Tin Môi Trường- Tin nhanh về môi trường Việt Nam
Hotline: 091.5203050 - 091.5203070
Email: tinmoitruong@tinmoitruong.com
Website: tinmoitruong.com.vn
Ảnh minh hoạ: IE
Đầu tư công có vai trò quan trọng trong việc phát triển kinh tế và xã hội bền vững, công bằng và tạo động lực thúc đẩy phát triển đất nước. Đầu tư công cũng tác động trực tiếp đến việc quản lý hiệu quả ngân sách nhà nước và các nguồn lực công khác. Vì vậy, việc xây dựng và ban hành một đạo luật riêng biệt trong lĩnh vực này là một chủ trương đúng đắn của Chính phủ nhằm kịp thời nâng cao hiệu quả của các hoạt động đầu tư công
.
Hiện tại có những công trình đầu tư công hiệu quả chưa cao và cơ chế người dân và cộng đồng tham gia giám sát đầu tư công chưa được thực hiện đầy đủ và thiếu thực chất. Trong thời gian từ tháng 2 đến tháng 5 năm 2014, Trung tâm Hành động Phát triển vì Cộng đồng (ACDC), Trung tâm Nâng cao Năng lực Cộng đồng (CECEM), Trung tâm Hội nhập và phát triển (CDI), Trung tâm Hỗ trợ Giáo dục và Nâng cao Năng lực cho Phụ nữ (CEPEW), Nhóm hợp tác Thúc đẩy Quản trị và Cải cách Hành chính công (GPAR) với sự hỗ trợ Oxfam và Ủy ban Tài chính Ngân sách của Quốc hội khóa XIII, đã tiến hành thu thập ý kiến 350 người dân và cán bộ chính quyền địa phương tại bốn tỉnh Hòa Bình, Nam Định, Quảng Trị và Vũng Tàu về thực thi Luật ngân sách nhà nước 2002, bao gồm việc quản lý và sử dụng ngân sách của các công trình đầu tư công, qua đó có các ý kiến trực tiếp liên quan đến Luật Đầu Tư Công.
Kết quả tham vấn cho thấy ở đâu có sự tham gia của cộng đồng trong lập kế hoạch và giám sát thực hiện các công trình đầu tư công thì ở đó có sự hài lòng của người dân và sự tin tưởng giữa người dân và chính quyền địa phương. Sự tham gia của người dân đã góp phần phần đảm bảo hiệu quả đầu tư công; người dân có thông tin đầy đủ về thiết kế, dự toán công trình, biết rõ công trình làm khi nào, tiến độ ra sao; họ đóng góp ý kiến về thiết kế công trình đảm bảo phù hợp với văn hóa và điều kiện thực tế ở địa phương; người dân giám sát việc thực hiện thi công và góp phần đảm bảo chất lượng công trình. Kết quả tham vấn cũng cho thấy, khi thiếu vắng sự tham gia và giám sát hiệu quả của người dân và cộng đồng, các công trình, dự án đầu tư công kém hiệu quả, lãng phí, chưa đáp ứng đúng nhu cầu và hoàn cảnh thực tế tại địa phương, thậm chí gây thiệt hại cho người dân.
Chúng tôi trân trọng sự cởi mở và những nỗ lực của Cơ quan soạn thảo và Cơ quan thẩm định Luật trong việc tiếp thu ý kiến cộng đồng và đưa vào bản dự thảo Luật đầu tư công, dự kiến sẽ được trình ra Quốc hội phê duyệt ngày 18 tháng 06 năm 2014. Việc Cơ quan soạn thảo và Cơ quan thẩm định Luật tiếp tục cân nhắc và tiếp thu những kiến nghị về sự tham gia và giám sát của người dân sẽ góp phần giúp Luật đầu tư công sau khi được thông qua đi vào cuộc sống và có tính khả thi cao.
Cụ thể, dự thảo Luật đầu tư công cần ghi nhận quyền được tham gia của người dân với các vai trò là chủ thể giám sát việc thực hiện quyền lực công; người sử dụng kết quả các công trình đầu tư công, hoặc bị tác động trực tiếp bởi hoạt động đầu tư công. Luật cần bổ sung nguyên tắc “bảo đảm sự tham gia hiệu quả của người dân trong các hoạt động đầu tư công”.
Đồng thời bảo đảm cơ chế hiệu quả và thực chất để người dân, cộng đồng tham gia và giám sát trực tiếp hoặc thông qua các tổ chức đại diện của mình, trong xây dựng chủ trương, kế hoạch đầu tư công và thực hiện chương trình, dự án, chấp hành kế hoạch đầu tư. Đặc biệt người dân, cộng đồng dân cư ở cấp cơ sở có quyền tham gia và giám sát các chương trình, dự án đầu tư công, nếu chương trình, dự án đó tác động trực tiếp hoặc có liên quan đến việc thực hiện quyền, nghĩa vụ của người dân.
Bên cạnh đó, quy định hình thức giám sát phù hợp với từng nhóm nội dung thực hiện giám sát và trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức có liên quan trong việc tiếp thu kết quả giám sát. Quy định việc tham vấn, lấy ý kiến của chuyên gia tư vấn hoặc các tổ chức tư vấn đối với các chương trình, dự án phức tạp, mang tính chuyên môn sâu hoặc có những tác động lớn đến môi trường và xã hội.
Các tổ chức thực hiện tham vấn kính đề nghị các cơ quan nhà nước thực hiện nhiệm vụ xây dựng Luật đầu tư công tiếp tục cân nhắc và tiếp thu ý kiến của người dân. Việc phản ánh tâm tư, nguyện vọng của người dân trong Dự thảo Luật đầu tư công sẽ là một trong các điều kiện để Luật đầu tư công sau khi được thông qua sẽ góp phần nâng cao hiệu quả đầu tư công.