Tin Môi Trường- Tin nhanh về môi trường Việt Nam
Hotline: 091.5203050 - 091.5203070
Email: tinmoitruong@tinmoitruong.com
Website: tinmoitruong.com.vn
Ông Lê Bộ Lĩnh, Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Khoa học công nghệ và Môi trường của Quốc hội đã chia sẻ về những quan ngại trước việc Lào tiếp tục xây dựng đập thủy điện Don Sahong trên dòng chính sông Mekong.
Cây cấu nối đất liền với đảo Don Sadam đang được xây dựng chứng minh các bước chuẩn bị cho việc xây đập đang được rốt ráo chuẩn bị
PV: - Thưa ông, Chính phủ Lào đã thông báo về quyết định tiếp tục xây dựng đập Don Sahong vào tháng 9 năm ngoái, bỏ qua quy trình tham vấn của Ủy ban sông Mekong. Xin ông cho biết việc xây dựng con đập này sẽ có những tác động xấu gì tới vùng hạ du, giới khoa học của chúng ta đã có những phản ứng thế nào về động thái này?
Ông Lê Bộ Lĩnh: - Đúng là Thủy điện Don Sahong nằm trong khu vực Si Phan Don, tỉnh Champasak (miền nam Lào), chỉ cách biên giới Lào - Campuchia khoảng 1km dọc sông Mekong, tác động phía hạ du trong đó có Đồng bằng Sông cửu Long của chúng ta.
Thủy điện này cũng nằm gần thác rất lớn là thác Khone là đường đi chính của các loài cá lớn từ cửa sông ngược lên phía Lào để sinh sản hàng năm.Cho nên nếu làm thủy điện ở đây sẽ làm thay đổi dòng chảy và hệ sinh thái ở khu vực này sẽ ảnh hưởng đến di trú của loài cá, hệ sinh thái sông Mokong nói chung và vùng hạ du nói riêng.
Cũng giống như các thủy điện khác xây dựng trên dòng chính Mekong cũng sẽ gây ảnh hưởng đến chế độ thủy văn của dòng sông, gây ra cạn kiệt vào mua khô cho hạ du và gây ngập mặn cho vùng Đồng bằng sông Cửu Long của Việt Nam.
Đã từ lâu Chính phủ các nước phía hạ du, trong đó có Việt Nam đã rất quan ngại về tác động, ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường sinh thái và sinh kế của người dân Đồng bằng Sông Cửu Long của chúng ta.
Vì vậy trong cuộc họp Ủy hội sông Mekong quốc tế tổ chức tháng 4/2014 tại TP Hồ Chí Minh với chủ đề An ninh nguồn nước, năng lượng và lương thực trong bối cảnh biến đổi khí hậu ở Lưu vực sông Mekong đã ra Tuyên bố. Theo đó bản Tuyên bố nhấn mạnh khi nước nào xây dựng các công trình trên dòng chính sông Mekong phải có sự tham vấn với các nước thành viên khác.
Lúc đó đại diện Chính phủ Lào đã hứa với Việt Nam và các nước khác là sẽ cân nhắc và tham vấn khi xây dựng các công trình trên sông Mekong.
Tuy nhiên như các thông tin báo chí đã đưa cho thấy Lào vẫn tiếp tục xây dựng đập thủy điện trên sông Mekong và điều này gây quan ngại đối với chúng ta cũng như cộng đồng quốc tế, các tổ chức bảo vệ thiên nhiên, môi trường của thế giới.
Tôi cho rằng trên cơ sở những thỏa thuận mới đạt được vừa qua cũng như là các cuộc làm việc từ trước tới nay giữa các Chính phủ thuộc Ủy hội sông Mekong thì chúng ta phải có tiếng nói chính thức với Chính phủ Lào về vấn đề này.
Phải bày tỏ những quan ngại và trình trình bày rõ những tác động đặc biệt tới môi trường sinh thái, sinh kế của các nước liên quan đến dòng sông Mekong, trực tiếp là các nước khu vực hạ du nhất là khu vực Đồng bằng sông Cửu Long của chúng ta.
PV: - Thưa ông, không ít nhà khoa học đã bày tỏ rằng trước việc Lào xây dựng đập thủy điện trên sông Mekong Việt Nam phải nghiên cứu thế nào để đánh giá tách bạch, rõ ràng nguy cơ tiềm tàng của chính kế hoạch phát triển thủy điện trên dòng chính sông Me Kong đối với Đồng bằng sông Cửu Long. Đây là thách thức cho các nhà nghiên cứu của Việt Nam khi phải chỉ ra đâu là tác động do thủy điện, đâu là tác động do các yếu tố khác. Vậy việc này đã được tiến hành như thế nào, thưa ông?
Ông Lê Bộ Lĩnh: - Chúng ta đã tập hợp các công trình nghiên cứu và có cả tiếng nói và kết quả nghiên cứu của các nhà khoa học quốc tế đưa ra những đánh giá tác động của việc xây dựng công trình cũng như hoạt động khác trên dòng chính sông Mekong tác động đến môi trường sinh thái, sinh kế, chế độ thủy văn….
Tôi nghĩ rằng hiện đã có nhiều kết quả của cả khoa học trong nước cũng như các nhà khoa học quốc tế đánh giá về những hệ lụy nếu xây dựng đập thủy điện trên dòng chính sông Mekong.
Thông qua các hội nghị, hội thảo quốc tế để các nhà khoa học thuộc các nước trong Ủy hội thông tin trao đổi lẫn nhau các kết quả nghiên cứu. Đây là kênh rất quan trọng để các nhà khoa học trao đổi rõ những quan ngại một cách có cơ sở.
PV: - Thưa ông cũng như với Xayabury dù rằng các nước trong Ủy hội sông Mekong, Việt Nam và các tổ chức bảo vệ môi trường lên tiếng mạnh mẽ, song Chính phủ Lào vẫn xây dựng. Đến nay chính phủ Lào chính thức khởi công xây dựng con đập thứ hai Don Sahong trên dòng chính sông Mekong dù vẫn nói rằng sẽ tham vấn các bên. Phải chăng các lên tiếng chưa đủ?
Ông Lê Bộ Lĩnh: - Điều đáng nói là cơ chế hợp tác hiện nay trong Ủy hội sông Mekong quốc tế cũng có những hạn chế nhất định vì tính ràng buộc pháp lý yếu. Điều này đặt ra vấn đề Chính phủ các nước phải tiếp tục bàn thảo để có cơ chế hợp tác chặt chẽ hơn.
Bởi vì không có ràng buộc gì cả mà chỉ có thỏa thuận với nhau thôi, chỉ có cơ chế tham vấn. Cho nên các nước phải tiến đến hiệp định mang tính pháp lý cao hơn.
Hiện nay có khoảng 12 dự án thủy điện trên dòng chính sông Mekong nếu cứ từng bước xây dựng như vậy thì sẽ nguy hại vô cùng.
Chúng ta đã liên tục lên tiếng trong các cuộc họp thường xuyên của Ủy hội cũng như hợp tác các nước tiểu vùng sông Mekong. Nhưng theo tôi chúng ta vẫn cần phải lên tiếng mạnh mẽ hơn nữa đặc biệt là có những sáng kiến tạo cơ sở pháp lý để tiến tới có hiệp định quốc tế để có cơ sở ràng buộc nhau hơn.
Xin trân trọng cảm ơn ông!