến từng người dân về sự nguy hiểm của dịch để người dân chủ động thực hiện các biện pháp phòng tránh; đồng thời không làm người dân hoang mang, lo lắng, ảnh hưởng tới sản xuất, chăn nuôi gia súc, gia cầm và nhu cầu sử dụng thực phẩm thường xuyên của xã hội.

 

Đặc biệt, phân công lãnh đạo và đơn vị thường trực phòng, chống dịch trực 24/24 giờ, nhất là trong những ngày nghỉ Lễ 30/4, và1/s5 để kịp thời thu thập, tiếp nhận thông tin và chỉ đạo triển khai các nhiệm vụ phòng, chống dịch theo yêu cầu.

 

Hà Nội lập đường dây nóng về dịch cúm lợn A(H1N1)

 

Ngày 29/4, ông Lê Anh Tuấn, Giám đốc Sở Y tế Hà Nội, đã cho biết mọi hành khách sau khi xuống máy bay đều phải đo thân nhiệt, thực hiện khai báo vào tờ khai kiểm dịch về tình trạng sức khỏe, đặc biệt là những triệu chứng ho, sốt, đau ngực... và nơi di chuyển đến. Trường hợp nào có thân nhiệt cao hơn 38 độ C hoặc có biểu hiện nghi ngờ mắc bệnh sẽ được đưa vào phòng cách ly tại sân bay.

 

Nhân viên y tế tiếp tục khám, sàng lọc bệnh. Nếu biểu hiện bệnh đặc trưng, người bệnh sẽ được chuyển về Viện Các bệnh truyền nhiễm và Nhiệt đới quốc gia hoặc Bệnh viện Đống Đa, Bắc Thăng Long, Đức Giang (những bệnh viện có khoa Truyền nhiễm của thành phố) để cách ly, theo dõi. 100 giường bệnh, 4-5 xe cơ động của ba bệnh viện trên và của Trung tâm cấp cứu 115 sẽ sẵn sàng vận chuyển, thu dung bệnh nhân.

 

TS Tuấn cho biết thêm, nếu người dân muốn tư vấn thông tin liên quan đến bệnh dịch cúm cũng như cần thông báo khẩn cấp những trường hợp nghi mắc bệnh cúm nguy hiểm có thể gọi trực tiếp đến số điện thoại nóng của Sở Y tế Hà Nội 04.38437022. Đường dây nóng này sẽ có cán bộ y tế trực, giải đáp 24/24h.

 

Trước mắt, Bộ Y tế đã chuẩn bị 1.000 máy thở cấp cứu, 34 bộ xét nghiệm nhanh, hàng trăm nghìn gói thuốc khử trùng tiêu độc môi trường, chỉ đạo các Trung tâm y tế dự phòng cấp tỉnh, thành phố kiểm tra thường xuyên, đề xuất biện pháp ngăn chặn không để dịch cúm lợn A (H1N1) lây lan vào nước ta.

 

(Theo Vietnamnet)