Tin môi trường - Cổng thông tin về môi trường Việt Nam

Tin Môi Trường- Tin nhanh về môi trường Việt Nam
Hotline: 091.5203050 - 091.5203070
Email: tinmoitruong@tinmoitruong.com
Website: tinmoitruong.com.vn

Bình Dương tốn tiền tỷ xử lý, lục bình vẫn đặc quánh mặt sông

(22:23:17 PM 19/06/2014)
(Tin Môi Trường) - Chi phí vớt, xử lý được 1 tấn lục bình hiện nay không hề rẻ. Để vớt 1 tấn lục bình bằng hình thức thủ công tốn gần 700.000 đồng, trong khi đó dùng phương án cơ giới cũng trên 220.000 đồng/tấn.

Người dân rất vất vả mới ra khỏi được lớp lục bình dày đặc - Ảnh: Ngọc Thẩm


Sau 2 đợt trục vớt được 3.500 tấn lục bình trên sông Sài Gòn và nhiều kênh trạch, cửa , dù đã tốn tiền tỷ nhưng Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Bình Dương vẫn “bất lực” trước thực trạng lục bình sau khi vớt đã tái sinh rất nhanh, bịt kín trở lại nhiều mặt sông của tỉnh.


*Tốn tiền triệu xử lý, lục bình vẫn bịt kín mặt sông..


Theo quan sát của chúng tôi, bến Bạch Đằng (bờ sông Sài Gòn đoạn phường Phú Cường, thành phố Thủ Dầu Một, Bình Dương) là địa điểm ngắm cảnh sông Sài Gòn lý tưởng nhất ở Bình Dương. Nơi đây cũng là địa điểm công viên Bạch Đằng để người dân chọn làm nơi thư giãn, ra bờ sông hóng mát. Nhưng gần đây người dân sống gần bờ sông cũng như nhiều người muốn tìm đến công viên đều tỏ ra khó chịu vì lục bình phủ kín một màu xanh không nhìn thấy mặt nước bến Bạch Đằng. Có ngày nước lớn ( thủy triều dâng) chảy mạnh, lục bình dạt vào bờ Bình Dương ngày càng nhiều, khiến mặt sông thơ mộng hóa thành một màu xanh đặc quánh lục bình.


Trước thực trạng trên, vừa qua ông Phạm Danh, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Bình Dương đã có một báo cáo thu hút hàng chục sở, ngành và các nhà chuyên môn tập trung tìm cách xử lý triệt để lục bình trên sông Sài Gòn và trên nhiều kênh rạch trên địa bàn Bình Dương.


Đáng chú ý, kết quả sau 2 đợt ra quân hồi giữa tháng 5 vừa qua với quy mô cấp tỉnh đã trục vớt được 2.630 tấn lục bình với tổng kinh phí thực hiện hơn 584 triệu đồng ( bình quân chi phí hơn 222.000 đồng/tấn). Trong khi đó, quy mô cấp huyện cũng đã vớt được hơn 896 tấn, nhưng chi phí lên đến 608 triệu đồng ( tương đương gần 700.000 đồng/tấn).


Theo Sở Tài Nguyên và Môi trường đánh giá: Do ở cấp huyện tổ chức việc vớt lục bình bằng hình thức thủ công huy động hàng ngàn người vào cuộc nên chi phí mỗi tấn lục bình phát sinh tăng cao so với thực hiện bằng cơ giới. Sau 2 đợt triển khai trục vớt lục bình, huy động đến nhiều phương án nhưng rất gian nan với vấn nạn lục bình. Qua khảo sát mới nhất cho thấy, sông Sài Gòn từ thượng nguồn huyện Dầu Tiếng kéo đến địa phận thị xã Thuận An với chiều dài hàng chục km vẫn còn “nhiễm” đầy lục bình.


