Tin môi trường - Cổng thông tin về môi trường Việt Nam

Tin Môi Trường- Tin nhanh về môi trường Việt Nam
Hotline: 091.5203050 - 091.5203070
Email: tinmoitruong@tinmoitruong.com
Website: tinmoitruong.com.vn

Bất cập trong chính sách bảo tồn tê giác của Nam Phi

(20:50:10 PM 23/06/2014)
(Tin Môi Trường) - Trong bối cảnh nạn săn trộm tê giác tăng nhanh tại Nam Phi trong một vài năm trở lại đây đang đe dọa phá hủy các thành tựu mà các cơ quan bảo tồn đã đạt được trong suốt thế kỷ 20.

Ảnh minh hoạ: IE

 

Việc tiêu thụ sản phẩm động vật hoang dã trong đó có sừng tê giác vẫn tiếp tục tăng ở một số nước châu Á và liệu Việt Nam có phải là quốc gia tiêu thụ chính sản phẩm là sừng tê giác hay không và chính sách quản lý và bảo tồn tê giác ở Nam Phi có ảnh hưởng tới quần thể tê giác ở Nam Phi hay không chúng tôi tiến hành phân tích những mâu thuẫn giữa phát triển và bảo tồn trong vấn đề này.
 
Sừng tê giác và tình hình săn bắn tê giác ở Nam Phi:
 
Hiện nay có 5 loài tê giác trên thế giới nhưng đều ở tình trạng nguy cấp vì săn bắn quá mức và mất đi sinh cảnh sống. Có 3 loài ở châu Á là: tê giác Sumatra (Dicerorhinus sumatrensis), tê giác Java (Rhinoceros sondaicus), và tê giác Ấn Độ (Rhinoceros unicornis). Hai loài phân bố ở châu Phi là: tê giác Đen (Diceros bicornis) và tê giác trắng (Ceratotherium simum). Tất cả đều nằm trong Phụ lục cấm buôn bán của Công Ước CITES từ giữa những năm 70. Theo IUCN (2010) quần thể tê giác Đen ở châu Phi tăng lên con số 4.880 cá thể từ khi đã rơi xuống con số 2.410 năm 1995. Quần thể tê giác Trắng cũng bị tàn sát nhiều nhưng cũng tăng lên con số 20.165 cá thể vào năm 2010.
 
Những thành tích bảo tồn ở Châu Phi đạt được như vây là nhờ sáng kiến của Nam Phi- Đất nước có 40% số lượng tê giác đen và 90% số lượng tê giác Trắng phân bố và chiếm 83% số lượng tê giác châu Phi và 73% số lượng tê giác toàn cầu - đã có sự kết hợp giữa sự khích lệ bảo tồn tư nhân và quản lý, giám sát và thi hành luật mạnh mẽ.  
 
Một nghiên cứu cho rằng hơn 4.000 sừng tê giác Châu Phi đã được bán một cách bất hợp pháp tới châu Á từ tháng 1/2009 tới tháng 9/2012, tổng số vào khoảng 12,6 tấn sừng tê giác có khả năng cung cấp cho thị trường chợ đen. Trước đó đã có khoảng 3,1 tấn sừng được bán bất hợp pháp từ tháng 1/2006 tới tháng 9/2009. Vì sừng tê giác có giá chợ đen cao (khoảng 20.000-30.000 USD/kg) nên những hoạt động buôn bán bất hợp pháp ngày càng tinh vi và trên phạm vi rộng của nhóm tội phạm tham gia vào cả hai quá trình là săn bắn tê giác và buôn bán bất hợp pháp sừng tê giác.
 
Theo Bộ Tài nguyên nước và Môi trường Nam Phi số lượng tê giác trắng bị săn bắn trái phép ngày càng tăng: từ năm 2007 chỉ có 13 vụ, năm 2012 là 668 vụ và  tới năm 2013 đã có 1004 vụ.
 
Số hồ sơ đăng ký săn tê giác trong những năm gần đây (2009-2013) được gửi tới chính quyền Nam Phi là không hề giảm (năm 2009 là 111 hồ sơ và năm 2013 là 109 hồ sơ), tuy nhiên số hồ sơ được gửi từ Việt Nam giảm đi rất nhiều (từ 116 vụ trong năm 2010 xuống còn 2 vụ trong năm 2013). Con số đó nói lên sự ảnh hưởng rất đáng kể từ những chính sách được ban hành về việc không sử dụng sừng tê giác đặc biệt là từ phía Việt Nam.

