Tin môi trường - Cổng thông tin về môi trường Việt Nam

Tin Môi Trường- Tin nhanh về môi trường Việt Nam
Hotline: 091.5203050 - 091.5203070
Email: tinmoitruong@tinmoitruong.com
Website: tinmoitruong.com.vn

Rối bời vì chương trình tiếng Anh

(11:16:33 AM 22/06/2014)
(Tin Môi Trường) - Rất nhiều chương trình tiếng Anh đang được triển khai hiện nay tại các trường học thiếu sự đồng bộ, liên thông nên gây ra rối ren, lãng phí trong giảng dạy và nảy sinh sự bất bình đẳng trong trường học

Ngay khi thông tin Sở Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) TP HCM ngưng triển khai chương trình tiếng Anh Cambridge và thay thế bằng chương trình tiếng Anh tích hợp, hiệu trưởng một trường tiểu học tại quận 3 cho biết nếu có thêm chương trình mới thì đến nay, tại trường giảng dạy đến 5 chương trình tiếng Anh cùng lúc!

 

Quá nhiều

 

Chương trình tiếng Anh tự chọn với thời lượng 2 tiết/tuần đang được triển khai tại hơn 500 trường tiểu học ở TP HCM được ví như chương trình bình dân, phổ cập “xóa mù” tiếng Anh cho học sinh ở mọi địa bàn quận, huyện. Nhưng đến nay, chương trình này hầu như chỉ còn duy trì ở những trường tiểu học thuộc khu vực khó khăn, phụ huynh không có điều kiện, sĩ số có những nơi lên đến 45 học sinh/lớp. Những trường tiểu học “điểm” của quận 1 như Nguyễn Bỉnh Khiêm, Lê Ngọc Hân, Hòa Bình hiện đã không còn lớp tiếng Anh tự chọn.

 

Theo Sở GD-ĐT TP HCM, về lâu dài, sẽ chỉ còn 2 chương trình tiếng Anh cho bậc tiểu học là tiếng Anh tăng cường (TATC) và tiếng Anh theo Đề án Ngoại ngữ quốc gia 2020 (còn gọi là tiếng Anh theo đề án) của Bộ GD-ĐT nhưng trước mắt vẫn cần nhiều chương trình để phụ huynh lựa chọn. Trường Tiểu học Nguyễn Văn Trỗi (quận 4) đang dạy cùng lúc 3 chương trình: TATC, tiếng Anh tự chọn và tiếng Anh theo đề án. Bà Phạm Thúy Hà, hiệu trưởng nhà trường, cho biết hiện chỉ còn khối lớp 4 và 5 còn tiếng Anh tự chọn. Khi tiếng Anh theo đề án triển khai thì ngay khi vào lớp 1, học sinh được lựa chọn 2 chương trình là tiếng Anh đề án và TATC.

 

Năm học 2012-2013, toàn TP HCM có 19.590 học sinh lớp 1 thuộc 142 trường tiểu học học chương trình tiếng Anh theo đề án với thời lượng 4 tiết/tuần. Dù được đánh giá là tốt, Sở GD-ĐT TP liên tục nhắc nhở các trường triển khai nhưng chương trình tiếng Anh theo đề án lại không nhận được sự quan tâm của phụ huynh. Tại Trường Tiểu học Nguyễn Văn Trỗi, trong số 7 lớp tiếng Anh tại trường thì có 4 lớp TATC và chỉ có 3 lớp tiếng Anh theo đề án. Tại Trường Tiểu học Lương Thế Vinh (quận 7), theo ông Hà Thanh Hải, hiệu trưởng nhà trường, số lớp TATC cũng nhiều hơn tiếng Anh theo đề án.