Cũng theo ông Danh: Đến nay cây lục bình vẫn phát triển với mật độ dày đặc, có nhiều đoạn sông Sài Gòn lục bình “bịt kín” mặt sông gây khó khăn cho các phương tiên lưu thông đường thủy và cản trở dòng chảy thoát nước tại nhiều địa phương trên địa bàn của tỉnh. Ông Danh cho biết thêm: Quá trình trục vớt hơn 3.526 tấn lục bình và cỏ dại, qua đó đã góp phần tạo cho dòng chảy được thông thoáng, vệ sinh môi trường một số khu vực được đảm bảo. Tuy nhiên, việc xử lý lục bình trên sông Sài Gòn chủ yếu được thực hiện tại bờ tiếp giáp với tỉnh Bình Dương, trong khi tại bờ tiếp giáp với thành phố Hồ Chí Minh và tỉnh Tây Ninh chưa được thực hiện. Chính bất cập này mà vấn nạn lục bình theo nguồn nước thủy triều dâng chảy mạnh thì chúng trôi dạt từ phía thành phố Hồ Chí Minh và Tây Ninh sang bờ phía Bình Dương, nên chỉ sau thời gian ngắn lục bình tiếp tục phát sinh trở lại, cản trở dòng chảy trên nhiều tuyến sông…


*Loay hoay tìm phương án… xả lũ tống lục bình ra biển?


Ông Trần Bá Luận, Phó Giám đốc Sở Giao thông- Vận tải Bình Dương cho hay: Việc xử lý lục bình còn nhiều lúng túng chưa tìm ra giải pháp bền vững. Hiện nay chúng ta đang làm là chỉ huy động sức người, chưa ứng dụng được công nghệ. Trong khi máy nông dân sáng chế vớt xử lý lục bình nhưng chưa có đơn vị nào thẩm định về hiệu quả, chi phí vận hành cũng như khả năng xử lý, công suất, địa bàn đoạn sông phù hợp,… Theo ông Luận: Về lâu dài, cần nghiên cứu đời sống sinh học của cây lục bình như: Xử lý ngó để ngăn chặn triệt để lục bình mới tái sinh. Ông đề xuất: “Ngó lục bình xào ăn rất ngon, nên có thể nhà nước chi ngân sách tổ chức mua ngó lục bình của người dân. Bên cạnh đó, huy động các tổ chức, đơn vị và hội phụ nữ vào cuộc làm đồ dùng từ cây lục bình để góp phần xóa đói giảm nghèo”.


Trong khi đó, theo Sở Tài chính Bình Dương: Việc sử dụng bằng thủ công vớt được 1 tấn lục bình tốn chi phí 700.000 đồng là quá tốn kém. Do đó, cần đẩy mạnh đưa cơ giới hóa trong việc xử lý lục bình trên sông. Nên tổ chức khoán trắng cho các đơn vị thường xuyên vớt lục bình theo hàng năm. Việc này quá tốn kém nên cần phải làm thường xuyên, liên tục mới mong có hiệu quả.Trong khi việc trục vớt diễn ra chưa đồng bộ giữa các địa phương, không làm thường xuyên nên rất khó triệt tiêu và để lục bình tái sinh lại thì coi như kết quả các đợt ra quân xử lý trước đó là vô nghĩa!


Ông Trần Văn Nam, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương cho biết: Chủ trương của tỉnh không chỉ vớt lục bình mà nhiệm vụ quan trọng khác là khơi thông dòng chảy, làm sạch vệ sinh môi trường. Tuy nhiên thời gian qua đã thực hiện trục vớt hàng ngàn m3 lục bình nhưng hiệu quả hạn chế lục bình trên các sông đạt chưa cao. Nguyên nhân là do sự phối hợp giữa các ngành, giữa các địa phương cũng như các tỉnh, thành chưa đồng bộ “bên vớt, bên không” nên quá khó làm sạch được lục bình trên sông Sài Gòn.


Còn theo kinh nghiệm của ông Nam, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương: “Vào mùa mưa này chúng ta tiến hành xả lũ hồ Dầu Tiếng tống ra biển thì chúng tự triệt tiêu sẽ hạn chế được lục bình trên sông Sài Gòn”.

Dương Chí Tưởng