Tin Môi Trường- Tin nhanh về môi trường Việt Nam
Hotline: 091.5203050 - 091.5203070
Email: tinmoitruong@tinmoitruong.com
Website: tinmoitruong.com.vn
Ảnh minh hoạ: IE
Đây là những kết quả chính của một nghiên cứu độc lập mới đây do Oxfam phối hợp thực hiện cùng với các cơ quan chính quyền địa phương tại ba huyện điển hình là Simacai (Lào Cai), Tương Dương (Nghệ An) và Ba Tơ (Quảng Ngãi). Nghiên cứu này được thực hiện trong năm 2012 - 2013, dựa trên số liệu thu thập thông qua khảo sát ngẫu nhiên với 1.440 hộ gia đình và các cán bộ huyện, xã tại ba huyện nói trên.
Cụ thể là, mặc dù mục tiêu của Chương trình đặt ra là giảm lao động nông nghiệp còn dưới 60% lao động xã hội (đến năm 2015), tuy nhiên trên thực tế cơ cấu lao động việc làm trong nông nghiệp tại các huyện khảo sát không thay đổi nhiều. Ví dụ tại Tương Dương và Ba Tơ, số liệu điều tra trước khi thực hiện Chương trình (năm 2009) cho thấy 80% đồng bào dân tộc thiểu số có sinh kế dựa vào nông nghiệp Số liệu này không thay đổi sau 5 năm thực hiện chương trình.
Đối với mục tiêu của Chương trình hỗ trợ sinh kế thông qua 5 nội dung lớn là bảo vệ rừng, xúc tiến xuất khẩu lao động, tập huấn, trợ cấp gạo và hỗ trợ vay ưu đãi cũng gặp nhiều thách thức. Chẳng hạn như với chương trình bảo vệ rừng, theo tính toán, ước chừng chỉ có 2 xã Lưu Kiền và Tam Quang (thuộc Tương Dương) có khoảng 3-4% hộ gia đình đăng ký tham gia chương trình này, tại các xã khác tỷ lệ chỉ là 0-1%.. Với chương trình xuất khẩu lao động, Chương trình 30A đặt mục tiêu đưa 7.500 – 8.000 lao động đi làm việc ở nước ngoài, tương đương 10 lao động/ xã. Tuy nhiên, kết quả khảo sát cho thấy trong ba huyện chỉ có Tương Dương có khả năng đạt mục tiêu này. Tại huyện Si Ma Cai ước tính chỉ có 0-3 người/xã hay như Ba Tơ có xã Ba Dinh không có người nào đi xuất khẩu lao động. Một ví dụ nữa là chương trình cho vay ưu đãi không lãi suất. Số hộ hưởng lợi từ chương trình này rất thấp, ước tính chỉ có 2% số hộ gia đình tại hai huyện Tương Dương và Ba Tơ được tiếp cận vào chương trình trên.
Với những số liệu trên, chúng tôi quan ngại về tính phù hợp của một số mục tiêu, ưu tiên của chương trình 30a cũng như tính hiệu quả của việc thực hiện chương trình.
Kết quả của nghiên cứu cho thấy một số yếu tố như ngôn ngữ, giới, hay việc tham gia vào các đoàn thể xã hội hay không có thể tạo nên những rào cản đối với người dân tham gia tập huấn khuyến nông hay đào tạo nghề phụ. Các lớp tập huấn chương trình đào tạo nghề phụ hoàn toàn được thực hiện bằng tiếng Kinh, trong khi số lượng đồng bào dân tộc thiểu số không thông thạo tiếng phổ thông tại các huyện nghèo chiếm tỷ lệ lớn. Số lượng thành viên của các tổ chức đoàn thể như Hội Phụ nữ, Nông dân, Đoàn thanh niên, hay Cựu chiến binh tham gia tập huấn cao hơn so với những người không phải là thành viên của các tổ chức này. Mặt khác trong một vài nhóm dân tộc thiểu số như H’mong, tỷ lệ nam giới tham gia lớp tập huấn cao hơn nữ giới tới 65%.
Cũng theo kết quả nghiên cứu, giống như các chương trình giảm nghèo khác, 75-80% ngân sách chương trình 30a được tập trung cho đầu tư cơ sở hạ tầng. Tuy nhiên, tại một số địa phương, ưu tiên đầu tư của Chương trình chưa đáp ứng đúng nguyện vọng của người dân. Ví dụ hiện nay đối với người dân nước sạch là ưu tiên hàng đầu thì vẫn chưa được đáp ứng và ngân sách chi cho hạng mục này (tại huyện Si Ma Cai trong giai đoạn 2009 – 2011 và kế hoạch 2014) đều ở mức thấp nhất.
Theo Bà Nguyễn Lê Hoa, Quyền Giám đốc Quốc gia Tổ chức Oxfam tại Việt Nam, Việt Nam đã có nhiều nỗ lực trong công tác xóa đói giảm nghèo và Chương trình 30A là một trong các chương trình có quy mô lớn nhất. Tuy nhiên, việc đánh giá tính phù hợp và hiệu quả của các chương trình này vẫn còn nhiều điều cần phải bàn đến.
“Thông qua nghiên cứu này chúng tôi mong muốn đóng góp một tiếng nói độc lập, giúp cho việc thực hiện các chương trình giảm nghèo hiệu quả hơn, đảm bảo đúng mục tiêu là cải thiện một cách bền vững đời sống của người nghèo . Nghiên cứu của Oxfam khuyến nghị các chương trình giảm nghèo cần cân nhắc lại các mục tiêu ưu tiên và đảm bảo phân bổ hợp lý các nguồn vốn đầu tư vào các lĩnh vực theo đúng nhu cầu của người dân,” Bà Nguyễn Lê Hoa phát biểu.
Chương trình 30A là một sáng kiến trọng điểm về xóa đói giảm nghèo ở Việt Nam tại 64 huyện nghèo nhất Việt Namđược Chính phủ Việt Nam thông qua năm 2008. Trong khoảng thời gian từ năm 2009 đến 2011, Việt Nam đã chi hơn 400 triệu đô-la Mỹ cho chương trình này, trung bình mỗi huyện nhận được khoảng 2 triệu đô-la Mỹ một năm. Bên cạnh khoản tiền nói trên, Chương trình còn nhận được các nguồn lực hỗ trợ bổ sung từ các doanh nghiệp nhà nước.
Oxfam là một liên minh quốc tế gồm 17 tổ chức cùng phối hợp hoạt động tại 94 quốc gia trên thế giới. Chúng tôi là một phần của phong trào toàn cầu nhằm đem lại tác động lớn hơn trong nỗ lực xóa đói giảm nghèo và đấu tranh cho bình đẳng. Tại Việt Nam, Oxfam là một trong những tổ chức phi chính phủ quốc tế hàng đầu hoạt động trong các lĩnh vực phát triển nông thôn, giảm thiểu rủi ro và ứng phó với biến đổi khí hậu và thảm họa, phát triển xã hội dân sự và cộng đồng thiểu số, nâng cao vị thế phụ nữ.