 

Chắp vá, đắp đổi

 

Hiệu trưởng một trường tiểu học tại quận 1 cho biết phụ huynh không thiết tha, trường cũng không muốn tổ chức nhưng tiếng Anh theo đề án buộc phải xem như nhiệm vụ mà các trường phải thực hiện. “Trong khi đó, khi triển khai chương trình này, bộ nói sẽ rót kinh phí để trả lương giáo viên, học sinh được học miễn phí nhưng cho đến nay, dù triển khai được 2 năm nhưng nguồn kinh phí chẳng thấy đâu nên trường đành phải gói ghém các khoản thu, rồi trích ra tự trả lương cho giáo viên. Lương thấp thì dĩ nhiên không thu hút được người dạy và người giỏi để dạy và phải làm theo kiểu chắp vá, đắp đổi. Chẳng thà chỉ một chương trình TATC 8 tiết/tuần, mỗi tháng đóng 50.000 đồng, có giáo viên nước ngoài giảng dạy nhưng lại được phụ huynh rất thích” - hiệu trưởng này bày tỏ.

 

Một lớp tiếng Anh tăng cường tại Trường Tiểu học Nguyễn Bỉnh Khiêm (quận 1, TP HCM) Ảnh: Tấn Thạnh
Một lớp tiếng Anh tăng cường tại Trường Tiểu học Nguyễn Bỉnh Khiêm (quận 1, TP HCM) Ảnh: Tấn Thạnh
 

Dù được ghi nhận có sức hấp dẫn nhưng vì TATC cũng yêu cầu cao về cơ sở vật chất, giáo viên và sĩ số (35 học sinh/lớp) nên hiện nay chương trình này chưa thể phổ cập được hết các trường ở bậc THCS. Vì thế, học sinh nào học TATC ở tiểu học, khi phân tuyến lên THCS, nếu trường đó không dạy TATC thì chỉ còn lựa chọn hoặc là tiếng Anh theo đề án hoặc là tiếng Anh Cambridge. Khi chương trình tiếng Anh Cambridge không tiếp tục triển khai thì những đối tượng học sinh này lại phải đầu tư, theo học một chương trình hoàn toàn mới, nên sẽ thiếu sự liên thông, liền mạch.

 

TS Đặng Văn Hùng, Phó Giám đốc Trung tâm Đào tạo khu vực SEAMEO tại Việt Nam, cho rằng với tư cách là một phụ huynh, ông cũng sẽ rất băn khoăn khi cùng lúc có nhiều chương trình trong trường phổ thông, biết sẽ chọn chương trình nào phù hợp với con của mình! Hiện các tỉnh, thành vẫn được tự do thực hiện các chương trình thử nghiệm giảng dạy tiếng Anh nhưng với việc có nhiều chương trình cùng một lúc thì khó đánh giá hiệu quả. “Bộ, sở và các trường cần có hướng dẫn, thông báo, tổ chức hội thảo, tổ chức diễn đàn để các nhà chuyên môn bày tỏ quan điểm trong cách giảng dạy tiếng Anh; so sánh, đánh giá các chương trình và công bố cho phụ huynh được biết” - TS Hùng nói.

 

Giáo viên thiếu chuẩn, thuê mướn

 

Dù triển khai rất nhiều chương trình tiếng Anh trong các trường học nhưng vấn đề nhức nhối hiện nay là đa số giáo viên tại TP HCM vẫn chưa đạt chuẩn.

 

Theo Đề án Ngoại ngữ quốc gia 2020, giáo viên dạy ngoại ngữ phải có năng lực ngôn ngữ giảng dạy cao hơn trình độ chung của cấp dạy 2 bậc. Trình độ giáo viên dạy tiếng Anh cấp tiểu học, THCS phải đạt tối thiểu cấp độ 4/6 do Hiệp hội Các tổ chức khảo thí ngoại ngữ châu Âu ban hành. Tuy nhiên, trong một kỳ kiểm tra năng lực của giáo viên tại TP HCM năm 2012, có đến 929/1.100 giáo viên tiếng Anh được khảo sát chưa đạt tiêu chuẩn.

 

ThS Hồ Liên Biện, Trưởng Khoa Ngoại ngữ Trường ĐH Hùng Vương (TP HCM), cho rằng việc đa số giáo viên chưa đạt chuẩn là một trong những khó khăn lớn nhất của các chương trình tiếng Anh hiện nay. Chuyện TP HCM phải sang thuê giáo viên Philippines để dạy các chương trình tiếng Anh đã cho thấy sự khủng hoảng về lực lượng này.