Bộ trưởng Bộ Tài nguyên nước và Môi trường Nam Phi ghi nhận và đánh giá cao những đóng góp và nỗ lực của Việt Nam trong cuộc chiến chống lại nạn săn trộm tê giác và buôn bán trái phép động vật hoang dã và các sản phẩm từ động vật hoang dã. Qua đó cũng thấy rằng việc săn bắn tê giác và tiêu thụ sừng tê giác không chỉ có Việt Nam mà nhiều nước trên thế giới tham gia vào quá trình này. Theo Richard Ellis (2005) các nước nhập và tiêu thụ sừng tê giác là Trung Quốc, Singapor, Nhật Bản, Hàn Quốc, Malaysia, Bruney và Thái Land.
 
Tuy nhiên cũng phải thấy rằng còn có điều bất cập trong chính sách quả lý ĐVHD nguy cấp của Nam Phi ở chỗ "Vừa cấm sản phẩm của tê giác (hay động vật hoang dã nguy cấp nói chung) vừa cấp giấy phép săn bắn và công nhận giá trị thị trường của chúng". Việc cho phép săn bắn tê giác được thể hiện trong Luật săn bắn từ năm 1968 của Nam Phi. Chi phí cho giấy phép và săn bắn một con tê giác đã trưởng thành là 100.000 USD (Báo Mới 11/12/2012). Chính điều này đã tạo những kẽ hở trong chính sách, dẫn đến những vụ vi phạm ngày càng tăng.

 

Trên thực tế, Chính quyền Nam Phi đã không thể kiểm soát và ngăn chặn được nạn săn bắt, buôn bán trái phép sừng tê giác do không có khả năng phân biệt các sản phẩm săn bắn, buôn bán hợp pháp và bất hợp pháp cũng như nguy cơ giấy phép bị làm giả. Hơn nữa, chính sách cho phép săn bắn tê giác cũng đã góp phần làm tăng nhu cầu sử dụng sản phẩm đó.

 

Chúng ta biết rằng việc buôn bán bất hợp pháp luôn luôn rẻ và đỡ tốn kém hơn vì giá thấp hơn (săn trộm bao giờ cũng rẻ hơn vì không phải đóng một khoản phí lớn để xin cấp giấy phép săn bắn. Đây rõ ràng là sự mâu thuẫn của chủ trương kép và nếu không có sự điểu chỉnh kịp thời thì khó có thể ngăn được sự tuyệt chủng của loài tê giác ở Nam Phi.

 

Qua phân tích thấy rằng: chính sách ở Nam Phi chưa có ảnh hưởng rõ nét tới công tác bảo tồn tê giác. Số giấy phép cấp cho săn bắn không hề giảm hơn mà số vụ săn bắn không được cấp phép lại tăng hơn. Số lượng sừng tê giác được bán ra chợ đen là rất lớn và bất hợp pháp.
 
Kết luận:


Mặc dù, Việt Nam cũng là nước tiêu thụ sản phẩm động vật hoang dã như sừng tê giác nhưng chiếm tỷ lệ nhỏ trên thế giới và trong khu vực. Nhu cầu tiêu thụ sừng tê giác tại Việt Nam đã giảm đáng kể từ năm 2012 do Việt Nam đã có những chính sách điều chỉnh kịp thời và đã ký thỏa thuận hợp tác với Nam Phi trong việc kiểm soát, ngăn chặn hoạt động  buôn bán sừng tê giác.
 
Chính sách quản lý động vật hoang dã của Nam Phi được đánh giá là tích cực song vẫn còn tồn tại mâu thuẫn cần khắc phục như: một mặt cấm săn bắn động vật hoang dã nói chung, mặt khác vẫn cấp phép cho săn bắn thể thao đối với một số nhóm động vật lớn trong đó có tê giác và có định giá giá trị các sản phẩm. Điều này cũng đã tạo điều kiện cho các nhóm tội phạm hoạt động và không làm suy giảm tình trạng buôn bán trái phép sừng tê giác trên thị trường hàng lậu quốc tế.  
 
Một số kiến nghị cho công tác bảo tồn loài tê giác Nam Phi là: Xem xét việc ngừng cấp giấy phép săn bắn trong một vài năm tới để quần thể tê giác được phục hồi khỏi nguy cơ bị đe dọa tuyệt chủng đồng thời tăng cường kiểm soát việc săn bắn tê giác trong các khu bảo tồn; tăng cường thực thi luật pháp quốc gia cũng như quốc tế để ngăn chặn dòng chảy sừng tê giác và một số sản phẩm từ động vật hoang dã khác từ Nam Phi tới các khu vực khác trên thế giới đồng thời phát triển du lịch sinh thái để có thêm kinh phí cho công tác bảo tồn.

Lê Xuân Cảnh - Viện Sinh thái và Tài nguyên sinh vật- Viện HLKHCNVN