Tin môi trường - Cổng thông tin về môi trường Việt Nam

Tin Môi Trường- Tin nhanh về môi trường Việt Nam
Hotline: 091.5203050 - 091.5203070
Email: tinmoitruong@tinmoitruong.com
Website: tinmoitruong.com.vn

Yên Bái: Thủy điện Văn Chấn "hất lũ" vào dân Tin ảnh

(10:15:07 AM 18/06/2014)
(Tin Môi Trường) - Bãi thải cát sỏi của Cty Thủy điện Văn Chấn dài như một con đê, đã hất dòng lũ về phía bờ bên này làm sói lở bờ suối thành hầm thành hố. Bờ suối bị dòng nước lũ lấn sâu hơn chục mét, nay trơ ra toàn đá sỏi. Có điểm sói lở sâu vào bờ từ 2-3m, nom như hàm ếch và có thể sụp lở bất cứ lúc nào. Thủy điện Văn Chấn hất lũ vào dân


Bãi sỏi thải cao như núi của Cty Thủy điện Văn Chấn bên cạnh dòng Thia


Nhà máy thủy điện Văn Chấn do Cty CP Thủy điện Văn Chấn xây dựng trên dòng suối Thia có công suất thiết kế 57MW, được xây dựng hơn 4 năm, ngày 9/11/2013 nhà máy khánh thành đi vào hoạt động. Nhưng có ai biết rằng sau lễ cắt băng khánh thành tưng bừng cờ hoa ấy, những đống sỏi thải của Cty bên bờ suối Thia đang là vật cản hất dòng lũ uy hiếp cuộc sống của người dân…

Suối Thia còn gọi là Nặm Xia, tiếng Thái nghĩa là dòng suối mất. Năm nào cũng vậy, dòng suối Thia (Văn Chấn, Yên Bái) đều cuốn trôi vài mạng người và nhiều ha hoa màu của người dân sống dọc hai ven bờ suối.

Do tình trạng phá rừng làm nương rẫy diễn ra hàng chục năm qua nên dòng Thia càng trở nên hung dữ khi mùa mưa đến. Để bảo vệ ruộng đồng cũng như cuộc sống của người dân nhà nước đã chi hàng trăm tỷ đồng xây dựng nhiều tuyến kè hai bên bờ suối.

Để phục vụ cho việc xây dựng công trình thủy điện Văn Chấn, tỉnh Yên Bái đã cho phép Cty CP Thủy điện Văn Chấn khai thác cát, sỏi tại mỏ cát Bản Cài thuộc xã Sơn Lương và thị trấn nông trường Liên Sơn, với diện tích khai thác 10,05 ha bằng quyết định 1312/GP-UBND ngày 20/8/2010, ngày 28/4/2011 UBND tỉnh Yên Bái gia hạn khai thác cho Cty thêm 6 tháng nữa bằng quyết định 595/GP-UBND.

Phản ánh của người dân, Cty Thủy điện Văn Chấn đã thuê các nhà thầu Trung Quốc xây dựng công trình thủy điện và khai thác cát sỏi trên dòng suối Thia. Theo quy định, sau khi giấy phép khai thác khoáng sản đã hết hạn vào ngày 28/10/2011 thì Cty phải đóng cửa mỏ, thực hiện việc hoàn nguyên theo Luật Khoáng sản.

Nhưng lạ lùng thay, ngày 22/7/2013 sau gần hai năm giấy phép đã hết hạn đoàn kiểm tra của Sở Tài nguyên - Môi trường Yên Bái tiến hành kiểm tra thì mỏ Bản Cài chưa chịu đóng cửa và phục hồi môi trường đất đai sau khai thác.

Hành vi vi phạm đó được quy định tại điểm b, khoản 3, điều 11 của Nghị định 77/2007/NĐ-CP ngày 10/5/2007 của Thủ tướng Chính phủ về việc sửa đổi bổ sung một số điều của Nghị định 150/2007/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực khoáng sản. Ngày 13/8/2013 Chánh Thanh tra Sở Tài nguyên-Môi trường tỉnh Yên Bái đã phạt Cty CP Thủy điện Văn Chấn 6 triệu đồng.

Sự trơ lỳ của của Cty CP Thủy điện Văn Chấn còn hơn cả đá cuội trong lòng suối Thia
. Ngày 26/7/2013 Sở Tài nguyên - Môi trường Yên Bái có công văn số 902/STNMT-KS yêu cầu Cty đóng cửa mỏ theo quy định của Luật Khoáng sản.

Tuy nhiên Cty không chịu đóng cửa và thực hiện hoàn nguyên môi trường, ngày 15/5/2014 Sở Tài nguyên-MT Yên Bái tiếp tục có công văn số 842/STNMT-KS yêu cầu Cty lập hồ sơ đóng cửa mỏ; Đề án đóng cửa mỏ trình UBND tỉnh Yên Bái xem xét, phê duyệt. Tuy nhiên, cho đến nay thì mọi chuyện dường như đều đứng yên tại chỗ.