 

Theo TS Đặng Văn Hùng, để triển khai Đề án Ngoại ngữ quốc gia 2020, thời gian qua, TP HCM và các tỉnh đã triển khai nhiều chương trình đào tạo, bồi dưỡng giáo viên tiếng Anh. Tuy nhiên, thực tế là còn nhiều giáo viên ở cấp độ thấp, dạy học từ mấy chục năm nay không được bồi dưỡng, nâng cấp. Ngoài ra, đa số giáo viên ngoài đi dạy còn có gia đình, nhiều người đã lớn tuổi, tách rời việc học đã lâu, nên với thời gian bồi dưỡng trong vòng 5 tháng thì trình độ khó mà nâng lên cấp thời.

 

“Một lớp học tiếng Anh phải rất sôi động, học sinh phải được nói nhiều, giao tiếp nhiều, thậm chí có thể hò hét, vui chơi trong lớp học nhưng trong môi trường giáo dục hiện nay, học sinh không được làm ồn, ảnh hưởng đến lớp khác. Môi trường học tập và cơ sở vật chất không đáp ứng thì làm sao mà thực hiện được hiệu quả việc giảng dạy tiếng Anh” - ThS Biện nói.

 

Chuyên gia này cũng cho rằng phải thay đổi chương trình đào tạo giáo viên trong trường sư phạm hiện nay. Sinh viên ra trường mà không nghe nói thông thạo thì làm sao có thể giảng dạy các chương trình tiếng Anh cho học sinh. “Các trường đào tạo sư phạm ngoại ngữ nên thay đổi chương trình theo hướng 7 học kỳ học tại trường và 1 học kỳ bắt buộc ở nước bản ngữ. Phải có thời gian học nói với người nước ngoài thì may ra mới cải thiện được tình trạng hiện nay”.

 

Trong khi đó, với tư cách một trong những người tham gia thực hiện đào tạo, bồi dưỡng giáo viên của Đề án Ngoại ngữ quốc gia 2020, TS Đặng Văn Hùng thông tin đề án sẽ không tiến hành đào tạo lại đối với giáo viên tốt nghiệp ĐH sư phạm từ nay về sau nữa, các trường ĐH sư phạm buộc phải tự xây dựng chuẩn đầu ra phù hợp để bắt kịp được với yêu cầu về giáo viên của đề án.

Phải lập hội đồng thẩm định

 

Một chuyên gia về tiếng Anh tại TP HCM cho rằng khi triển khai các chương trình tiếng Anh, Bộ GD-ĐT và các sở GD-ĐT phải lập hội đồng thẩm định, đánh giá chất lượng chương trình và các phương tiện hỗ trợ tiếp theo, chứ không nên thích thì chọn, không thích thì dừng, gây hoang mang cho người học. Bên cạnh đó, nếu cùng lúc duy trì nhiều chương trình tiếng Anh mà không đánh giá được hiệu quả, không có người học thì dẫn đến sự lãng phí rất lớn.

 

Từ nay đến khi Đề án Ngoại ngữ quốc gia 2020 - chương trình đào tạo tiếng Anh thống nhất trong cả nước - chính thức triển khai trên toàn quốc thì các sở GD-ĐT vẫn triển khai kế hoạch giảng dạy bình thường và theo dõi hướng đi của của Bộ GD-ĐT trong việc thực hiện đề án này. Theo đánh giá của các chuyên gia, đến nay, đề án vẫn còn nhiều thứ chưa hoàn thiện như chương trình, sách giáo khoa, giáo viên... Do đó, vẫn chưa biết khi nào đề án này mới chính thức được triển khai cả nước. Và trong khi chờ đợi, các sở, trường vẫn  tiếp tục được tạo điều kiện thực hiện các chương trình tiếng Anh. Vậy là việc giảng dạy tiếng Anh trong trường học sẽ vẫn là bài toán khó có lời giải.

(Theo NLĐ)