Tin Môi Trường- Tin nhanh về môi trường Việt Nam
Hotline: 091.5203050 - 091.5203070
Email: tinmoitruong@tinmoitruong.com
Website: tinmoitruong.com.vn
Ngày 6/5, bác sĩ Nguyễn Thế Thanh, khoa nhi Bệnh viện Bạch Mai, cho hay khoa nội trú của viện vốn chỉ tiếp nhận bệnh nhân nặng, nằm viện dài ngày hoặc bệnh nhân cấp cứu, nhưng ba tuần trở lại đây phải tiếp nhận hàng loạt trẻ sốt virus đến khám ngoài giờ.
Bác sĩ thăm khám cho trẻ bị sốt virus nặng tại Bệnh viện Bạch Mai sáng 6/5 - Ảnh: Ngọc Hà |
Từ khoảng 05h00 chiều hôm trước đến 05h00 sáng hôm sau, khoa nhi liên tục tiếp nhận những bệnh nhân sốt cao, trung bình mỗi ngày 70- 80 trẻ. Vào thứ bảy, chủ nhật, khi phòng khám ngoại trú nghỉ thì số bệnh nhi sốt virus đến khám và điều trị tại khoa nội trú lên đến 150 trẻ/ngày. “Phần lớn bệnh nhân được khám, kê đơn rồi cho về nhà ngay. Nếu cho nội trú chắc bệnh viện không tải nổi” - bác sĩ Thanh nói.
Cả nhà cùng sốt
Bắt đầu biểu hiện bệnh từ sáng 3/5 nhưng đến tối cùng ngày cháu K.A., học sinh lớp 3 Trường tiểu học Thực nghiệm, Hà Nội, đã có những dấu hiệu nặng: sốt cao, đau đầu dữ dội, đau người, mệt lả... Ở phòng khám nhi cao, bác sĩ Nguyễn Văn Tú, phó trưởng khoa hồi sức cấp cứu Bệnh viện Nhi T.Ư, đã cho bệnh nhi làm các xét nghiệm kiểm tra viêm não nhưng kết quả đều âm tính. Theo bác sĩ Tú, đây là một trong số hàng chục trẻ sốt virus đã đến phòng khám trong vài ngày qua.
TS Nguyễn Quốc Tuấn, trưởng phòng tổng hợp Bệnh viện Bạch Mai, cho biết phòng khám ngoại trú của bệnh viện cũng tiếp nhận hàng trăm ca sốt virus ở trẻ em mỗi ngày. Đặc biệt hơn, số bệnh nhân bị sốt virus là người lớn vào thời gian này cũng tăng rất nhiều. Đã có những gia đình cả nhà cùng sốt hoặc khu dân cư có nhiều gia đình mắc bệnh cùng các biểu hiện như đau đầu, đau cơ, sốt cao, một số trường hợp có kèm chảy nước mũi, đau mắt đỏ, nôn...
Bác sĩ Hoàng Minh Thu, trưởng khoa khám nhi Bệnh viện Saint Paul, cho biết mỗi ngày phòng khám tiếp nhận 500-600 bệnh nhi, trong số này nhóm trẻ bị sốt virus chiếm tỉ lệ lớn và đang có dấu hiệu tăng trong thời gian gần đây. Bà Thu cho rằng mặc dù những dấu hiệu ban đầu của bệnh tỏ ra đơn giản như sốt, mệt mỏi nhưng nên cho trẻ tới cơ sở y tế để được khám và điều trị kịp thời, đồng thời loại trừ những căn bệnh nguy hiểm như viêm màng não hoặc viêm não Nhật Bản đang bắt đầu vào mùa.
Tăng cường đề kháng
Biểu hiện của trẻ sốt virus chủ yếu là nhiệt độ cơ thể tăng cao, trên 38 độ C, sốt kéo dài, chân tay lạnh, ho nhiều, một số trường hợp xuất hiện kèm các nốt phát ban, có trẻ đến viện khi đã có biểu hiện của viêm phế quản, viêm đường hô hấp trên.
Một số trẻ nhỏ bị sốt virus còn lên cơn co giật liên hồi kèm tình trạng khó thở. Trường hợp gặp các triệu chứng trên nếu không phát hiện đưa ngay đến cơ sở y tế cấp cứu kịp thời rất dễ sinh ra biến chứng khôn lường như: động kinh, viêm màng não...
Bác sĩ Thanh cho hay thông thường người mắc sốt virus sẽ khỏi sau 5-7 ngày điều trị (chủ yếu uống thuốc hạ sốt nếu người bệnh sốt trên 380C, cho người bệnh ăn những món dễ tiêu hóa, giàu chất dinh dưỡng). Trường hợp không khỏi sau khoảng thời gian này chắc chắn cơ thể đã bị bội nhiễm, cần làm các xét nghiệm sâu để chẩn đoán, điều trị kịp thời.
Tại Bệnh viện Bạch Mai cũng đã xuất hiện một số bệnh nhi tái phát nhiều lần, bệnh vừa chữa khỏi sau vài ba ngày lại sốt cao! Những trường hợp này chủ yếu là do sức đề kháng của trẻ kém, cơ thể lại không có miễn dịch tự nhiên đối với virus nên dễ bị mắc lại.
Cũng theo bác sĩ Thanh, thời điểm dịch như hiện nay cần tăng cường sức đề kháng, bù nước bằng dung dịch oresol, bổ sung vitamin từ hoa quả... cho trẻ em, người già. Khi sốt đang vào mùa cao điểm và sắp đến mùa thi của trẻ em, phụ huynh không nên cho trẻ đến chỗ đông người, hạn chế dùng điều hòa nhiệt độ, giữ vệ sinh ăn uống. Khi trẻ bị sốt cần cách ly để tránh lây lan. Hiện lượng bệnh nhân tuy đông nhưng rải khắp các quận trong TP Hà Nội, chưa có yếu tố dịch tễ bệnh phát tán nhiều tại một địa bàn cụ thể nào.
(Theo Tuổi Trẻ)