Người dân bản Hẻo thì đứng ngồi không yên khi mùa mưa lũ đến. Bãi thải của Cty Thủy điện Văn Chấn đổ dọc ven bờ suối Thia cả ngàn khối chạy dài mấy chục mét cao từ 3-5m trở thành một vật cản hất dòng nước lũ về phía người dân sống dọc quốc lộ 32.

Ông Nguyễn Thanh Liêm, tổ trưởng tổ dân phố 5 dẫn chúng tôi ra bờ suối ngán ngẩm: Nhân dân chúng tôi đề nghị lên huyện, lên tỉnh rồi phản ánh tới đoàn đại biểu Quốc hội, nghĩa là kêu rát cổ nổ họng từ năm 2012 mà có ai thèm nghe đâu?



Ông Nguyễn Thanh Liêm chỉ bãi sỏi thải cao như con đê bên dòng Thia


Bờ suối bị dòng Thia làm sói lở mùa mưa năm 2013

 

Bãi thải cát sỏi của Cty Thủy điện Văn Chấn dài như con đê thế kia, đã hất dòng lũ về phía bờ bên này làm sói lở bờ suối thành hầm thành hố. Mùa mưa năm 2005 nước lũ tràn qua quốc lộ 32 dâng ngập hè nhà tôi, còn năm nay với bãi thải lớn như thế kia liệu gia đình tôi và các gia đình sống dọc bờ dòng Thia này liệu có an toàn không?

Theo tay ông Liêm chỉ, thì bờ suối bị dòng nước lũ lấn sâu hơn chục mét, nay trơ ra toàn đá sỏi. Có điểm sói lở sâu vào bờ từ 2-3m, nom như hàm ếch và có thể sụp lở bất cứ lúc nào khi mùa lũ tới.


Đằng sau việc không chấp hành các quy định đóng cửa mỏ và phục hồi môi trường theo quy định Luật Khoáng sản của Cty Thủy điện Văn Chấn liệu có uẩn khúc gì mà hai lần Sở Tài nguyên-MT Yên Bái ra văn bản mà Cty này vẫn trơ lỳ như đá cuội dòng Thia vậy? Mùa mưa lũ đang sầm sập tới, những thảm họa do lũ lụt gây ra cho người dân quanh mỏ Bản Cài ai sẽ chịu trách nhiệm?

Chúng tôi sang phía bãi khai thác cát sỏi nằm phía bên bờ suối xã Sơn Lương.

Thật không thể tin nổi một bãi thải đá cuội cao lừng lững như một con đê chắn sóng nằm ngay cạnh mép nước dòng Thia dài mấy chục mét, đây chính là thủ phạm hất dòng nước lũ về phía bờ bản Hẻo gây ra sạt lở đất mà ông Nguyễn Thanh Liêm đã chỉ cho chúng tôi.

Nhìn những cỗ máy sàng cát sỏi cao lớn phủ cây cối đã hoen rỉ đủ thấy một công trường khai thác cát sỏi ở đây lớn như thế nào.

Tất cả đã chìm trong cỏ dại hoang tàn đủ thấy chủ của công trường này đã bỏ từ lâu, một bãi sắt vụn chỏng chơ những cỗ máy nằm ngổn ngang im lìm trong nắng chói chang như sự thách thức với các cơ quan chức năng của tỉnh Yên Bái và người dân.

Đúng như phản ánh của người dân, công trường khai thác cát sỏi ở đây chủ yếu do người Trung Quốc thực hiện, trên dãy nhà công nhân ở chúng tôi thấy một số hình ảnh và chữ viết Trung Quốc ghi trên các tấm bảng đóng vào vách nhà.



Những cỗ máy sàng cát sỏi trong hoang tàn cỏ dại và dây leo


Không biết những chữ đó viết gì? Tại sao từ tháng 10/2011 khi giấy phép khai thác mỏ cát, sỏi Bản Cài đã hết hạn mà hàng ngàn khối sỏi thải vẫn nằm chình ình ven bờ suối? Phải chăng đây chính là cái bẫy môi trường mà phía nhà thầu Trung Quốc đã giăng ra để hại người dân Việt Nam?

Vào dãy nhà công nhân Trung Quốc ở, hiện chỉ có ông Nguyễn Văn Chính đang được Cty Thủy điện Văn Chấn thuê bảo vệ. Ông Chính chẳng biết gì ngoài việc bảo vệ những cỗ máy hoen gỉ chỏng chơ giữa trời và phủ đầy cây cối.




Ông Nguyễn Văn Chính bên những cỗ máy hoen gỉ bỏ mặc ngoài trời


Những tấm biển ghi chữ Trung Quốc đóng trên vách nhà còn sót lại


Trao đổi với một số lãnh đạo của Sở Tài nguyên-MT tỉnh Yên Bái chúng tôi đều nhận được lời hứa sẽ xem xét việc này ngay. Qua các văn bản xử lý việc đóng cửa mỏ Bản Cài của Sở Tài nguyên-MT tỉnh Yên Bái từ năm 2013 đến nay là sự kiên quyết trên… giấy.

(Theo NNVN)