Tin Môi Trường- Tin nhanh về môi trường Việt Nam
Hotline: 091.5203050 - 091.5203070
Email: tinmoitruong@tinmoitruong.com
Website: tinmoitruong.com.vn
Nhóm các nhà nghiên cứu của Phân viện cơ điện nông nghiệp và công nghệ sau thu hoạch TP.HCM vừa nghiên cứu thiết kế, chế tạo thành công thiết bị giảm tỷ lệ nước trong mật ong. Thiết bị này giúp nâng cao chất lượng thành phẩm và khả năng bảo quản mật ong.
Máy tách nước trong mật ong. Ảnh: Thùy An |
KS. Huỳnh Tiến Trung, thành viên nhóm nghiên cứu cho biết: “Thiết bị hoạt động bằng phương pháp gia nhiệt và bốc hơi trong chân không, có năng suất 300 kg/giờ, giảm tỷ lệ nước còn lại trong mật từ 19 - 20 phần trăm; mật ong đạt tiêu chuẩn về độ ẩm để xuất khẩu ở tỷ lệ này”.
Theo KS. Huỳnh Tiến Trung, thông thường, tỷ lệ nước trong mật ong ở Việt Nam hiện còn khá cao từ 24 - 30 phần trăm. Đây là hạn chế lớn làm ảnh hưởng đến khả năng bảo quản (sau 2, 3 tháng mật có thể bị lên men chua).
Chính quá trình bay hơi nước trong điều kiện chân không giúp cho mật ong không bị lên men chua. Mật ong sau khi được tách nước bằng thiết bị này vẫn đảm bảo chất lượng, không bị mất vitamin.
Ngoài ra, nhờ thiết bị được thiết kế làm bay hơi nước ở nhiệt độ thấp 40 - 45 độ C trong điều kiện chân không, nên không xảy ra quá trình caramen hóa đường fructose và vẫn giữ nguyên màu tươi mới vàng sánh của mật.
Thành công của nghiên cứu này đã giúp nâng cao chất lượng thành phẩm và khả năng bảo quản mật ong, mở ra một triển vọng khả quan cho hướng xuất khẩu mật ong. Thiết bị này có hiệu quả sử dụng tương đương so với nhập khẩu nhưng giá thành rẻ hơn từ 30 - 50 phần trăm tùy năng suất sản phẩm.
Nuôi ong lấy mật hiện khá phổ biến ở nhiều tỉnh miền Bắc, miền trung và Tây Nguyên. Nếu nâng cao chất lượng sản phẩm, xuất khẩu mật ong sẽ giúp nông dân nuôi ong có một hướng làm giàu ý nghĩa.
(Theo Vietnamnet)